Mạng 5G làm thay đổi bộ mặt ngôi làng bị cô lập trong Khu Phi quân sự liên Triều

01/08/2019 20:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Làng Daeseong-dong (Làng Tự do), khu dân cư duy nhất nằm trên phần do Hàn Quốc quản lý ở khu Phi quân sự (DMZ) giữa biên giới liên Triều, nơi lâu nay được biết đến với cái tên "một hòn đảo trên đất liền" vì sự cô lập của nó, nay đã trở thành một khu "làng thông minh" nhờ dịch vụ mạng di động thế hệ mới 5G.

Hàn Quốc: Triều Tiên phóng nhiều vật thể bay không xác định

Hàn Quốc: Triều Tiên phóng nhiều vật thể bay không xác định

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) thông báo, ngày 31/7, Triều Tiên đã phóng nhiều vật thể bay không xác định ngoài khơi bờ biển phía Đông nước này.

Khu làng trên chỉ nằm cách biên giới Triều Tiên khoảng 400m, cư dân làng chủ yếu sống bằng nghề nông và luôn được các binh sĩ hộ tống mỗi khi đi ra trạm bơm nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng đồng. Nhưng khi dịch vụ mạng 5G đến với Làng Tự do hồi tháng 6 vừa qua, người ta đã bắt đầu thấy những "cánh đồng thông minh" và "trường học thông minh".

Chú thích ảnh
Mạng 5G đã làm thay đổi bộ mặt ngôi làng Daeseong-dong (Ảnh minh họa)

Mạng công nghệ 5G cho phép truyền dữ liệu siêu nhanh qua các thiết bị di động và tạo ra sự kết nối gần như tức thời với vô vàn các thiết bị khác. Với 5G, cổng trạm bơm có thể được đóng mở từ xa chỉ bằng một hành động từ trụ sở của làng. Trường Daeseong-dong, trường học duy nhất trong làng, cũng được hưởng lợi từ sự xuất hiện của mạng 5G và trở thành "trường học thông minh". Với các trao đổi gần như trong thời gian thực do công nghệ 5G cung cấp, học sinh trường này có thể học cùng với những học sinh các trường khác sử dụng các thiết bị vi tính có kết nối 5G và thiết bị thực tế ảo.

Ban đầu, dịch vụ trên chỉ áp dụng cho những người dân sử dụng điện thoại thông minh tại Hàn Quốc và Mỹ hồi tháng 4, với việc hãng viễn thông lớn nhất Hàn Quốc KT thông báo lần đầu tiên khởi động mạng 5G thương mại trên toàn quốc. Sau đó, KT đã mang công nghệ mạng tiên tiến nhất tới khu làng bị cô lập gồm 46 hộ gia đình này để biến đây thành nơi an toàn hơn và tiện nghi hơn cho cuộc sống. Và họ trở thành đối tác hiển nhiên trong dịch vụ 5G bởi trước đó, KT đã hỗ trợ hạ tầng Internet cho làng này gần 20 năm qua. Chủ tịch và Giám đốc điều hành KT Hwang Chang Gyu cho biết công ty chịu trách nhiệm cải thiện các điều kiện sống cho dân làng khi Internet tại DMZ đã kết nối toàn cầu.

Trưởng làng, ông Kim Dong Gu, cho biết: "Đây vẫn là một nơi mà bạn có thể cảm thấy căng thẳng từ trong từng thớ thịt, nhưng ít nhất không gian ảo mà chúng tôi được hưởng nhờ mạng 5G có tính hòa bình hơn bất cứ đâu".

Làng Tự do, cùng với làng Kijong-dong (Làng Hòa bình) ở bên phía do Triều Tiên kiểm soát, được xây dựng sau khi hai miền ký hiệp định đình chiến, kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Hai ngôi làng này đã trở thành biểu tượng của hòa bình. Các khu vực từ làng tới DMZ ở mỗi bên đều được bảo vệ cẩn mật và thường được nhắc đến như biên giới cuối cùng của Chiến tranh Lạnh, và là "nơi đáng sợ nhất trên Trái đất". Tuy nhiên, sau một năm 2017 với hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân, từ năm 2018 Triều Tiên đã bắt đầu xích lại gần hơn với Hàn Quốc. DMZ đã là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tháng 4/2018. Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3, tháng 9/2018, hai bên đã ký thỏa thuận quân sự nhằm áp dụng một loạt các biện pháp giảm căng thẳng, như ngừng các cuộc tập trận dọc đường ranh giới ở giữa DMZ, dỡ bỏ tổng cộng 20 trạm canh gác trong bán dính 4km... Và cuối tháng 6 vừa qua, đây cũng là nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un./.

Bích Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm