“Đứa con của chiến tranh VN” giành giải "Nobel Toán học"

20/08/2010 09:51 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Ngày 19/8, tại phiên khai mạc Đại hội Liên đoàn Toán học thế giới lần thứ 26 (ICM-26) tổ chức ở Hyderabad thuộc bang Andhra Pradesh, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu đã được trao tặng Huy chương Fields. Đây là giải thưởng hết sức danh giá, thường được ví như giải “Nobel Toán học”. Với việc đoạt giải Fields, giáo sư Châu đã giúp Việt Nam trở thành nước thứ hai tại châu Á có công dân nhận giải thưởng cao quý kể trên. Sự kiện cũng đã nhận được mối quan tâm đặc biệt của báo chí nước ngoài.

Pháp bày tỏ “sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn”


Tên giáo sư Ngô Bảo Châu cùng 3 người khác giành giải Fields được nêu trên trang web của Hội nghị Toán học Thế giới lần thứ 26

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã tới phát biểu khai mạc Hội nghị Toán học Thế giới lần thứ 26 (ICM-26) và trao huy chương Fields, giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới, cho giáo sư Ngô Bảo Châu lúc 12h55, ngày 19/8 (giờ Hà Nội).


Trên trang web chính thức ở địa chỉ www.icm2010.in, Hiệp hội Toán học Quốc tế cho biết giáo sư Châu được trao giải vì đã chứng minh bổ đề cơ bản Langland (fundamental lemma). Cùng với giáo sư, có ba nhà toán học khác cũng đoạt giải Fields lần này, gồm Elon Lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

Ngay sau đó, hãng tin AFP đã đưa tin về sự kiện. Với tiêu đề “đứa con của chiến tranh Việt Nam giành giải toán học danh giá”, AFP cho biết biết giáo sư Châu sinh tại Hà Nội vào năm 1972, trong những năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam. Với năng lực toán học tuyệt vời, giáo sư Châu đã đoạt hai Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế trước khi tới Pháp học tập. Anh được đánh giá cao vì đã “chứng minh một cách thông minh” sự đúng đắn của bổ đề cơ bản, một vấn đề hóc búa đối với Thế giới Toán học trong suốt 30 năm qua. Việc này được xem là một bước đột phá, giúp kết nối hai nhánh của toán học là hình học và số học. Bài viết của AFP sau đó đã được tờ Sydney Morning Herald và một số tờ báo khác đăng lại.

Tờ Le Monde cho biết Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Francois Fillon đã lên tiếng ca ngợi giáo sư Châu (người mới nhập quốc tịch Pháp đầu năm nay) cùng nhà toán học Pháp Cedric Villani vì đã giành giải Fields. Văn phòng Tổng thống đã bày tỏ “sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn” tới những nhà toán học đoạt giải, đồng thời đánh giá chiến thắng của họ là đã lần nữa xác nhận chất lượng rất cao của các hoạt động nghiên cứu cơ bản tại Pháp. Trang tin TF1 thì đánh giá giải thưởng của giáo sư Châu đã giúp Pháp có 11 trong số 52 giải Fields kể từ khi người ta bắt đầu trao giải này, qua đó củng cố vị thế của Pháp về toán học.

Sự kiện giáo sư Châu và ba nhà toán học khác đoạt giải Fields cũng được các trang tin như UPI, Nature, Russia Today, Science, Straits Times... đưa tin. Tờ Science đánh giá “bổ đề cơ bản là điểm thắt kỹ thuật đã cản trở giới toán học trong nhiều thập kỷ và sự đột phá do giáo sư Châu mang lại đã giúp các hướng phát triển khác của lý thuyết Langland trở nên khả thi”.

Công trình được xếp vào Top 10 khám phá khoa học 2009

Được biết tháng 01/2008, giáo sư Châu đã công bố phần chứng minh toàn bộ bổ đề cơ bản bằng tiếng Pháp, dài 191 trang, dưới dạng bản thảo trên mạng arXiv. Bản thảo được chỉnh sửa hai lần vào tháng 2 và tháng 5/2008. Bản cuối cùng dài 197 trang. Các nhà toán học thế giới đã phải mất một năm mới hoàn thành việc kiểm tra tính chính xác của nội dung bài viết.

Công trình chứng minh bổ đề cơ bản này sau đó đã được tạp chí Time xếp vào hàng top 10 khám phá khoa học trong năm 2009.


Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải “Nobel Toán học” từ tay Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil
Tờ Times khi viết về công trình của giáo sư Châu đã nhận xét “các nhà toán học trên toàn cầu giờ đã có thể thở phào nhẹ nhóm. Giới toán học lao động trong lĩnh vực này suốt 3 thập kỷ qua đã dự đoán trên nguyên tắc, bổ đề cơ bản là chính xác và một ngày nào đó sẽ được chứng minh “Chuyện này giống như những người dân đang làm việc ở một bên bờ sông chờ đợi ai đó xây cho họ một cái cầu bắc qua sông” - Peter Sarnak, một nhà toán học tại Viện Nghiên cứu Tiên tiến, Đại học Princeton nhận xét - “Và giờ đây, đột nhiên toàn bộ công sức của những người ở bờ còn lại được chứng minh”. Còn Charles Louis Fefferman, Giáo sư Đại học Chicago, nơi Ngô Bảo Châu sẽ giảng dạy từ tháng 9/2010, nhận xét về người đồng nghiệp trẻ: “Rõ ràng đây là một trong những nhà toán học xuất sắc nhất thời đại của chúng ta”.

Giải thưởng toán học danh giá nhất

Những nền tảng đó đã là tiền đề vững chắc để giáo sư Châu giành giải Fields, giải cao quý nhất mà một nhà toán học mơ ước.

Được sáng lập theo ý nguyện của nhà toán học Canada John Charles Fields, giải thưởng Fields lần đầu được trao vào năm 1936, cho nhà toán học Phần Lan Lars Ahlfors và nhà toán học Mỹ Jesse Douglas. Người chiến thắng sẽ được nhận một tấm huy chương trên đó có chân dung Archimede và dòng chữ bằng tiếng Latin, tạm dịch: “Hãy vượt qua giới hạn tinh thần và thấu hiểu thế giới”. Mặt sau của tấm huy chương có dòng chữ Latin khác với nội dung: “Các nhà toán học từ khắp nơi trên thế giới, được trao giải vì những tác phẩm nổi bật”. Tấm huy chương do nhà điêu khắc Canada R. Tait McKenzie tạo ra. Giải này cũng đi kèm với tiền thưởng và vào năm 2006, số tiền thưởng chỉ vỏn vẹn 15.000 USD.

Kể từ năm 1950, giải Fields đã được trao định kỳ. Giải này có mục đích ghi nhận và ủng hộ các nhà toán học trẻ tuổi, nhưng đã có đóng góp lớn cho toán học. Giải Fields thường được xem là giải “Nobel Toán học” xét theo mức độ danh giá của giải, dù rằng số tiền trao tặng cho người chiến thắng không thể sánh được so với giải Nobel. Các giải toán học khác như Abel ghi nhận thành tích trọn đời của một cá nhân, với số tiền thưởng lớn như giải Nobel. Tuy nhiên độ danh giá của giải Abel lại không bằng do giải Fields được lựa chọn bởi các thành viên IMU, những người đại diện cho cộng đồng toán học thế giới.

Không giống giải Nobel, giải Fields chỉ được trao sau mỗi 4 năm. Giải này cũng đặt ra giới hạn về tuổi và người nhận nó phải có tuổi đời không quá 40 trước khi nhận giải. Kết quả của quy định này là rất nhiều nhà toán học tài năng đã không được trao giải bởi những thành tựu lớn của họ chỉ có được về cuối đời. Việc đặt ra giới hạn tuổi theo ý nguyện của Fields là để khuyến khích các tài năng toán học trẻ vươn lên.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm