LHQ cảnh báo sự bùng phát trong hoạt động sản xuất ma túy ở Nam Mỹ

27/06/2020 08:03 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo báo cáo thường niên do Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) công bố ngày 26/6, sản lượng cocaine trên thế giới đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, chủ yếu do năng suất canh tác cây coca - nguyên liệu dùng để bào chế cocaine, đã gia tăng đáng kể ở các nước Nam Mỹ.

Colombia thu giữ hơn 2,2 tấn cocaine của một nhóm lý khai từ FARC

Colombia thu giữ hơn 2,2 tấn cocaine của một nhóm lý khai từ FARC

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 1/11, nhà chức trách Colombia cho biết cảnh sát nước này đã phối hợp với Ecuador và Costa Rica thu giữ được hơn 2,2 tấn cocaine tại vùng biển Thái Bình Dương của một nhóm ly khai, tách ra từ Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) do đối tượng Walter Patricio Arizala với bí danh “Guacho” cầm đầu.

Phóng viên TTXVN thường trú tại khu vực, báo cáo của UNODC cho biết sản lượng cocaine thế giới đã duy trì xu hướng tăng trong giai đoạn 2008-2018. Theo đó, trong năm 2018, đã có 1.723 tấn cocaine với độ tinh khiết 100% được sản xuất, tăng 4,6% so với năm 2017 và cao hơn nhiều con số 1.143 tấn được ghi nhận hồi năm 2008. Ước tính con số tiếp cận thị trường có thể còn cao hơn nhiều bởi những đối tượng buôn bán ma túy thường trộn cocaine tinh khiết với các tạp chất khác nhằm tăng lợi nhuận.

Báo cáo của UNODC cho biết sản lượng cocaine gia tăng là do cải tiến trong canh tác cây coca. Năm 2015, các tổ chức buôn bán ma túy đã có thể chiết xuất được 5,2 kg cocaine hydrochloride tinh khiết/ha coca ở Colombia. Con số này đã tăng thành 6,5 kg vào năm 2018. UNODC ước tính trên khắp Nam Mỹ, diện tích canh tác cây coca lên tới khoảng 244.200 ha trong năm 2018, chỉ giảm hơn 0,5% so với năm 2017.

Cũng theo báo cáo, trên toàn thế giới có tổng cộng 19 triệu người nghiện cocaine, với 2 thị trường lớn nhất của loại chất gây nghiện này là Bắc Mỹ với tỷ lệ tiêu thụ chiếm 2,1% dân số trưởng thành và châu Âu với tỷ lệ 1,4%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Mỹ là 0,7% và Nam Mỹ là 1%, đều vượt quá mức trung bình 0,4% của thế giới.

UNODC cũng cho biết đã có sự thay đổi trong lộ trình vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ, với "điểm nóng mới" Uruguay như điểm khởi đầu cho hoạt động xuất khẩu cocaine. Cuối năm 2019, nhà chức trách Uruguay đã tịch thu hơn 9 tấn cocaine trong hai lô hàng riêng biệt với đích đến là khu vực Tây Phi.

Chú thích ảnh
Cocaine. Ảnh: AFP/ TTXVN

Việc sử dụng tàu ngầm để vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ đến châu Âu cũng là một điểm mới mà UNODC ghi nhận được thời gian gần đây. Dù phương thức này tương đối phổ biến ở khu vực duyên hải Thái Bình Dương của Mỹ, song việc nhà chức trách bắt 1 tàu ngầm chở hơn 3 tấn cocaine gần bờ biển Đại Tây Dương của Tây Ban Nha đã đặt ra thách thức mới với lực lượng an ninh khu vực.

Lộ trình vận chuyển cocaine từ Nam Mỹ đến Tây Phi, rồi từ đó sang châu Âu, dường như ngày càng trở nên quan trọng, bằng chứng là số vụ bắt giữ ma túy trên tuyến hàng hải này đã gia tăng: từ 1,2 tấn vào năm 2015 lên 5,6 tấn trong năm 2018.

Báo cáo của UNODC cũng lưu ý những biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng, cả tích cực và tiêu cực, đến việc buôn bán và sản xuất cocaine. Việc giảm lưu lượng hàng không với châu Âu và Mỹ đã dẫn đến sự gia tăng vận chuyển cocaine bằng đường biển, với số vụ bắt giữ ma túy tăng vọt tại các cảng biển châu Âu những tháng gần đây.

Ngọc Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm