10/03/2021 12:12 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Cũng giống như khoảng 890.000 học sinh khác tại khu vực Mỹ Latinh, trong suốt một năm qua, Brithany, 8 tuổi ở Panama, đã không được tới trường học của mình do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Panama cũng là quốc gia có trung bình số ngày học tiêu chuẩn mà học sinh không thể tới trường học tập trực tiếp cao nhất trên thế giới.
Brithany hiện đang sinh sống cùng người mẹ đơn thân của mình, chị Milena Mendosa. Không được tới trường, Brithany chỉ có thể tham gia các tiết học trực tuyến trên màn hình điện thoại của mẹ nhưng số buổi học của em cũng bập bõm. Vốn đã phải làm cùng lúc 2 công việc, vừa nhận dọn nhà thuê vừa bán hàng dạo ở chợ, để mưu sinh, việc phải lo thêm một khoản tiền thuê bao mạng điện thoại để con được học trực tuyến cũng tạo thêm một gánh nặng cho người mẹ trẻ Mendosa. Việc học trực tuyến của Brithany cũng không được suôn sẻ vì có lúc lớp học nghỉ và có lúc mạng lại bị lỗi, nên em lại phải tìm trò chơi thay vì học.
Ngay cả với những trẻ em may mắn hơn có điều kiện học trực tuyến tốt hơn trên màn hình máy tính được kết nối mạng ổn định thì việc phải ở nhà học từ xa cũng không phải là một lựa chọn vui vẻ.
Tại khu phố San Francisco, ở Panama city, Rafael, 5 tuổi, đang cần mẫn học chữ và học số trên màn hình máy tính nhưng mẹ của em, chị Ana Maria Areiza, lại không khỏi lo lắng con mình sẽ mất đi các kỹ năng xã hội khác khi chỉ quanh quẩn với chiếc máy tính. Chị mong được trở lại những ngày bình thường trước đây, hằng ngày được chứng kiến cậu con trai nhỏ líu lo kể về một ngày học tập ở trường thay vì phải gặp bạn qua màn hình và có những bạn mà cậu bé thậm chí đã quên tên.
Chuyên gia Tâm lý học Enrique Ruidiaz cho rằng trẻ em luôn cần có môi trường giao tiếp để học hỏi về cách hành xử, về văn hóa xung quanh. Việc quanh quẩn trong nhà không chỉ làm gián đoạn việc học mà còn gây ra những vấn đề về hành vi của trẻ.
Không chỉ các em học sinh chịu thiệt thòi, ngay cả những bậc cha mẹ cũng có thêm những nhiệm vụ mới không kém phần thách thức. Cũng giống như hàng triệu cha mẹ khác trên thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia có kết nối internet kém và ít các hình thức trợ giúp xã hội, Mendosa phải vật lộn với hàng đống bài vở cùng con mà với cô áp lực chẳng khác nào làm thêm một công việc nữa.
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Panama bởi theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), các trường học ở 14 quốc gia tới nay vẫn chưa thể hoạt động trở lại sau khi phải đóng cửa từ tháng 3/2020, trong đó 2/3 số trường kể trên nằm ở khu vực Mỹ Latinh và Carribe. Tổng cộng khoảng 16 triệu trẻ em trên thế giới bị gián đoạn việc học hành, trong đó có 98 triệu em ở khu vực Mỹ Latinh.
Tại khu vực này, số ngày học mỗi năm theo lịch tiêu chuẩn là 190 ngày thì năm 2020, các em học sinh đã phải ở nhà tới 158 ngày. Trong số 14 quốc gia kể trên, Panama là quốc gia có số ngày trẻ phải ở nhà cao nhất, tiếp đến là El Salvador, Bangladesh và Bolivia. Ngoài ra, Ecuador hay Peru vẫn chưa thể cho trẻ trở lại trường.
Theo UNICEF, trên toàn cầu, 214 triệu trẻ em (tức là cứ 7 trẻ em trên thế giới thì lại có 1 em) bỏ lỡ mất hơn 3/4 tổng thời gian học tập trên lớp trong năm 2020. Cơ quan này dẫn chứng nghiên cứu cho thấy các trường học không phải là địa điểm có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh và cần được sớm mở cửa trở lại, không chỉ để phục vụ việc học cho các em mà còn là môi trường quan trọng nuôi dưỡng sức khỏe thể chất và tinh thần của các em.
Cũng theo UNICEF, có khoảng 3 triệu trẻ em trên thế giới đang bị tụt lại khá xa tới mức mà các em thậm chí sẽ không còn có thể trở lại trường. Các trường học đóng cửa càng lâu thì khoảng cách này càng xa và nguy cơ thất học với các em càng cao hơn.
Lê Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất