Nhật Bản lần đầu viếng thăm sao Kim

08/12/2010 15:19 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 7/12, một tàu thăm dò của Nhật Bản đã bay tới sao kim và đang chuẩn bị đi vào quỹ đạo của hành tinh này. Đây là một bước tiến rất lớn của chương trình không gian vũ trụ Nhật Bản và được hứa hẹn sẽ giúp hé lộ thêm những thông tin về khí hậu tại hành tinh “hàng xóm” đầy bí ẩn của Trái đất.

Con tàu thăm dò nói trên mang tên Akatsuki (bình minh), sẽ là thiết bị thăm dò đầu tiên của Nhật Bản từng đi vòng quanh quỹ đạo của một hành tinh khác.

Thành tựu đột phá của Nhật Bản

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) cho biết tàu Akatsuki đã giảm tốc độ khi tiếp cận sao Kim vào lúc 8h52 phút sáng. Sau đó nó biến mất phía sau hành tinh, cắt đứt các liên lạc. Một bầu không khí căng thẳng bao trùm toàn bộ phòng điều khiển khi các nhà khoa học tìm cách bắt liên lạc với Akatsuki. Cuối cùng liên lạc được thiết lập trở lại vào lúc 10h28 phút. Tuy nhiên do Akatsuki mới đưa về rất ít thông tin nên người ta chưa rõ con tàu đã đi vào quỹ đạo sao Kim hay chưa.


Mô phỏng hoạt động của tàu thăm dò Akatsuki trên sao Kim

Akatsuki nằm trong một dự án nghiên cứu sao kim trị giá 25 tỉ yên (300 triệu USD). Con tàu đã rời khỏi trái đất vào ngày 20/5. Nó được thiết kế để giám sát hoạt động núi lửa trên sao Kim, đồng thời cung cấp nhiều dữ liệu về khí hậu trên hành tinh này. Nó có nhiệm vụ kiểm tra các đám mây dày bao quanh sao kim và tìm hiểu xem có ánh sáng nào lọt xuống bề mặt hành tinh này hay không. Nó cũng tìm hiểu về hoạt động của gió trên bề mặt sao Kim, vốn được cho là có thể đạt tới 360km/h. Akatsuki được trang bị camera hồng ngoại và các thiết bị để thực hiện sứ mạng.

Tờ Japan Times nói rằng Akatsuki bay về hướng sao kim với tốc độ cực nhanh. Sau khi đi vào quỹ đạo của hành tinh này, nó sẽ giảm tốc từ 37km/giây xuống còn 35km/giây. Akatsuki sẽ bay trên một quỹ đạo hình elíp với gần nhất cách 300km tới điểm xa nhất cách 80.000km, qua đó cho phép nó theo dõi đầy đủ các biến động thời tiết của hành tinh này. Theo JAXA, Akatsuki sẽ bay quanh sao kim trong khoảng 2 năm.

Nghiên cứu “hàng xóm” để hiểu về bản thân

Trong mấy năm gần đây, các hoạt động nghiên cứu không gian của Nhật Bản bị phủ bóng bởi những tiến bộ lớn từ Trung Quốc, nơi đã đưa các phi hành gia vào vũ trụ hai lần kể từ năm 2003 và là nước thứ ba đưa người lên quỹ đạo Trái đất, sau Nga và Mỹ. Tuy nhiên Nhật Bản vẫn được xem là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về hoạt động chinh phục hàng không, không gian. Cần nhớ, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất hồi năm 1970. Họ cũng đã phát triển hệ thống tên lửa đẩy H-2 rất đáng tin cậy.

Chương trình vũ trụ của Nhật Bản chưa bao giờ hướng tới việc đưa người lên vũ trụ như ở Trung Quốc. Thay vì thế họ hoạt động trong các dự án khoa học quy mô nhỏ. Việc đưa một thiết bị thăm dò vào quỹ đạo một hành tinh khác, vì thế, được đánh giá là thành công lớn của Nhật Bản. Trước đó, nước này từng đưa một thiết bị thăm dò bay quanh sao hỏa nhưng gặp thất bại. Sứ mạng sao hỏa mang tên Nozomi (hy vọng), được phóng lên hồi năm 1998, đã vướng phải hàng loạt vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên đầu năm nay, JAXA đã được khích lệ tinh thần lớn nhờ sự trở về thành công của tàu thăm dò sao chổi Hayabusa.

Hayabusa được phóng lên hồi năm 2003 để viếng thăm thiên thạch Itokawa và con tàu tới đích vào năm 2005. Kế hoạch tham vọng trị giá 200 triệu USD là nỗ lực đầu tiên của con người trong việc gửi tàu vũ trụ tới hạ cánh ở một thiên thạch và trở về cùng các mẫu đất đá. Tuy nhiên hành trình của con tàu đã không diễn ra suôn sẻ. Tàu Hayabusa bị sự cố rò nhiên liệu và tạm thời mất tín hiệu trong 7 tuần. Đó là chưa kể tới việc hệ thống điều khiển và động cơ ion của tàu cũng hỏng khiến nhiệm vụ bị trì hoãn thêm 3 năm. Hayabusa đã phải thử vài lần mới có thể hạ cánh xuống thiên thạch. Một thiết bị dùng để bắn xuống bề mặt thiên thạch nhằm tạo bụi đất đá phục vụ cho hoạt động thu gom mẫu thử đã không hoạt động. Mặc dù vậy, Hayabusa vẫn thu được bụi của sao chổi và mang về Trái đất vào tháng 6 năm nay, kết thúc hành trình kéo dài 6 tỉ km.

Mẫu bụi của Hayabusa là mẫu thứ 4 từng được nhân loại lấy về từ hành tinh khác. Các mẫu trước gồm đất đá mặt trăng lấy từ sứ mạng Apollo, bụi sao chổi trong sứ mạng Stardust và vật chất của mặt trời trong sứ mạng Genesis.

Được biết, sứ mạng quan sát sao Kim diễn ra theo sau sự thành công của một sứ mạng thăm dò Mặt trăng, vốn kết thúc sau 19 tháng triển khai hồi năm ngoái. JAXA cho hay việc nghiên cứu khí hậu của sao Kim sẽ giúp nhân loại thấu hiểu vì sao Trái đất và sao Kim, hai hành tinh có kích cỡ rất giống nhau và ở cùng một khoảng cách so với mặt trời lại có những môi trường vô cùng khác biệt nhau, với bầu khí quyển sao Kim chứa đầy khí CO2, axit sulfuric và các dòng khí chạy với tốc độ rất cao. JAXA cũng tin rằng việc thấu hiểu sao kim sẽ giúp nhân loại hiểu biết tốt hơn về Trái đất.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm