Hàng điện tử dỏm đe dọa vũ khí Mỹ

09/06/2012 07:32 GMT+7 | Trong nước


Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo tin tặc nước ngoài có thể xâm nhập và kiểm soát hệ thống vũ khí cũng như các nhà máy hạt nhân Mỹ thông qua “cửa hậu” là một con chip sản xuất tại Trung Quốc.



Hàng điện tử dỏm của Trung Quốc xâm nhập cả vào hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ - Ảnh: Wikipedia

Báo Christian Science Monitor (CSM) cho biết theo nghiên cứu của ĐH Cambridge (Anh), chip PA3 do Hãng công nghệ Mỹ Actel thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc, được sử dụng rộng rãi trong các loại vũ khí quân sự, nhà máy điện hạt nhân, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống điện lực... Tuy nhiên, các chuyên gia ĐH Cambridge phát hiện một “cửa hậu” cực nhỏ ẩn trong phần silicon của con chip này.

Thông qua “cửa hậu” này, tin tặc nước ngoài có thể lập trình lại con chip, qua đó tiếp cận nhiều hệ thống vũ khí tối mật của Mỹ cũng như các cơ sở hạ tầng quan trọng. Tin tặc có thể ăn cắp bí mật công nghệ và thương mại, thậm chí điều khiển các hệ thống này. “Nếu một gã tin tặc có thể tiếp cận cửa hậu này qua đường Internet, hắn có thể lấy bất cứ thứ gì hắn muốn” - CSM dẫn lời nhà nghiên cứu Sergei Skorobogatove thuộc ĐH Cambridge khẳng định.

“Nút giết” nguy hiểm

Theo chuyên gia Skorobogatove, thông qua “cửa hậu” bí mật tin tặc có thể lập trình lại con chip PA3 để tạo ra một virút Trojan cực mạnh, đủ sức kiểm soát hàng triệu hệ thống điện tử của Mỹ. Mối lo lớn nhất đối với Bộ Quốc phòng Mỹ và các cơ quan tình báo là kẻ thù có thể nhấn “nút giết” qua chip PA3, khiến một hệ thống kiểm soát vũ khí tê liệt. Ví dụ, một máy bay chiến đấu Mỹ đang bay trên bầu trời có thể đâm sầm xuống đất khi tin tặc nhấn “nút giết”.

“Nút giết rất khó bị phát hiện” - CSM dẫn lời chuyên gia David Adler, chủ tịch Hãng DLA Instruments Corp, đang tư vấn cho Lầu Năm Góc về cách thức dò tìm và phát hiện các xâm nhập quy mô hiển vi. Mối đe dọa không chỉ trên lĩnh vực quân sự. Các con chip như PA3 được sử dụng rộng rãi trong các nhà máy điện hạt nhân, hệ thống hàng không, giao thông...

Qua đó, tin tặc có thể mở các cuộc tấn công quy mô lớn làm tê liệt hạ tầng nước Mỹ. “Cửa hậu ở chip PA3 có thể dẫn tới một cuộc tấn công quy mô lớn kiểu như virút Stuxnet (virút Chính phủ Mỹ sử dụng để tấn công các cơ sở hạt nhân Iran) nhắm vào hạ tầng Mỹ” - nghiên cứu của ĐH Cambridge cảnh báo. Chuyên gia Adler cho biết Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ “rất lo ngại”.

ĐH Cambridge cho biết đây là lần đầu tiên giới chuyên gia an ninh mạng phát hiện một “cửa hậu” bị cài một cách cố ý vào một con chip điện tử. Các nhà nghiên cứu thừa nhận họ không thể kết luận một cách chắc chắn rằng nhà sản xuất ở Trung Quốc đã lén cài “cửa hậu” này vào chip PA3. “Có rất nhiều chip sản xuất tại Trung Quốc - CSM dẫn lời chuyên gia Olin Sibert thuộc Hãng Oxford Systems Inc - Trên lý thuyết người Trung Quốc có thể lén cài cửa hậu vào chip PA3, nhưng đó là việc rất khó”.

Chuyên gia Skorobogatove nhấn mạnh câu hỏi lớn nhất đối với giới an ninh mạng và chính quyền Mỹ là liệu chip PA3 có phải là trường hợp bị cài “cửa hậu” duy nhất. “Nếu các chip khác cũng bị cài cửa hậu thì phát hiện chúng có dễ không?” - ông Skorobogatove đặt câu hỏi. Chuyên gia Sibert cũng cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu nhà chức trách Mỹ phát hiện hàng loạt lỗ hổng an ninh trong các thiết bị điện tử.

Mối họa từ hàng dỏm gốc Trung Quốc

Đây không phải lần đầu tiên phía Mỹ báo động về hàng điện tử sản xuất tại Trung Quốc có mặt trong các hệ thống vũ khí của mình. Theo trang Defense Update, hồi tháng 5 Thượng viện Mỹ công bố kết quả điều tra cho thấy hơn 1 triệu bộ phận điện tử dùng trong các loại thiết bị quân sự Mỹ, từ ống nhòm ban đêm tới máy bay, là hàng dỏm. Hơn 70% số hàng dỏm này được sản xuất tại Trung Quốc.

Ví dụ chip điện tử dỏm sản xuất tại Trung Quốc có mặt trong máy bay chở hàng quân sự C-130J và máy bay P-8A Poseidon chuyên phục vụ các sứ mệnh chống tàu ngầm. Hàng điện tử dỏm của Trung Quốc cũng có đầy trong hệ thống cảnh báo chống va chạm của không quân Mỹ, trong máy bay trực thăng CH-46 của lính thủy đánh bộ, máy bay trực thăng tấn công AH-64, thậm chí cả hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ (MDA)...

Báo cáo điều tra của Thượng viện Mỹ khẳng định “cơn lũ” hàng điện tử dỏm này “dẫn tới những nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ và sự an toàn của quân nhân Mỹ”. “Việc một bộ phận điện tử không hoạt động trong thời điểm nguy hiểm sẽ đẩy các binh sĩ vào thế rất dễ bị tổn thương” - báo cáo viết. Các thượng nghị sĩ Mỹ chỉ trích chính quyền Trung Quốc đã không mạnh tay xử lý các nhà sản xuất hàng dỏm.

“Thay vì thừa nhận vấn đề, chính quyền Trung Quốc đã cố tình tránh né” - Thượng viện Mỹ chỉ trích. Theo báo Hindustan Times, sau khi Thượng viện Mỹ công bố báo cáo trên, chính quyền Ấn Độ cũng lo sốt vó. Nguyên nhân là do mới đây quân đội Ấn Độ đã mua hàng loạt vũ khí quân sự từ Mỹ, bao gồm máy bay vận tải C-130J và máy bay PA8 Poseidon.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm