Những lực lượng đặc nhiệm còn 'siêu' hơn cả Đội SEAL 6

10/06/2015 05:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ khi Đội SEAL 6 tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden tại Pakistan hồi năm 2011, công chúng đã hết sức quan tâm tới những người lính này. Tuy nhiên đây thực tế chỉ là một trong rất nhiều lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, với vài nhóm có khả năng chiến đấu không hề kém cạnh Đội SEAL 6.

Nhóm đặc nhiệm hỗn hợp Lục quân (Delta)

Đây là tập hợp những người lính đặc nhiệm mà ngay cả thành viên đội SEAL đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden muốn gia nhập. Cái tên "Nhóm đặc nhiệm hỗn hợp" chỉ là tên cũ của họ. Một số gọi họ là "Lực lượng Delta", nhưng đây cũng không phải tên gọi chính thức.

"Những anh chàng đó chính là mũi giáo" - Matt Bissonnette, một trong những người lính SEAL tham gia cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden, đã nói như thế về lính Delta trong cuốn hồi ký của anh mang tên No Easy Day, như thể họ là các vị thánh vậy.

Delta cũng là nhóm đặc nhiệm duy nhất ngoài Đội SEAL 6 mà các thành viên phải chấp nhận việc họ chắc chắn sẽ được điều đi chiến đấu với kẻ thù ở cự ly gần, trong các tình huống nguy hiểm. Thành viên Delta được tuyển mộ 2 lần mỗi năm, từ các lực lượng đặc nhiệm giỏi nhất quân đội, bao gồm Đội SEAL 6.


Ngoài Đội SEAL 6, Mỹ còn có rất nhiều lực lượng đặc nhiệm khác

Đơn vị hoạt động đặc biệt của CIA (SOD)

Đây là một lực lượng nhỏ, với quy mô chỉ vài trăm người, nằm dưới sự quản lý của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Vì lý do an ninh và tình báo, nhiệm vụ của họ luôn là thực hiện các hoạt động "từ chối" tối mật nhằm vào kẻ thù.

Trong SOD có một lực lượng được gọi là "Nhóm hoạt động đặc biệt (SOG)", chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ vô cùng nhạy cảm, khó khăn như thu thập tình báo tại quốc gia và khu vực thù địch, tham gia các chiến dịch nguy hiểm mà chính quyền Mỹ không muốn công khai dính dáng... Nếu thành viên SOG bị lộ và bị bắt/thiệt mạng trong một nhiệm vụ, chính quyền Mỹ sẽ từ chối thừa nhận họ.

Vì tính chất chuyên thực hiện nhiệm vụ nhạy cảm, SOG được xem là lực lượng đặc nhiệm bí mật nhất của Mỹ. Nhóm này chuyên lựa chọn thành viên từ các đơn vị đặc nhiệm khác trong quân đội Mỹ như Delta, Đội SEAL 6 và nhiều lực lượng khác du Trinh sát Không quân, Trinh sát Hải quân, Mũ nồi xanh...

Lính Mũ nồi xanh Lục quân

Đây là một trong những nhóm đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới, cung cấp nhiều nhân lực cho các lực lượng tinh nhuệ ở cấp cao nhất như Delta, SOD.

Lính Mũ nồi xanh nổi tiếng vì phải đối mặt với hoạt động huấn luyện khó khăn nhất trong quân đội Mỹ. Các cuộc thử thách ban đầu mà họ nếm trải thường kéo dài tới 24 ngày. Và chúng mới chỉ có vai trò kiểm tra xem họ có đủ tiêu chuẩn trở thành lính Mũ nồi xanh hay không.


Đặc nhiệm SOG của CIA làm nhiệm vụ tại Afghanistan

Trinh sát Lính thủy đánh bộ

Đây là lực lượng chuyên cung cấp thông tin tình báo cho các đơn vị nhỏ hoạt động ngoài chiến trường. Những người lính bắn tỉa thuộc lực lượng này có thể cung cấp hỏa lực chính xác hỗ trợ đồng đội từ khoảng cách xa, gây suy giảm tinh thần của quân thù.

Lực lượng Trinh sát của Lính thủy đánh bộ được đánh giá là thuộc top 5 đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ nhất, với một đội nhỏ có khả năng quấy rối, gây hoang mang cho cả tiểu đoàn địch trong một khoảng thời gian dài. Họ cũng có thể lần theo dấu vết của kẻ thù, phục vụ các đơn vị lớn hơn của quân đội. Ngoài ra, họ cũng có thể thực hiện các cuộc đột kích vào nhiều mục tiêu có giá trị cao.

Lực lượng điều khiển không kích của Không quân

Đây là một trong những người lính đặc nhiệm siêu đẳng nhất trong quân đội Mỹ. Họ có khả năng hoạt động độc lập, khả năng thực hiện nhiệm vụ giống trinh sát của Lính thủy đánh bộ. Sự khác biệt ở chỗ họ được sự hỗ trợ từ nhiều loại máy bay chiến đấu.

Những người lính thuộc lực lượng này có khả năng đột nhập vào sau giới tuyến của đối phương và từ đây điều phối hoạt động không kích vào các mục tiêu giá trị của đối phương, như trong chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ lãnh đạo chống Nhà nước Hồi giáo (IS).

Lính đặc nhiệm nhảy dù giải cứu đồng đội của Không quân

Những người lính này chuyên xâm nhập sâu vào phía sau giới tuyến của kẻ thù, sẵn sàng giải cứu những người lính gặp nạn, thường là phi công. Nhiệm vụ của họ là giải cứu, không phải tấn công. Nhưng để làm được việc này, họ phải chuẩn bị đối mặt và chiến đấu với hàng trăm chiến binh của kẻ thù, thông qua việc áp dụng lối đánh du kích thông minh, gài bẫy, mìn và sử dụng nhiều chiến thuật nhóm nhỏ khác.

Khi nước Mỹ đang tiến hành cắt giảm chi tiêu ngân sách quốc phòng, Bộ Tư lệnh các hoạt động đặc biệt (SOCOM) vẫn thường xuyên được tăng tiền đầu tư, cũng như nhân lực. Kết quả là kể từ khi xảy ra các vụ khủng bố 11/9/2001 cho tới năm 2013, số lượng lính đặc nhiệm ở Mỹ đã tăng gấp đôi.

Tường Linh (Theo Business Insider)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm