"Phó nháy" cuối cùng ở Bách Thảo

16/04/2012 15:31 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Ông vẫn ngồi trên cái xe đạp cũ, đôi mắt đen lánh hấp háy ánh nhìn vui tươi các cặp tình nhân trẻ. Dẫu cái nghề đã từng huy hoàng của ông dường như chỉ le lói chút ánh sáng yếu ớt cuối cùng trước khi tàn lụi song ông vẫn tin rằng: Dù có thế nào, người Hà Nội vẫn cần nghề này. Bởi ngoài mang tính dịch vụ, nó còn là một nét văn hóa.

Ông là Nguyễn Chế, người chụp ảnh dạo cuối cùng của vườn Bách Thảo (Hà Nội).

Vang bóng một thời

“Trước tôi làm ở Sở Điện lực Bờ Hồ. Sau về hưu, được người bạn gợi ý, tôi tập tành chụp ảnh vài ngày. Cái buổi vào nghề có gì đâu, khi biết qua qua cách bật tắt, chỉnh tọa độ, khuôn hình, tôi liền vác máy ra Bách Thảo chụp. Lúc đầu cứ nghĩ làm chơi chơi, ai ngờ bén duyên với nó đến hơn chục năm trời. Đến giờ, 84 tuổi, chân chậm, mắt mờ rồi mà vẫn cố đạp xe ra đây những ngày cuối tuần cho bớt nhớ” - ông Chế quả quyết.

Ông kể tiếp về quá khứ vàng son của nghề chụp ảnh dạo ở Bách Thảo: “Cái thời cực thịnh của nghề này là những năm 1990. Lúc đó, địa điểm vui chơi đâu có nhiều như bây giờ, trai gái hẹn hò thường rủ nhau đến Bách Thảo. Nên cả chục anh thợ ảnh dạo, vác mấy cái Zenit hay Nikon xoàng xoàng, cùng hoạt động ở đây mà bận rộn cả ngày. Trước 5 ngàn một kiểu thôi nhưng túc tắc kiếm cả trăm bạc một ngày. Mà một trăm ngàn đồng lúc ấy to lắm. Chẳng thế mà có cậu ngày đêm ôm máy ở cái công viên này độ dăm năm mua được cả nhà Hà Nội. Ngày đó, kinh tế cũng khó khăn, có anh bỏ cả việc nhà nước đi ra đây chụp ảnh dạo sinh nhai”.

Còn ai cần người thợ ảnh già?

Song “Hà Nội, những năm 2000” thay đổi chóng mặt. Địa điểm vui chơi mọc lên như nấm. Bách Thảo không còn là điểm hẹn hiếm hoi của lứa đôi đã khiến vườn Bách Thảo tấp nập tình nhân ngày nào bước vào độ mà ông Chế ví như “buồn tàn thu”. Từ điểm hẹn của lứa đôi, Bách Thảo giờ là nơi để học sinh tập quân sự, ông bà già tập thể dục, và lũ trẻ con nô đùa. Những đối tượng này chẳng mấy khi thuê chụp ảnh.

Rồi thêm trào lưu “phượt” khiến thanh niên ham yêu thiên nhiên bỏ Bách Thảo mà tới những miền xa xôi hoang dã. “Đấy là chưa kể cái “mốt” chụp ảnh với hoa của các bạn trẻ ngày nay. Độ nọ, có cậu sinh viên nhiếp ảnh ngồi chơi, khuyên tôi nên tới những nơi có nhiều loại hoa các bạn trẻ yêu thích để kiếm khách. Cậu ta tỉ mỉ: Tháng 3, 4 chụp ảnh hoa sưa, hoa ban ở đường Bắc Sơn, Hoàng Diệu, Thanh Niên; 6, 7, 8 chụp ảnh với sen Hồ Tây; tháng 9, 10 sang vườn cải cúc bên Gia Lâm, Thanh Trì; tháng 11, 12, 1, 2 chụp hoa bách nhật, hoa đào ở Nhật Tân... Nhưng tôi trả lời với cậu ấy ngay, nếu chỉ vì tiền, tôi đã không ngồi ở vườn Bách Thảo tới tận lúc này”- ông Chế chia sẻ.

Bách Thảo “mỗi năm mỗi vắng”, lại thêm sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số hiện đại đã khiến những thợ ảnh vốn chỉ quen với cuộn phim máy cơ không thể theo nổi. Những người chụp ảnh dạo, phần thì bỏ Bách Thảo, phần thì bỏ nghề. Đội quân ảnh dạo hùng hậu ngày nào trở thành “những người muôn năm cũ”, trừ ông Chế.

Vẫn muốn tìm…truyền nhân

Để thích nghi, ông Chế đã trang bị cả máy số. Lại phải thêm cả tấm biển “chụp ảnh lấy ngay” để hút khách. Ông cứ để biển đấy và ngồi chờ, hôm may thì có nhiều khách gọi, không may thì chẳng có ai. Giá chụp là 15.000 đồng/kiểu, ngày cuối tuần “đẹp trời” cũng được 4, 5 khách. Mà đã chụp, họ thường chụp vài ba kiểu. Thành thử những ngày đông khách cũng được một vài trăm. Cộng thêm việc chụp ảnh thẻ ở nhà nữa, thu nhập cũng đủ sống.

“Nên tôi vẫn mong có người nào thay tôi tiếp tục chụp ảnh dạo ở vườn Bách Thảo này. Anh nào thích học nghề, tôi hướng dẫn chụp, mách những chỗ những góc đẹp ở Bách Thảo này trong những thời điểm, thời tiết khác nhau trong ngày. Tôi cũng chỉ cho chỗ in ảnh quen, vừa gần, vừa rẻ, vừa nhanh để làm việc thuận tiện. Các anh chạy thể dục qua, tôi đều gợi ý mà chẳng anh nào ưng”- người thợ ảnh già kể.

Khi tôi hỏi: “Tại sao vẫn cố níu nghề ảnh dạo cho Bách Thảo khi quá ít người cần?”, nét mặt ông thoáng chút buồn nhưng giọng vẫn đầy nhiệt tâm: “Ngoài kiếm tiền, nghề này với tôi là niềm đam mê. Quyển album này này, hơn 10 năm nay, nó là tài sản lớn nhất của tôi đấy. Những đôi trẻ đến và ghi dấu kỷ niệm ở đây. Đằng sau mỗi tấm ảnh là những mối tình và cả những thân phận. Tôi không biết rồi họ có đến được với nhau không. Nhưng tôi tin là cái khoảnh khắc mà tôi chụp trong những cuốn album này, họ sẽ nhớ mãi”.

Chiều cuối Xuân, nắng vàng hanh hao đổ dài trên đường bóng ông thợ ảnh già đang ôm khư khư cái máy ảnh. Ông vẫn ngồi khiêm nhường ở một góc đường như hơn chục năm nay. Dòng người tham quan vẫn ngược xuôi, nháy lia lịa những chiếc máy ảnh du lịch như chẳng chú ý tới sự tồn tại của ông. Cả ngày hôm nay ông không có khách.

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm