Đằng sau những căng thẳng EU - Trung Quốc

01/04/2021 21:43 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc những ngày gần đây diễn biến căng thẳng sau khi cả hai bên tiến hành các biện pháp trừng phạt vào cá nhân và thực thể của nhau. Và đây được coi là những bước đi thụt lùi trong quan hệ EU-Trung Quốc, nhất là khi hai bên mới đạt được "về nguyên tắc" đối với Hiệp định đầu tư toàn diện hồi cuối năm 2020 vừa qua.

Hội nghị thượng đỉnh EU thảo luận về đại dịch Covid-19

Hội nghị thượng đỉnh EU thảo luận về đại dịch Covid-19

Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 25-26/3 tại thủ đô Brussels của Bỉ bằng hình thức trực tuyến.

* Trừng phạt qua lại

Từ tuần trước, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã rơi vào căng thẳng sau khi hai bên có những động thái ngoại giao nhằm vào nhau. EU cùng với Mỹ, Canada, Anh đã cùng áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Đây là hành động phối hợp đầu tiên của phương Tây nhằm vào Trung Quốc dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ngày 22/3, EU thông báo áp đặt trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể của Trung Quốc, trong đó có 1 thực thể nhà nước và 4 quan chức, với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền. Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên của EU nhằm vào Trung Quốc kể từ sau lệnh cấm vận vũ khí năm 1989. Không chỉ EU mà Anh, Mỹ và Canada ngày 22/3 cũng đã có các biện pháp áp đặt trừng phạt lên các cá nhân và thực thể của Trung Quốc với lý do quan ngại vấn đề nhân quyền.

Đáp trả lại, cũng trong ngày 22/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt này không dựa trên cơ sở nào ngoài những thông tin sai lệch với lý do được gọi là các vấn đề nhân quyền. Bắc Kinh cũng đã quyết định trừng phạt 10 cá nhân và 4 thực thể của EU, cho rằng những đối tượng này gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, đồng thời tuyên truyền những thông tin không đúng sự thật. Ngày 26/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố trừng phạt các tổ chức và cá nhân của Anh vì “dối trá và tung tin giả” về tình hình nội bộ Trung Quốc. Theo đó, có 4 thực thể và 9 cá nhân của Anh chịu lệnh trừng phạt. Những người này và người thân trong gia đình họ bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc. Các công dân và tổ chức của Trung Quốc cũng bị cấm giao dịch với những người này.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã có động thái tương tự với Mỹ và Canada. Ngày 27/3, Bắc Kinh đã thông báo áp lệnh trừng phạt hai quan chức Mỹ, một nghị sĩ và một Uỷ ban thuộc Hạ viện Canada với cáo buộc "thao túng chính trị, phát tán thông tin sai lệch về tình hình Tân Cương và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Theo các nhà phân tích, rõ ràng thông qua các biện pháp đáp trả, Trung Quốc đang muốn cho châu Âu và các nước đồng minh thấy sự quyết đoán và răn đe của mình trong các biện pháp trả đũa và muốn châu Âu cần phải cân nhắc kỹ trước mỗi hành động tiếp theo trong tương lai.

Chú thích ảnh
(Nguồn: china-briefing.com)

* Quan hệ tương hỗ EU-Trung Quốc

Những năm qua, dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đã vướng sâu vào cuộc chiến thương mại với quy mô chưa từng có và cả những tranh cãi về chính trị với Mỹ, bởi vậy nước này luôn mong muốn tìm kiếm một sự hỗ trợ từ EU. Quan hệ với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đáp ứng lợi ích chiến lược của Bắc Kinh không chỉ về kinh tế, mà đây còn là một phần trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng và sức mạnh trên toàn cầu thông qua "sự hiện diện" tại các khu vực khác nhau trên thế giới.

Còn với EU, có một thực tế là khối này cũng không muốn bị cuốn vào "cuộc đấu" căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Bất chấp những khác biệt với chính quyền Mỹ, EU vẫn xác định liên kết đối tác xuyên Đại Tây Dương là mối quan hệ quan trọng hàng đầu đối với liên minh. Tuy nhiên trong bối cảnh EU thời gian qua cũng phải đối mặt với không ít vấn đề nội tại cũng như trong các mối quan hệ với bên ngoài, đặc biệt quan hệ khá căng thẳng với Mỹ, thì EU cũng coi Trung Quốc như một đối tác không thể bỏ qua. Quan điểm của khối này với Trung Quốc là một mối quan hệ cần được xây dựng dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và nguyên tắc "có đi có lại". Đối với EU, Trung Quốc đồng thời là một đối tác hợp tác, đối tác đàm phán, cũng là đối thủ cạnh tranh trong kinh tế và đối thủ về ý thức hệ, có thể nói "vừa là đối tác chiến lược vừa là đối thủ cạnh tranh”. EU theo đuổi cam kết mang tính thực tế, hiệu quả và phối hợp với Trung Quốc, dựa trên giá trị và lợi ích châu Âu. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa thách thức và cơ hội đến từ Trung Quốc luôn biến động theo thời gian.

Có thể thấy rõ, là hai trụ cột, hai thị trường rộng lớn, những lĩnh vực mà EU và Trung Quốc phối hợp đều có ý nghĩa to lớn và có thể tạo ra những ảnh hưởng quy mô toàn cầu. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 làm gián đoạn hoạt động kinh tế của Mỹ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU vào quý III/2020. Đặc biệt, cuối năm ngoái, hai bên còn đạt được nhất trí "về nguyên tắc" đối với Hiệp định đầu tư toàn diện sau 7 năm đàm phán (ngày 30/12/2020). Khi đó, Hiệp định Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc này được kỳ vọng là một động lực lớn cho cả hai bên và củng cố quan hệ kinh tế song phương dù cho Hiệp định vẫn cần nhiều tháng nữa để hoàn thành và phê chuẩn đầy đủ.

Theo những nhất trí mà hai bên đã đạt được, hiệp định sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc dễ dàng hơn. Các công ty châu Âu sẽ được phép đầu tư vào các lĩnh vực như ô tô điện, bệnh viện tư, bất động sản, quảng cáo, công nghiệp hàng hải, dịch vụ điện toán đám mây... tại Trung Quốc. Một số các quy định hiện hành bắt buộc có sự tham gia của các công ty Trung Quốc sẽ được gỡ bỏ. Thỏa thuận nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các các doanh nghiệp châu Âu làm ăn tại Trung Quốc, vốn từ lâu đã phàn nàn về các điều khoản ưu đãi dành cho các doanh nghiệp trong nước. Văn kiện này cũng sẽ tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các công ty châu Âu và cấm ép buộc chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Hiệp định trên cũng bao gồm cả những cam kết về chống biến đổi khí hậu và đảm bảo quyền lợi của người lao động.

* Đằng sau những căng thẳng gần đây

Với những tiến triển đạt được trong hợp tác song phương như vậy, việc EU thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với một số cá nhân và thực thể Trung Quốc ngày 22/3 vừa qua được xem là một động thái đánh dấu một bước chuyển rõ nét trong cách tiếp cận của EU với Trung Quốc. Các nhà phân tích còn bày tỏ lo ngại những biện pháp trừng phạt này còn dẫn đến nguy cơ đổ vỡ hiệp định đầu tư mà hai bên đang đàm phán.

Trước báo giới tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã tuyên bố rằng nếu tiếp tục, châu Âu sẽ phải trả giá và thậm chí đe dọa hủy thỏa thuận đầu tư mà hai bên đã ký kết. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu thì đã hủy phiên họp dự kiến thảo luận để thông qua Hiệp định Đầu tư toàn diện EU-Trung Quốc (CAI) đã ký với Trung Quốc để phản đối các trừng phạt của Bắc Kinh.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng những tác động của các biện pháp trừng phạt của EU với Trung Quốc lần này là không đáng kể, chỉ mang tính biểu tượng nhằm mục đích vừa răn đe, vừa không để đánh mất một đối tác quan trọng. Khi quyết định áp đặt trừng phạt lẫn nhau, hẳn là Trung Quốc và EU đều đã tính toán kỹ về mức độ thiệt hại.

Việc EU trừng phạt Trung Quốc vì vậy chỉ được xem như để thể hiện sự hợp tác với Mỹ và các quốc gia đồng minh sau khi Mỹ gần đây có những động thái muốn hàn gắn và thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-EU. Không thể phủ nhận trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ luôn là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của châu Âu đồng thời cũng là đồng minh chiến lược quan trọng. Trong khi đó, EU lại là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Trung Quốc cũng là đối tác lớn thứ hai của EU. Đây là một thực tế mà EU dù muốn hay không cũng phải đối mặt để giải quyết khéo léo và xây dựng một chiến lược đi riêng cho mình trong quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Việc “khai tử” hiệp định đầu tư toàn diện Trung Quốc-EU chắc chắn là điều mà cả hai không mong muốn. Vì vậy, một số chính khách châu Âu vẫn bày tỏ mong muốn tách hiệp định đầu tư này ra khỏi những vấn đề chính trị hiện nay giữa Trung Quốc và EU.

Trọng Đức (tổng hợp) - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm