Dịch COVID-19: Các nước châu Mỹ và châu Âu vật lộn với số ca mắc mới tăng

11/12/2020 11:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nước trên thế giới đang trải qua một mùa Đông khắc nghiệt trong khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp với số ca mắc mới gia tăng không ngừng.

Dịch COVID-19 đến sáng 11/12: Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt 70 triệu

Dịch COVID-19 đến sáng 11/12: Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt 70 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 11/12 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có 70,67 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi ghi nhận thêm hơn 657.000 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.

Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris ngày 10/12 cho hay Vùng Đô thị của nước này, bao gồm thủ đô Santiago de Chile, đang trong tình trạng "nghiêm trọng" khi số ca mắc mới COVID-19 gia tăng ở mức chưa từng thấy trong thời gian dài. Bộ trưởng Paris nêu rõ số bệnh nhân mắc COVID-19 ở vùng này đã tăng 53% trong thời gian từ ngày 14/11 - 10/12, đòi hỏi nhà chức trách phải có biện pháp ngăn chặn.      

Theo Bộ Y tế Chile, ngày 10/12 nước này ghi nhận 1.662 ca mắc mới COVID-19 và 84 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Chile lần lượt lên 566.440 người và 14.774 người.      

Trong khi đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho rằng nước này đang ở "giai đoạn cuối" của đại dịch COVID-19, mặc dù số ca mắc mới và tử vong vẫn gia tăng và nhiều chuyên gia lo ngại bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai. Phát biểu trong chuyến thăm tới thành phố miền Nam Porto Alegre, Tổng thống Bolsonaro nhận định Brazil là một trong số các quốc gia xử lý đại dịch COVID-19 tốt  nhất.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở New York, Mỹ, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng thống Bolsonaro có quan điểm trái ngược với giới chuyên gia y tế về ứng phó với đại dịch. Ông thường hạ thấp mức độ nghiêm trọng của COVID-19, cho rằng đây chỉ là bệnh cúm thông thường và thúc đẩy việc sử dụng thuốc hydroxychloroquine để điều trị bệnh dù nhiều nghiên cứu cho rằng liệu pháp này không có kết quả.       

Tháng 11 vừa qua, Brazil đã kiềm chế số ca tử vong do COVID-19 hằng ngày ở mức dưới 300 ca, so với giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 ở mức 1.000 ca. Tuy nhiên, trong tuần này, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lại gia tăng, vượt ngưỡng 800 ca. Khu vực điều trị tích cực tại các bệnh viện công ở thành phố Rio de Janeiro hoạt động hết công suất. Theo trang thống kê worldmeters.info, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 6.783.543 ca mắc và 179.801 ca tử vong.     

Trong khi đó, tại châu Âu, số ca tử vong do COVID-19 tại ở Bồ Đào Nha trong làn sóng dịch thứ hai đã tăng gần gấp đôi so với làn sóng đầu tiên. Theo một khảo sát do tờ Publico thực hiện, trong 5 tháng đầu tiên bùng phát dịch, Bồ Đào Nha ghi nhận 1.735 ca tử vong, nhưng chỉ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 12 đã tăng lên 3.229 ca. Nguyên nhân do số ca mắc mới trong làn sóng thứ hai tăng cao hơn, chủ yếu tập trung ở nhóm người cao tuổi, và tâm lý chủ quan của người dân. Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, người dân Bồ Đào Nha đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm túc hơn.       

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Los Angeles, Mỹ, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Ông Francisco Ramos, điều phối viên của lực lượng đặc trách tiêm chủng cho biết Bồ Đào Nha sẽ tiến hành chủng ngừa cho 50.000 người mỗi ngày tại các trung tâm y tế, bắt đầu từ tháng 1/2021.      

Theo trang thống kê worldmeters.info, đến nay Bồ Đao Nha đã ghi nhận 335.207 ca mắc COVID-19 và 5.278 ca tử vong.       

Thụy Điển, quốc gia thu hút sự chú ý của thế giới về chiến lược phòng dịch phi truyền thống, đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, ngày 10/12 nước này ghi nhận thêm 7.935 ca mắc mới - cao hơn mức 7.240 ca ghi nhận ngày 20/11 - và 58 ca tử vong. Vùng Stockholm là một trong số các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch và chính quyền vùng đã yêu cầu Ủy ban y tế quốc gia điều thêm nhân viên y tế tiếp sức cho khu vực này.      

Tuy nhiên, cố vấn y tế cấp cao Irene Nilsson-Carlsson thuộc Ủy ban y tế quốc gia Thụy Điển cho rằng thời điểm này không phải là khủng hoảng nghiêm trọng bởi nước này còn đủ sức chống chọi với dịch bệnh với 148 giường trống, tương đương 22%, trong các khu điều trị tích cực tại các bệnh viện trên cả nước.      

Tại Hàn Quốc, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp với số ca mắc mới hằng ngày ở mức trên 600 ca. Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ huy động lực lượng quân đội tại thủ đô Seoul nhằm hỗ trợ các nhân viên y tế tuyến đầu ứng phó với sự lây lan của COVID-19.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân tại trung tâm xét nghiệm COVID-19 ở Los Angeles, Mỹ, ngày 8/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sáng 11/12 thông báo Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 689 ca mắc mới, đưa tổng số ca bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này lên 40.786 ca.      

Cũng theo KDCA, đã có thêm 8 ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc. Tin vui là có thêm 520 bệnh nhân COVID-19 bình phục và được xuất viện.      

Dịch bệnh tái bùng phát ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh ở khu vực này. Theo số liệu công bố chiều 10/12, có 506 bệnh nhân phải điều trị tại nhà. Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực để thu xếp đủ giường bệnh cho các bệnh nhân. Trong lúc chờ đợi được nhập viện, các bác sĩ thường xuyên gọi điện thoại cho bệnh nhân để kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ và đưa ra phương án điều trị. Các nhà chức trách y tế Hàn Quốc đang gấp rút lắp đặt thêm giường bên trong các container được sử dụng nhằm giảm tải cho các cơ sở điều trị.        

Sự bùng phát đợt lây nhiễm mới được xem là đòn giáng mạnh vào hệ thống phòng dịch của Hàn Quốc. Trước đó, trong đợt bùng phát hồi mùa Hè, nước này đã thực hiện thành công việc truy vết, xét nghiệm và cách ly để tránh áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện và giữ số ca mắc mới hằng ngày ở mức 50 ca.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm