Đức ghi nhận 940 ca tử vong, 21.800 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ

23/12/2020 08:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đức đã lần đầu tiên ghi nhận số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 cao nhất trong ngày từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện tại nước này.

Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 22/12

Dịch COVID-19: Tình hình dịch bệnh ngày 22/12

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 22/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 77.867.910 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 1.712.172 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 54.758.958 người.

Theo thống kê từ cơ quan y tế Đức, chỉ trong 24 giờ qua, cả nước Đức đã ghi nhận 940 ca tử vong do COVID-19, trong khi số ca mắc cũng tăng thêm hơn 21.800. Đây là ngày đầu tiên kể từ hồi đầu tháng 12 nước Đức ghi nhận số ca nhiễm mới giảm so với ngày trước đó, song số ca tử vong lại tăng lên mức cao nhất từ đầu dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trước tình hình dịch trên, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler ngày 22/12 đã ra lời kêu gọi khẩn cấp gửi tới người dân Đức trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón Năm Mới, đó là giảm tiếp xúc và chỉ nên gặp nhau ở nhóm nhỏ trong dịp nghỉ lễ này.

Ông Wieler cảnh báo nước Đức đang phải đối mặt với những tuần khó khăn phía trước và số ca lây nhiễm có thể tăng lên khi mọi người gặp gỡ gia đình, bạn bè và người thân trong dịp nghỉ lễ, song cho rằng tình trạng lây nhiễm có thể giảm nếu mọi người tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh hiện nay. 

Chú thích ảnh
Cảnh vắng lặng sân bay Duesseldorf, miền Tây Đức ngày 21/12/2020, trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ban hành lệnh đóng cửa biên giới cũng như ngừng mọi chuyến bay đến và đi từ "xứ sở sương mù". Ảnh: AFP/TTXVN

Về biến thể mới phát hiện ở Anh, ông Wieler cho biết chưa thể đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến thể này đối với đại dịch, song rõ ràng cấu trúc gen của virus liên tục thay đổi. Ông cũng cho rằng dù chưa được phát hiện, song khả năng biến thể của virus đã xuất hiện ở Đức là "rất, rất cao".

Ông cũng bày tỏ hài lòng khi giới chức y tế châu Âu đã phê duyệt việc sử dụng vaccine, nhưng nhấn mạnh việc chủng ngừa vaccine sẽ không thể thay đổi ngay được tình hình, bởi sẽ phải mất thời gian để có thể tiêm vaccine cho một lượng lớn người dân. 

* Vaccine BioNTech/Pfizer sẵn sàng phân phối tại EU

Trong khi đó, công ty BioNTech ngày 22/12 thông báo những lô vaccine đầu tiên phòng COVID-19 có thể được vận chuyển tới các nước Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 23/12 để có thể sẵn sàng cho việc tiêm chủng ở các nước châu Âu bắt đầu từ ngày 27/12 tới. Dự kiến, tới cuối năm nay sẽ có khoảng 12,5 triệu liều được sử dụng tại EU. 

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech phát triển. Ảnh: THX/ TTXVN

Trên toàn thế giới, vaccine của BioNTech/Pfizer sẽ có tổng cộng 50 triệu liều tới cuối năm và trong năm 2021 sẽ có thêm 1,3 tỷ liều được sản xuất. BioNTech thông báo vaccine sẽ được phân phối trong các hộp lạnh đặc biệt sử dụng đá khô, trong đó vaccine được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C.

Những hộp này có thể được sử dụng để bảo quản trong các trung tâm tiêm chủng trong tối đa 15 ngày nếu đá khô mới được thêm vào 5 ngày một lần. Ngoài ra, vaccine cũng có thể được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa 5 ngày và chỉ trong 2 giờ với nhiệt độ trong phòng.

* WHO nhóm họp trực tuyến về biến thể virus mới ở Anh

Liên quan tới biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Anh, Văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/12 đã kêu gọi các nước thành viên tiến hành cuộc họp giải quyết khủng hoảng liên quan biến thể virus mới. Cuộc họp trực tuyến theo kế hoạch diễn ra vào sáng 23/12 có sự tham dự của giới chức y tế Anh để cập nhật tình hình dịch bệnh hiện tại.

Mạnh Hùng - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm