Khi người lính Mỹ gác súng

08/06/2012 07:14 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi hàng trăm ngàn cựu binh Mỹ cưỡi những chiếc Harley Davidson để tưởng nhớ và vinh danh những đồng đội của mình đã bỏ mạng nơi chiến trường, thì hàng ngàn cựu binh khác lại đã và đang dí súng vào chính thái dương của mình để tìm lối thoát.

Sấm rền từ những tiếng nẹt pô

Những người lính từ 50 bang trên khắp nước Mỹ đổ ra đường không phải để khoe những chiếc môtô khủng nằm trong bộ sưu tập của họ, mà đã 25 năm qua, họ vẫn tụ hội trong ngày Chủ nhật cuối tháng Năm để tôn vinh và tưởng nhớ những đồng đội đến nay vẫn còn là tù nhân chiến tranh hoặc mất tích - một khái niệm để chỉ những người đã bỏ mạng nơi các chiến trường mà vẫn chưa tìm thấy di hài. Như Luke Thompson, một trong số 40.000 cựu binh Mỹ đã có mặt ở Washington D.C trong ngày Chủ nhật 28/5, ông đi từ bang Montana để có mặt trong cuộc diễu hành mang tên Rolling Thunder (Sấm Rền) bởi có hai đồng đội trong cùng đơn vị của ông cùng tham gia cuộc chiến Triều Tiên sau nửa thế kỷ vẫn "chưa về nhà". Nước Mỹ tới hôm nay vẫn còn hơn 80.000 người mất tích kể từ Thế chiến II, trong đó hơn 70.000 từ Thế chiến II, gần 8.000 từ cuộc chiến Triều Tiên, và khoảng 1.600 từ cuộc chiến mà Mỹ đã gây nên ở Việt Nam.

Đứa trẻ ngỡ ngàng với những món đồ không phải... đồ chơi

Tổ chức lần đầu tiên năm 1988 với khoảng 2.500 người tham dự, những tiếng nẹt pô xe Harley Davidson được cho là cách thức duy nhất để những cựu binh này đánh thức chính giới và cả dân chúng Mỹ. Tới lần tổ chức năm nay, người ta ước tính có tới 40 ngàn người tham dự. Họ chọn những nơi nhạy cảm nhất, và những cung đường huyết mạch nhất của thủ đô Washington  D.C để nhắc nhở: Tập trung ở bãi đỗ xe của Lầu Năm Góc, chạy qua cây cầu bắc qua sông Potomac, chạy cắt qua nghĩa trang quốc gia Arlington, băng ngang Nhà Trắng và vòng qua Quốc hội.

Nhưng, tù nhân và mất tích trong chiến tranh chỉ là hai trong số hàng loạt những vấn đề mà người dân Mỹ phải gánh chịu từ những lần quân đội Mỹ kích hoạt những cuộc chiến đâu đó trên khắp thế giới.

Hội chứng tự vẫn

Năm ngoái, cuộc thăm dò dư luận của hãng tin CNN cho ra kết quả là cứ 10 người Mỹ lại có 6 phản đối cuộc chiến ở Afghanistan. 5 năm trước, khi Mỹ chưa rút chân ra khỏi Irag, cuộc thăm dò của tờ USA Today kết hợp với Gallup cho biết 63% người Mỹ tin rằng cuộc chiến đó là một sai lầm.

Mới đây, nước Mỹ bàng hoàng khi biết rằng số cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Afghanistan và Iraq chết vì súng đạn ngay trên đất Mỹ còn nhiều hơn cả số lính Mỹ bỏ mạng nơi chiến trường. Bộ Cựu chiến binh Mỹ công bố cứ 80 phút lại có một cựu binh Mỹ qua đời vì tự vẫn.

Hãy làm vài phép so sánh để thấy sự khủng khiếp của con số hết sức lạnh lùng ấy. Số cựu binh Mỹ tự sát trong một ngày trung bình 18 người, trong khi phải mất 1 ngày rưỡi thì Taliban và quân của cố Tổng thống Irắc Saddam Hussein mới hạ được một lính Mỹ. Số cựu binh Mỹ tự vẫn và chết trong một năm là khoảng 6.400, đúng bằng với số lính Mỹ đã bỏ mạng ở Afghanistan và Irắc trong suốt hơn 1 thập kỷ qua cộng lại. Chưa hết, nếu như trong năm 2011 có hơn 30.000 người Mỹ chết vì tự vẫn thì số cựu binh Mỹ đã chiếm tới hơn 20% trong số này trong khi người Mỹ đã hoặc đang tham gia quân ngũ chỉ chiếm khoảng 1%.

New York Times mới đây đăng tải một câu chuyện chấn động về hai anh em ruột Michael và Ryan ở thành phố New Middletown, bang Ohio, nhập ngũ sau biến cố 11/9/2001. Khi Michael giải ngũ, anh trở về nhà với cái xác không hồn và chịu nhiều ám ảnh từ chiến trường. Micheal đòi mua khẩu súng y hệt anh đã từng mang khi ở Irắc, và luôn đặt nó ở đầu giường mỗi khi đi ngủ. Người em Ryan rời ngũ sau cũng với các vấn đề về tâm lý như mất ngủ, hay rơi vào trạng thái hoảng sợ, lạm dụng thuộc và nghiện rượu. Mới đây Ryan đã kết liễu số phận của mình khi sử dụng thuốc quá liều ở nhà của một người bạn. Và Ryan chỉ là một trong số 4 người bạn thân đã sống sót trở về từ Irắc nhưng lại quyết định từ giã cuộc sống ở độ tuổi 30!

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các cựu binh Mỹ tự vẫn nhiều là do họ chịu chứng rối loạn do căng thẳng sau chấn thương. Nhiều người mắc phải bệnh này sau khi trải qua hoặc chứng kiến một biến cố lớn, một tai nạn nào đó. Thống kê trong quân đội Mỹ cho thấy chỉ cần sau 3 hay 4 trận chiến ở Irắc hoặc Afghanistan thôi, ¼ số lính Mỹ bắt đầu xuất hiện hội chứng này.

Cuộc diễu hành Rolling Thunder của các cựu binh Mỹ vào ngày 28/5 vừa qua

Chính phủ không còn đủ năng lực?

Trong một báo cáo mới đây của một trung tâm nghiên cứu chiến lược mang tên An ninh mới của Mỹ (CNAS) đưa ra kết luận là những nỗ lực nhằm giúp đỡ các cựu binh và ngăn chặn vấn nạn tự vẫn của Bộ Cựu chiến binh Mỹ là không đủ. Bạn của người cựu binh xấu số Ryan bảo rằng để có một cuộc gặp tư vấn với các chuyên gia thì phải "nói gãy răng" trên những đường dây điện thoại nóng, và đáng ra người ta phải có một cuộc gặp ngay thì các cựu binh thường phải chờ tới 6 tuần mới tới hẹn.

Mức đền bù cho thương binh tỉ lệ 10% (tối thiểu) là 127 USD/tháng, và thương tật mức tối đa được hỗ trợ 2.769 USD/tháng từ ngân sách. Mức thu nhập của một hộ gia đình Mỹ có bốn nhân khẩu được xếp vào diện nghèo nếu dưới 22.000 USD/năm.

Nhưng thật tiếc, những vấn đề từ chiến trường chỉ là một phần của câu chuyện. Khá nhiều cựu binh Mỹ đã không thể kiếm được việc làm trong một bối cảnh nước Mỹ vẫn đang chậm chạp hồi phục kinh tế. Nếu như tỉ lệ thất nghiệp chung của người Mỹ là hơn 8% thì với riêng thành phần cựu binh là 12%. Có tới 45% trong tổng số khoảng 1,6 triệu lính Mỹ trở về từ chiến trường Trung Đông nộp đơn xin chứng nhận thương tật, nhiều gấp đôi so với những cuộc chiến trước đó. Tỉ lệ này cùng những hậu quả kinh tế xã hội kèm theo chưa phải con số cuối cùng. Bởi như một truyền thống, 50 năm sau khi Thế chiến I kết thúc, tiền đền bù tổn thất cho các cựu binh và gia đình của họ mới đạt mức tối đa. Và khoảng 30 năm sau Thế chiến II, tổng số tiền đền bù cao nhất mới được xác định. Còn đền bù cho các cựu binh tham chiến ở Việt Nam, đến nay vẫn còn đang tăng theo từng tháng. Vậy mà nước Mỹ hiện đang có 20 triệu cựu chiến binh và khoảng 34 triệu bố mẹ, vợ, chồng và con cái của những người từng đi chiến tranh, sẽ còn đón thêm 1 triệu lính nữa trở về từ Afghanistan cho tới cuối năm 2013. Vẫn chưa biết liệu có phải con số cuối cùng hay chưa, bởi hầu như đời tổng thống nào Mỹ cũng phát động một cuộc chiến. 

Phạm Tấn (Pv TTXVN tại Washington D.C)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm