Người Hoa Chợ Lớn ăn Tết

20/02/2018 10:22 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chợ Lớn chỉ địa bàn quận 5, quận 6 của TP.HCM, nơi có nhiều người Hoa sinh sống. Dù hội nhập vào công đồng văn hóa Việt nhưng họ vẫn giữ nhiều nét văn hóa tập tục, thể hiện bản sắc riêng không lẫn vào đâu, đặc biệt là những tục lệ về ngày Tết.

Từ ngày 23 tháng Chạp, họ cúng đưa Ông Táo, với người Tiều cúng trái cây gì cũng được, miễn trừ một số loại trái cây như sa pô chê, vì sẽ bị“chê”; vú sữa thì làm cái gì cũng “sửa tới sửa lui”, mận (roi) thì kiêng cúng luôn. Cúng chè xôi nước (trôi nước) để Ông Táo ăn bị dính, nói ít thôi khi báo cáo với Ngọc Hoàng, và vị ngọt của chè để ông chỉ nói toàn những lời ngọt ngào. Dịp này họ cũng cúng hoa cúc vàng, để mong “có vàng đầy nhà”.

Chú thích ảnh
Vũ điệu ngày Xuân. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi

Bắt đầu từ ngày 25, mà thường là từ ngày 27, 28, 29 tháng Chạp, người Hoa trang trí nhà cửa, thay hết các tấm giấy màu đỏ ghi tên tuổi các thành viên trong gia đình. Họ coi trong sách và theo tuổi để xin chữ của những “ông đồ” viết liễn đối ở các đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Trãi, Phùng Hưng…về dán trong nhà.

Bác Trương Kiến Quốc (74 tuổi) đã có 59 năm ngồi viết liễn đối ngày Tết trước chùa Ông Bổn (Nhị Phủ miếu) ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Thập niên 1960, có đến 30 bàn viết liễn đối ở con đường này, người không biết chữ Hán cũng đến xin, kể cả khi họ đi nước ngoài.

Những câu liễn bằng chữ Hán thường mang ý nghĩa cầu chúc may mắn, làm ăn phát tài, bình an như “Ngũ phúc lâm môn”, “Xuất nhập bình an”, “Vạn sự như ý”, “Nghinh xuân tiếp phước”, “Tấn tài tấn lộc”, “Hiệp gia bình an”, “Khai trương hồng phát”, “Sinh ý hưng long”… Người Việt cũng ra đây xin chữ. Ngày nay bị cạnh tranh dữ dội bởi những mặt hàng chợ in sẵn giá rẻ bán đầy trên con phố này, nhiều câu đối bằng chữ quốc ngữ, phục vụ cho các gia đình Việt như “Tết đến gia đình vui hạnh phúc”, “Xuân về con cháu hưởng bình an”, “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ”, “Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”…

Hải Thượng Lãn Ông là con đường bán các vật phẩm trang trí nhà ngày Tết cho đến bao lì xì, pháo sáng, luôn nhộn nhịp những ngày cuối năm, cho đến trưa 30 Tết. Thời buổi công nghệ nên còn rất ít người giữ lệ gửi thiệp chúc Tết, dù thiệp vẫn còn bán ở đây.

Màu đỏ là màu đặc trưng của người Hoa, mang tính biểu tượng, từ giấy dán nhà, bao lì xì, lồng đèn, trang phục cô dâu, chè trứng, thịt heo quay, bánh bao đóng chữ, trái cây cúng (quít, táo, thanh long)… để cầu mong những điều tốt lành trong cuộc sống.

Chú thích ảnh
Lễ chùa đầu năm. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi

Bữa cơm đoàn viên cuối năm vào ngày 30 Tết đối với người Hoa rất quan trọng. Sau khi cúng tổ tiên với các món giò heo nấu với tóc tiên và nấm đông cô; súp bong bóng cá; phải có con cá hấp, với quan niệm là “dư tiền dư bạc”. Bên cạnh đó, họ cũng làm bánh củ cải hấp ăn với rau, củ cải đọc trại là “của cải”. Nếu gia đình người Hoa nào còn mẹ già thì tất cả con cháu đều phải tề tựu về trong ngày họp mặt này.

Mùng 1 Tết, người Hoa thường xem giờ tốt mới “xuất hành”, vì nó ảnh hưởng thời vận cả năm, tuy ngày nay ít nhiều đã giảm bớt sự tin tưởng đó, nhất là giới trẻ. Ngày mùng 2, họ cúng tổ tiên đầu năm, cúng Phật, cúng tất cả các trang thờ trong nhà. Trái cây, bông tươi, đèn cầy có mặt trên các bàn thờ, ngôi nhà trở nên ấm áp, sáng sủa với những nén nhang thơm.

Từ đầu tháng Chạp, người Hoa Chợ Lớn đã bắt đầu đi viếng khắp các chùa chiền, cầu mong cho gia đạo bình an, hạnh phúc, mua may bán đắt… Họ thường cúng bánh bao có in chữ Hán màu đỏ các chữ: “Phước”, “Đại phát”, “Mua may bán đắt”, “Hiệp gia bình an”… Cúng trái cây nhiều nhất là quýt, cùng với bánh bao phải cúng số chẵn, nhiều thì hai ba chục, ít thì mỗi thứ một cặp cũng không sao, miễn ở lòng thành.

Dầu ăn cũng là những thức cúng hay dâng lên cho thần thánh, với ý nghĩa “sáng sủa”, cho mọi sự trơn tru, hanh thông. Ngày Tết người Việt có bánh tét, bánh chưng thì người Hoa có bánh tổ, làm từ bột nếp xay ra trộn với đường, đem hấp. Trên bánh có in câu “Vạn sự như ý”, “Năm mới phát tài”.

Bánh tổ chưng nửa năm cũng không sao, có thể đem xuống xắt miếng, phơi khô, để dành trong tủ lạnh hay đem chiên vẫn giòn thơm như thường. Trước chợ Thiếc (quận 11), đường Nguyễn Trãi (quận 5) những chiếc bánh tổ, bánh đường màu sắc rực rỡ được bày bán từ đầu tháng Chạp như báo hiệu một mùa Xuân sắp về.

Những ngày cuối của tháng Chạp, khắp các chùa miếu Hoa tưng bừng, náo nhiệt với những màn biểu diễn tuyệt hảo của các đội lân sư rồng sau những tháng ngày ròng rã luyện tập. Múa lân mang lại nhiều ý nghĩa tượng trưng nhất: chúc phúc, thịnh vượng, thanh bình, may mắn. Những âm thanh rộn rã chiêng trống, những vũ khúc điêu luyện, lạ mắt của loại hình nghệ thuật dân gian này trong các ngôi miếu và trên đường phố trước và trong Tết đã tạo nên một phong vị đặc trưng của “Tết Hoa” ở Chợ Lớn với hấp dẫn đặc biệt ngay cả với người Việt.

Màu và mùi của tết Chợ Lớn đã làm nên một nét văn hóa đặc sắc của Sài Gòn với nhịp sống luôn sôi động nhưng vẫn giữ cốt cách của nó.

Chú thích ảnh
Cầm tinh con chó. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Cửa hàng bán vật phẩm ngày Tết (đường Triệu Quang Phục). Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Cây phát tài. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Trang trí nhà ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Bánh bao có chữ “Vạn sự như ý”. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Đường Phùng Hưng ngày cận Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi
Chú thích ảnh
Cho chữ ngày Tết. Ảnh: Nguyễn Thanh Lợi

 

 Khu Chợ Lớn sẽ là phố cổ dạng mở

Khu Chợ Lớn sẽ là phố cổ dạng mở

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM vừa trình UBND TP xem xét đề án "Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn" của Công ty DCU (Tây Ban Nha). Đề án đã gây sự chú ý của dư luận.

Nguyễn Thanh Lợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm