Kẻ diệt chủng sa lưới sau gần 70 năm chạy trốn

19/07/2012 11:17 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH) - Cơ quan công tố Hungary cho biết họ vừa bắt giữ và khởi tố một người đàn ông đã phạm nhiều tội ác dưới thời phát xít Đức, có tên trong danh sách các tội phạm chiến tranh bị truy nã gắt gao nhất.

Cơ quan công tố Hungary cho biết Laszlo Csatary, 97 tuổi, nhân vật nằm đầu bảng danh sách tội phạm bị Trung tâm Simon Wiesenthal chuyên truy lùng tội phạm chiến tranh dưới thời Thế chiến II, đã phải tra tay vào còng hôm 18/7.

Gã cảnh sát tàn độc

Họ nói rằng Csatary là một sĩ quan cảnh sát trông coi trại tập trung ở thành phố Kosice của Slovakia, khi đó thuộc chủ quyền của Hungary, vào thời điểm những người Do Thái bị đưa đi giết hại hàng loạt.

Ephraim Zuroff, lãnh đạo tổ chức truy lùng tội phạm Operation Last Chance có trụ sở ở Mỹ, cáo buộc Csatary là nhân vật chịu trách nhiệm chuyển 15.700 người Do Thái từ trại tập trung Kosice tới trại tập trung Auschwitz khét tiếng chết chóc vào tháng 5/1944.

Laszlo Csatary (ảnh), vừa bị bắt vì phạm tội ác chiến tranh, dù đã ở tuổi 97

Trại tập trung Kosice là khu trại đầu tiên được thiết lập sau khi Đức chiếm Hungary vào tháng 3/1944 với một trong những mục tiêu chính là để sát hại 600.000 người Do Thái Hungary. Cảnh sát, cảnh sát quân sự Hungary, cảnh sát nông thôn và cả các viên chức đường sắt đã từng hợp tác, thậm chí hết sức nhiệt tình, với lính Đức trong việc dồn người Do Thái vào trại tập trung hoặc đưa họ đi tới nơi tàn sát tập thể.

Khoảng 1/10 những người đã chết trong thảm họa diệt chủng Do Thái và 1/3 những người bị giết ở Auschwitz, là người Do Thái Hungary. Điều đặc biệt kinh hoàng ở Hungary là vào năm 1944, phát xít Đức đang đối mặt với nguy cơ bại trận. Vì thế, chính quyền phát xít đã chạy đua với thời gian để giết càng nhiều người càng tốt.

Mặc dù Csatary đã già, không ít người vẫn tin rằng vẫn chưa muộn để ông ta phải trả giá.

Ngay sau chiến tranh, Ủy ban Giúp đỡ Những người bị trục xuất đã phỏng vấn 5.000 người Do Thái sống sót ở Hungary. Một nhân chứng từ trại Kosice tên “F P”, 18 tuổi, đã kể về tội ác của Csatary. “Hắn ta đánh bất kỳ ai trước mặt bằng một sợi dây sắt. Thi thoảng hắn yêu cầu một cô gái trẻ phải trình diện và phải dùng tay không để đào những cây cọc gỗ dày màu đen được chôn chặt dưới đất. Ngay cả những người lính SS cũng bị sốc khi chứng kiến” - F.P kể.

Kosice sau đó đã được trao trả Czechoslovakia vào tháng 2/1945 còn Laszlo Csatary bị Tòa án Nhân dân Czechoslovakia tuyên án tử hình vắng mặt vào năm 1948.

Tốn công nhưng vô ích?

Trong quá trình chạy trốn, Csatary dọn tới sống ở Canada trong vai trò người tị nạn, dưới một cái tên giả, cho tới khi ông ta bị tước quyền công dân vào năm 1997 khi quá khứ lộ ra. Nhưng Csatary đã nhanh chóng biến mất, cho tới khi bị các phóng viên Anh phát hiện vào Chủ nhật tuần trước tại một khu dân cư hiền hòa nằm dưới chân đồi Naphegy ở vùng Buda của Hungary.

Thực tế, nhà chức trách Hungary dường như đã biết về nơi ở của ông này từ tháng 10 năm ngoái, khi công tố viên trưởng giao cho chuyên gia pháp lý Tibor Zinner nhiệm vụ nghiên cứu về vụ án của ông này.

Dù tới nay vẫn còn giá trị pháp lý, phán quyết của Tòa án Nhân dân Czechoslovakia vẫn bị cho là thiếu minh bạch do nó được đưa ra dưới áp lực chính trị mạnh. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Hungary nói rằng không còn nhiều chứng cứ còn có thể dùng để chống lại ông này và cơ hội khởi tố là rất nhỏ.

Theo các nghiên cứu của Zinner, cái tên Csatary chỉ được nhắc tới một lần trong phiên tòa xử sếp của ông ta là Gyorgy Horvath, người là phó giám đốc cảnh sát ở Kosice vào năm 1944. Một nhân chứng cũng nói rằng Csatary đặc biệt ác độc. Horvath đã bị Tòa án Nhân dân Hungary tuyên án tử hình vào năm 1945 với cùng một tội danh như Csatary. Bản án về sau được hạ xuống tù chung thân vào năm 1946.

Năm ngoái, Tòa án Hungary từng tuyên bố một tên tội phạm chiến tranh khác là Sandor Kepiro không có tội. Trước đó, Kepiro bị cho là đã phạm tội chống người Do Thái và người Serbia tại thành phố Novi Sad ở Serbia trong năm 1942. Vụ việc là bằng chứng cho thấy việc xác định trách nhiệm liên quan tới các tội ác diệt chủng trong Thế chiến II khó tới nhường nào.

Đã có người công khai chỉ trích nỗ lực săn lùng những “tên tội phạm sắp xuống lỗ” như Csatary là hoang phí.

“Csatary chỉ là con cá nhỏ. Tôi có thể nêu tên 2.000 người khác phạm tội nghiêm trọng hơn ông ta” - Laszlo Karsai, một sử gia chuyên về thảm họa diệt chủng Do Thái nổi tiếng của Hungary nói - “Tiền tiêu vào việc săn lùng những kẻ như ông ta lẽ ra nên dùng để chống những kẻ hiện vẫn đang nhiệt tình tuyên truyền việc chối bỏ tội ác diệt chủng Do Thái”.

Tường Linh (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm