Dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ hoàn thành xây dựng trong tuần này

06/09/2021 08:49 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Rainer Seele, cựu Giám đốc điều hành hãng OMV, tập đoàn năng lượng của Áo tham gia đầu tư vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho biết hệ thống đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Đức sẽ hoàn thành xây dựng ngay trong tuần này. 

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và bài toán lợi ích giữa các bên

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 và bài toán lợi ích giữa các bên

Vào cuối tuần trước, khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thực hiện chuyến thăm đến Mỹ, truyền thông quốc tế đã nhắc nhiều tới dự án Dòng chảy phương Bắc 2, bởi đây vốn là dự án khí đốt xuyên biển từ Nga sang Đức và lâu nay luôn là “cái gai” trong quan hệ giữa Đức-Mỹ.

Ông Rainer Seele, người vừa từ chức khỏi cương vị nhà quản lý hàng đầu của OMV hôm 1/9, cho biết lượng khí đốt đầu tiên sẽ được bơm qua Dòng chảy phương Bắc ngay trong năm 2021. Thời điểm cụ thể sẽ phụ thuộc vào các thủ tục nghiệm thu việc xây dựng đường ống. 

Ông Seele đánh giá việc Đức và Mỹ đạt được thỏa thuận trước đó về Dòng chảy phương Bắc 2 là sự bảo đảm cho việc dự án đường ống khí đốt này sớm được hoàn thành trong vài ngày tới. 

Chú thích ảnh
Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trị giá 11 tỷ USD với đường ống dài 1.230 km nay chỉ còn khoảng vài chục km cần thi công trước khi hoàn tất.  

Lãnh đạo Đức và Mỹ mới đây đã đạt thỏa thuận, trong đó Mỹ lần đầu tiên ngầm chấp thuận đường ống vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức đi qua Biển Baltic. Dự án này được cho là sẽ khiến châu Âu trở nên phụ thuộc nguồn khí đốt từ Nga, khiến Nga trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho khu vực này.

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm dấy lên một số quan ngại rằng, dự án có thể ảnh hưởng đến kinh tế, năng lượng của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine.

Chính quyền Mỹ nhận định việc tiếp tục bày tỏ sự bất đồng với đường ống đã gần hoàn thành chỉ làm căng thẳng quan hệ của nước này với Đức trong khi lợi ích thu được không đáng kể. Thay vào đó, giải pháp có thể cứu lấy thể diện là hiệp định cam kết thành lập một quỹ hàng tỷ USD để đảm bảo an ninh năng lượng cho Ukraine và các sáng kiến năng lượng bền vững trên khắp châu Âu.

Trần Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm