Dịch Covid-19: Tranh cãi khoa học về việc tiêm mũi vaccine tăng cường

28/08/2021 10:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Lo ngại sự xuất hiện của biến thể Delta có thể đảo ngược thành quả phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới đã và đang lên kế hoạch triển khai tiêm liều vaccine tăng cường để ngăn chặn sự lây lan của biến thể có khả năng lây nhiễm cao này.

Nguy cơ từ việc một số nước tiêm vaccine Covid-19 liều tăng cường

Nguy cơ từ việc một số nước tiêm vaccine Covid-19 liều tăng cường

Việc các quốc gia giàu có đang đẩy nhanh kế hoạch tiêm thêm mũi vaccine thứ 3 ngừa Covid-19 đang khiến nguồn cung cho các nước nghèo và nước đang phát triển trở nên hạn hẹp.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về sự cần thiết của việc tiêm liều vaccine thứ ba. Đến nay, các nhà sản xuất vaccine đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng để xác định thời gian thực hiện tiêm mũi bổ sung.

Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla cho rằng, “có khả năng” người dân sẽ cần đến liều vaccine thứ ba trong vòng từ 6-12 tháng kể từ khi được tiêm chủng đầy đủ. Sau đó, vaccine sẽ được tiêm chủng hàng năm. Tuy nhiên, tất cả những khả năng này phải xác nhận qua nghiên cứu thực tế, trong đó các biến thể virus sẽ đóng một vai trò quan trọng.

Vaccine của Moderna, sử dụng công nghệ tương tự như Pfizer, cũng được chứng minh là có hiệu quả cao sau 6 tháng tiêm đủ 2 liều. Giám đốc điều hành của Moderna, ông Stephane Bancel cũng hy vọng sẽ triển khai mũi tiêm thứ ba vào mùa Thu này. Vào giữa tháng 8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã sửa đổi giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) cho vaccine của Pfizer và Moderna, để cho phép bổ sung một liều vaccine cho những người bị suy giảm miễn dịch.

Chú thích ảnh
Tuyên truyền tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo dữ liệu mà FDA đã đánh giá, liều thứ ba vaccine của hãng Pfizer hoặc Moderna có thể tăng cường khả năng bảo vệ ở nhóm người dễ bị tổn thương này. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ đầu tuần qua cũng cho rằng nhóm người này nên được tiêm liều vaccine bổ sung của Pfizer hoặc Moderna ít nhất 4 tuần sau liều thứ hai. Tuy nhiên, với người bình thường, CDC và FDA khuyến cáo tiêm liều bổ sung của vaccine Pfizer hoặc Moderna sau 8 tháng.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot cuối tháng trước cho biết hãng dược phẩm này chưa có câu trả lời chính xác cho việc cần thiết phải tiêm mũi thứ ba hay không. Tuy nhiên, giới chức y tế tại Brazil đã cấp phép tiến hành tiêm thử nghiệm mũi bổ sung vaccine của AstraZeneca. Theo đó, 10.000 tình nguyện viên đã tham gia thử nghiệm sau khi hoàn thành mũi tiêm thứ hai từ 11-13 tháng.

Theo nghiên cứu trên trang Medrxiv.org, khả năng miễn dịch trước virus SARS-CoV-2 sẽ tăng lên đáng kể nếu như tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Sinovac (Trung Quốc) cách mũi thứ hai từ 6 tháng trở lên.

Các nhà nghiên cứu của hãng Johnson & Johnson hồi tháng 7 báo cáo rằng vaccine một liều duy nhất này cung cấp khả năng miễn dịch kéo dài ít nhất 8 tháng và có thể lâu hơn. Đồng thời, vaccine có khả năng bảo vệ đầy đủ trước biến thể Delta. Một người phát ngôn của Johnson & Johnson từng cho biết hãng này đang thu thập dữ liệu để xem xét liệu có cần thiết tiêm mũi tăng cường hay không.

Gần đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh các nước cần trì hoãn tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 bởi cần ưu tiên nâng tỷ lệ tiêm chủng tại những quốc gia mới chỉ có 1% hoặc 2% dân số được hưởng quyền lợi này.

Ông nêu rõ trong trường hợp tỷ lệ tiêm chủng không được cải thiện trên toàn cầu, các nước sẽ đối mặt với nguy cơ xuất hiện nhiều biến thể mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Do vậy, những mũi tiêm tăng cường nên dành để hỗ trợ các quốc gia hiện chưa đủ vaccine để tiêm cho người dân ít nhất một liều hoặc tiêm mũi thứ hai. Ông cũng nhấn mạnh rằng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus cũng ủng hộ quan điểm tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhóm đối tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới.

Trần Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm