Điểm danh các con tàu tham gia cuộc tập trận hải quân ASEAN - Trung Quốc

30/10/2018 08:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) -  Trang mạng scmp.com (Ngày 28/10), Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách xây dựng các mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn để đối phó với mối quan hệ thù địch ngày càng tăng với Mỹ tại vùng Biển Hoa Nam (Biển Đông) nhiều tranh chấp.

Cuộc tập trận Hàng hải ASEAN-Trung Quốc kéo dài 6 ngày tại Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc từ 28/10, với nhân sự tới từ 11 quốc gia. Trong đó, 6 quốc gia gồm Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Brunei, Việt Nam và Philippines đã cử tàu chiến tới tham dự các hoạt động diễn tập. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng bản điện tử đã có bài viết phân tích rõ hơn về các con tàu tham gia sự kiện lần này này.

1.Trung Quốc

Trung Quốc là nước có số tàu tham gia tập trận đông đảo nhất, gồm tàu khu trục tên lửa Quảng Châu (Guangzhou), tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn và tàu tiếp liệu Quân Sơn Hồ (Junshanhu).
Trong đó, tàu khu trục tên lửa Quảng Châu, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2004, có lượng choán nước là 6.000 tấn, với vỏ tàu được sơn tàng hình và thiết kế hiện đại để hạn chế khả năng bị rađa đối phương phát hiện.

Đây cũng là tàu đầu tiên Kiểu 052B được Trung Quốc sản xuất với mục đích phòng không. Tàu Quảng Châu được trang bị tên lửa đất đối không tầm ngắn SA-N-12 do Nga sản xuất và hệ thống rađa 3D để phát hiện các mục tiêu trên không.

Để đối phó với tàu ngầm, tàu Quảng Châu được trang bị hai ống phóng ngư lôi và tên lửa tầm ngắn (1.000m). Trên tàu còn có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trường Hải quân Mỹ năm 2017, “khả năng chiến đấu của tàu (Quảng Châu) đã lạc hậu ngay từ khi được phiên chế” cho hải quân Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Tàu khu trục tên lửa Quảng Châu của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Tàu hộ vệ tên lửa Hoàng Sơn, một trong những tàu lớn và hiện đại nhất trong hạm đội đa nhiệm của Trung Quốc, là một phiên bản của tàu khu trục hạng nhẹ Kiểu 054 (được NATO gọi là các tàu lớp Giang Khải-II (Jiangkai-II)). Với chiều dài 134m, và thân tàu rộng 16m, tàu Hoàng Sơn có lượng choán nước là 4.000 tấn và có tốc độ tối đa 27 hải lý/giờ. Con tàu này được đóng ở trong nước và đưa vào sử dụng từ tháng 3/2008.

Năm 2013, Trung Quốc từng đề xuất bán 3 tàu khu trục cỡ nhỏ Kiểu 054A cho Thái Lan song thua thầu Hàn Quốc, quốc gia đã giành được hợp đồng bán các tàu khu trụ Gwanggaeto lớp Great. Theo một phân tích đăng trên tờ The Diplomat vào năm 2015 của nhà nghiên cứu Gabe Collins, làm việc tại Viện Nghiên cứu Hàng hải của Trường Hải quân Mỹ, chi phí đóng và lắp ráp một tàu Kiểu 054A ước tính ở vào khoảng 348 triệu USD.

Trung Quốc cũng đưa tới cuộc tập trận đầu tiên với ASEAN tàu tiếp liệu Quân Sơn Hồ Kiểu 961, chính thức phiên chế cho quân đội vào tháng 7/2015. Theo trang mạng thepaper.cn của một hãng truyền thông trực tuyến có trụ sở ở Thượng Hải, lượng choán nước của tàu tiếp liệu Quân Sơn Hồ là vào khoảng 10.000 tấn và tốc độ trung bình là 22 hải lý/giờ. Tàu không có bãi đáp trực thăng nhưng có 5 trạm tiếp liệu.

2. Singapore

Singapore đã cử tàu khu trục cỡ nhỏ lớp Formidable RSS Stalwart, được trang bị các công nghệ phòng không, chống tên lửa và chống tàu ngầm. Được nhà đóng tàu DCN của Pháp thiết kế, RSS Stalwart được cải tiến từ mẫu tàu khu trục lớp La Fayette của Hải quân Pháp.

Hợp đồng Singapore ký với DCN còn bao gồm chương trình chuyển giao công nghệ, cụ thể tàu khu trục đầu tiên được đóng tại Pháp, và 5 tàu còn lại, trong đó có Stalwart, sẽ được đóng tại chính Singapore.

Chú thích ảnh
Tàu chiến đa nhiệm RSS Stalwart của hải quân Singapore. Ảnh: Hải quân Singapore

Với lượng choán nước khoảng 3.200 tấn, RSS Stalwart được trang bị súng Oto Melara nòng 76 mm với đạn pháo 6kg, tầm bắn 16m và tốc độ bắn là 120 viên/phút. Tên lửa chống hạm Harpoon được trang bị trên tàu có tầm bắn 130km và có hệ thống dẫn đường.

Về khả năng chống tên lửa, theo tạp chí Indian Defence Review, RSS Stalwart sử dụng hệ thống Aster 15 với phạm vi hoạt động 15km, có chức năng phòng không chống lại các máy bay có người lái và không người lái trong phạm vi 30km.

3. Brunei

Daruttaqwa OPV-09, tàu vũ trang hiện đại nhất của Brunei, là tàu tuần tra xa bờ lớp Darussalam thứ 4 được phiên chế cho Hải quân Hoàng gia Brunei, một lực lượng được đánh giá là khá khiêm tốn. Tất cả các tàu lớp Darussalam đều được công ty Lurssen Werft đóng tại Đức.

Daruttaqwa OPV-09 chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8/2014. Chiều dài tàu vào khoảng 80m, thân tàu rộng 13m, và lượng choán nước là 1.625 tấn. Tàu được trang bị 2 súng Oerlikon nòng 20mm với 4 tên lửa chống hạm Exocet MM40 Block 3.

4. Thái Lan

Thái Lan đưa tàu khu trục HTMS Taksin (FFG42) tới tham dự cuộc tập trận. Đây là sản phẩm của Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải.

Sau khi được nâng cấp vào năm 2016, HTMS Taksin hiện có lượng choán nước vào khoảng 2.980 tấn, và được trang bị tháp pháo nòng 127mm, cùng hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 để có thể nhanh chóng triển khai tên lửa chống lại kẻ địch.

HTMS Taksin vừa hoàn thành nhiệm vụ triển khai tại Biển Hoa Đông với tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường USS Antietam của Mỹ và tàu HTMS Krabi của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đầu tháng 10 vừa qua.

5. Việt Nam

Tàu 015 Trần Hưng Đạo - tàu khu trục lớp Gepard 3,9 - được đưa tới cuộc tập trận là một trong những tàu chiến tân tiến nhất của Hải quân Việt Nam và mới chính thức đi vào hoạt động từ tháng 2 năm nay. Con tàu được đặt theo tên vị tướng nổi tiếng Trần Hưng Đạo, người đã có công trong cuộc chiến chống giặc Mông xâm lược hồi thế kỷ thứ 13.

Chú thích ảnh
Tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo của Việt Nam ghé thăm Nhật Bản đầu tháng. Ảnh: Sina

Được đóng tại Nga, 015 Trần Hưng Đạo có lượng choán nước là 2.100 tấn và dài 102m, được trang bị 4 ống phóng ngư lôi nòng 533mm và hai bệ phóng tên lửa chống tàu ngầm SS-N-25.
Trước cuộc diễn tập với Trung Quốc, 015 Trần Hưng Đạo đã có chuyến ghé thăm cảng tại Nhật Bản và Hàn Quốc trong khuôn khổ hải trình tổng cộng 9.300km bắt đầu từ đầu tháng 9/2018. Đó cũng là hải trình dài nhất mà Hải quân Việt Nam tiến hành từ trước tới nay.

6. Philippines

Tàu hỗ trợ hậu cần BRP Dagupan City (LC-551) được phiên chế vào những năm 90  của thế kỷ XX và đóng mới tại Mỹ. Tàu này có chiều dài 83m, lượng choán nước là 4.265 tấn, và vận tốc khoảng 12 hải lý/ giờ.

Người phát ngôn Hải quân Philippines Jonathan Zata nói với Hãng Thông tấn Philippines rằng BRP Dagupan City “phù hợp và đã được thử nghiệm kỹ càng” để tham gia các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai của hoạt động diễn tập lần này.

ASEAN-Trung Quốc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông

ASEAN-Trung Quốc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông

Các thành viên ASEAN và Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và hướng tới xây dựng quy tắc ứng xử Biển Đông, trong Hội nghị Quan chức cao cấp vừa diễn ra.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm