Phần lớn thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch COVID-19 là nhờ sự đoàn kết của toàn xã hội

13/04/2020 21:27 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo hãng tin Đức DPA ngày 13/4, với con số chỉ vài trăm người nhiễm và chưa có trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2, cách ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi và có thể coi đây là bài học cho các nước trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và số ca nhiễm corona cập nhật mới nhất

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam và số ca nhiễm corona cập nhật mới nhất

Báo Điện tử Thể thao và Văn hóa - TTXVN cập nhật những diễn biến mới nhất của dịch bệnh COVID-19 trong nước và thế giới từ các cơ quan chức năng.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn báo trên cho biết dù có đường biên giới dài với Trung Quốc, nhưng do sớm hành động kiên quyết kết hợp với việc xét nghiệm rộng rãi, cách ly triệt để và sự đồng lòng của toàn xã hội, Việt Nam cho đến nay đã tránh được thảm họa như đang xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với việc chỉ có hơn 200 ca nhiễm bệnh, biện pháp hiệu quả ứng phó với đại dịch của Việt Nam đã được WHO cũng như truyền thông quốc tế đánh giá cao.

Theo thống kê chính thức đến ngày 13/4, Việt Nam đã thực hiện cách ly trên 75.000 người, tiến hành hơn 121.000 xét nghiệm. Cho đến nay chưa có trường hợp tử vong, đồng thời tỷ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều nước và khu vực trên thế giới.

Chú thích ảnh
Các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thể hiện sự lạc quan và tinh thần quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

DPA dẫn lời đại diện của WHO tại Việt Nam Park Kidong tin rằng sự vào cuộc từ rất sớm của Chính phủ Việt Nam là yếu tố then chốt trong cuộc chiến chống COVID-19. Ông Park Kidong nói: "Việt Nam đã phản ứng sớm và chủ động trước sự bùng phát của dịch. Những đánh giá rủi ro đầu tiên đã được thực hiện từ đầu tháng 1 ngay khi bắt đầu có thông tin về các trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc".

Ông nói thêm rằng Việt Nam đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban và đã ngay lập tức triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống dịch. Dù số người lây còn nhiễm thấp, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4. Cách phản ứng này nhanh chóng và kiên quyết hơn so với nhiều nước vốn để lây nhiễm hàng nghìn người mới thực hiện như vậy. Nói cách khác, nhiều nước áp dụng biện pháp trên khi phải đối mặt với đại dịch trong nước, trong khi Việt Nam áp dụng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể phòng tránh được.

DPA cũng đánh giá một phần lớn thành công của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch là nhờ sự đoàn kết một lòng của toàn xã hội. Các trường học được đóng cửa từ tháng 1, thực hiện khoanh vùng và cách ly rộng rãi từ ngày 16/3. Và kể từ đó đến nay, hàng chục nghìn người nhập cảnh Việt Nam từ các vùng dịch đã được đưa đến các khu cách ly. Từ 25/3, Việt Nam dừng các chuyến bay quốc tế, đồng thời giảm lưu lượng phương tiện giao thông.

Theo DPA, năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc xác nhận có trường hợp nhiễm bệnh viêm đường hô hấp SARS. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên được WHO xác nhận khống chế thành công dịch bệnh này. Một trong những yếu tố then chốt trong phòng chống dịch của Việt Nam là biện pháp theo dõi tiếp xúc nhiều lớp, trong đó lớp đầu tiên là cách ly và điều trị trong bệnh viện những người dương tính với virus hoặc có triệu chứng nhiễm virus.

Các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh cũng sẽ phải cách ly bắt buộc, và những trường hợp tiếp xúc với những người phải cách ly bắt buộc này cũng được yêu cầu tự cách ly. Ở lớp cuối cùng, các làng xã, khu phố, tòa nhà có người bị nhiễm bệnh cũng sẽ phải cách ly. Trong khi đó, các trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường sẽ bị xử phạt nặng.

DPA cho rằng mặc dù các biện pháp nghiêm ngặt được Việt Nam áp dụng đến nay cho kết quả tương đối thành công, song vẫn còn phải xem hiệu quả trong dài hạn. Theo ông Park, tuy khó dự đoán, song chiều hướng của đại dịch sẽ được quyết định bởi những hành động mà các nước, như Việt Nam, đang thực thi.

Mạnh Hùng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm