Covid-19 hồi chuông thức tỉnh toàn thế giới

11/03/2021 07:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11/3/2020, hơn 118.000 người đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 4.300 ca tử vong.

WHO khuyến cáo vaccine phòng Covid-19 gây triệu chứng giống cúm

WHO khuyến cáo vaccine phòng Covid-19 gây triệu chứng giống cúm

Ủy ban cố vấn toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo vaccine phòng Covid-19 có thể gây ra một số triệu chứng tương tự như bị cảm cúm.

Chính mối quan ngại sâu sắc về mức độ lây lan nghiêm trọng của virus, cũng như thực trạng đáng báo động của việc nhiều nước không hành động quyết liệt để ngăn chặn loại virus mới này, đã buộc WHO phải gióng lên hồi chuông cảnh báo rõ ràng.         

Vào thời điểm những ca mắc COVID-19 đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Bắc Trung Quốc cuối năm 2019, thế giới mới chỉ ghi nhận đây là một căn bệnh viêm phổi lạ với khả năng lây lan nhanh chóng. Chẳng ai có thể ngờ rằng đây lại là khởi đầu cho một căn bệnh nguy hiểm, bùng phát thành đại dịch và đảo lộn cuộc sống của hàng tỷ người trên toàn cầu.

Nếu đầu tháng 1/2020, số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc chỉ dừng ở mức hơn 100 và không có ca tử vong, thì đầu tháng 3, con số này đã tăng 13 lần chỉ trong 2 tuần, với số quốc gia và vùng lãnh thổ chịu ảnh hưởng đã tăng gấp 3 lên 114. Từ châu Á, chủng virus này đã xuất hiện ở châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ và châu Phi.`    

Chú thích ảnh
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ngay cả khi Italy phải áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có tiền lệ từ ngày 10/3 do tốc độ lây lan khủng khiếp của virus, nhiều nước dường như vẫn không thực sự nhận thức được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Bên kia bờ Đại Tây Dương, lãnh đạo Mỹ, Brazil… vẫn coi căn bệnh này như một dạng cúm mùa, dù từ tháng 1/2020, WHO cũng đã tuyên bố sự bùng phát của chủng virus corona mới là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu”.         

Bên cạnh đó, sự bùng phát bất ngờ của COVID-19, cộng thêm hiểu biết chưa đầy đủ về dịch bệnh đã đẩy nhiều nước vào cảnh lúng túng trongđối phó. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, vào đầu tháng 3/2020, chỉ có 36% số người trưởng thành được hỏi tại Mỹ cho rằng virus SARS-CoV-2 tạo ra mối đe dọa lớn đối với cuộc sống hằng ngày của người dân. Ngay cả việc đeo khẩu trang như một biện phá phòng dịch cũng gây tranh cãi.

Văn hóa đeo khẩu trang được người dân châu Á, khu vực từng trải qua nhiều bệnh dịch liên quan đến đường hô hấp, dễ dàng tiếp nhận. Trong khi đó, ở các nước phương Tây, việc thuyết phục người dân sử dụng khẩu trang là rất khó khăn, thậm chí những người gốc Á đeo khẩu trang ra đường còn bị kỳ thị.            

Đó là chưa kể tình trạng các nước “mạnh ai nấy làm”. Italy từng chỉ trích các quốc gia đối tác trong Liên minh châu Âu (EU) “quay lưng” khi Rome trở thành “tâm dịch” đầu tiên ngoài Trung Quốc và cần hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi Áo hay Slovenia hạn chế công dân từ Italy nhập cảnh, thì Đức và Pháp hạn chế xuất khẩu trang thiết bị y tế bảo hộ, những hành động mà ông Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc (NL) Italy từng ví là “cú vỗ thẳng vào mặt” của EU đối với Rome.

Có thể thấy rằng tuyên bố của WHO coi COVID-19 là đại dịch đã phần nào thức tỉnh toàn thế giới. Nhiều nước vốn thờ ơ đã thực sự bắt tay vào hành động khẩn cấp và quyết liệt hơn, với hàng loạt biện pháp phòng chống dịch, đồng thời khởi động cuộc đua nghiên cứu vaccine và thuốc điều trị nhằm chấm dứt đại dịch sớm nhất có thể. Ngay tại Mỹ, Tổng thống khi đó là ông Donald Trump, người vốn phản đối thực hiện các biện pháp mạnh tay do lo ngại tác động kinh tế, đã thay đổi quan điểm, ra lệnh hạn chế đi lại với châu Âu và chỉ 2 ngày sau đó phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc do số ca tử vong do COVID-19 tăng nhanh chóng.         

Sau khi WHO khuyến cáo việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, chỉ trong 6 tháng, số nước coi đây là quy định bắt buộc đã tăng vọt. Theo nhóm nghiên cứu Masks4All, tính đến giữa tháng 3 năm ngoái, mới có khoảng 10 quốc gia áp dụng chính sách liên quan tới thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang, con số này hiện đã tăng lên 130 nước. Các nghiên cứu cho thấy thái độ của người dân cũng đang thay đổi. Theo báo cáo của tổ chức khoa học uy tín Royal Society của Anh, những quốc gia chưa từng có thói quen đeo khẩu trang hay che mặt nơi công cộng đã thích ứng rất nhanh như Italy (83,4% ủng hộ), Mỹ (65,8%) và Tây Ban Nha (63,8%). Sự thay đổi này xuất phát từ việc người dân các nước ngày càng hiểu và nhận thức rõ hơn về sự nguy hiểm của virus.      

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 5/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Việc các nước áp đặt các biện pháp giãn cách, hạn chế và phong tỏa sau khi WHO tuyên bố đại dịch đã góp phần đẩy lùi tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nhiều nơi. Một nghiên cứu do các nhà khoa học tại Mỹ thực hiện ước tính các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran, Pháp và Mỹ đã ngăn ngừa khoảng 530 triệu ca mắc COVID-19. Sau khi so sánh tốc độ gia tăng ca nhiễm trước và sau khi các quốc gia này triển khai hơn 1.700 chính sách cấp địa phương, vùng và quốc gia để ngăn chặn virus lây lan, các nhà khoa học kết luận nếu không có các chính sách này, tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tăng 68% trong vòng một ngày tại Iran và trung bình 38%/ngày tại 5 nước còn lại.         

Một thay đổi khác sau khi WHO tuyên bố đại dịch chính là việc các nước đẩy mạnh hợp tác, chung tay chống “kẻ thù chung” cả ở cấp song phương lẫn đa phương. Tiến sĩ Nathalie MacDermott ở Viện Nghiên cứu Y khoa quốc gia thuộc trường King’s College London (Anh) cho rằng chính việc WHO “thay đổi về thuật ngữ”, từ gọi là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” sang “đại dịch” đã nêu bật tầm quan trọng của các quốc gia trên thế giới trong việc phối hợp một cách cởi mở với nước khác và tạo ra một mặt trận thống nhất trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Nói cách khác, với tuyên bố COVID-19 là đại dịch, WHO đã huy động cả thế giới chung tay góp sức vào cuộc chiến chống COVID-19.             

Tại Việt Nam, không phải đợi đến lúc WHO tuyên bố đại dịch, ngay từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên vào cuối tháng 1/2020, chính phủ đã có các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, triệt để, toàn diện, chủ động, giúp chặn đứng hiệu quả nhiều đợt bùng phát dịch và được quốc tế đánh giá cao.

Thời điểm tháng 3/2020, WHO đã ghi nhận hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cho biết cộng đồng quốc tế mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh. Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra cũng khẳng định, LHQ đã sử dụng kinh nghiệm giai đoạn đầu của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.         

Việc một loạt quốc gia kiềm chế được tốc độ lây lan dịch hồi mùa Hè năm ngoái là minh chứng cho hiệu quả của những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mà các nước áp dụng sau khi WHO tuyên bố đại dịch. Tuy nhiên, suốt 1 năm qua, WHO cũng liên tục phát đi những hồi chuông khuyến cáo để các nước không lơ là, mất cảnh giác.  Thực tế các đợt tái bùng phát dịch ở Nhật Bản, Hàn Quốc, làn sóng dịch thứ ba đang hoành hành ở châu Âu hay “sự cố cộng đồng ngày 20/2” ở Campuchia… đang cho đại dịch vẫn diễn biến khó lường, dù chiến dịch tiêm chủng vaccine trên thế giới đã đạt những tiến triển đáng kể.       

Nhờ sự phối hợp hiệu quả của hàng trăm công ty dược phẩm và trung tâm nghiên cứu trên toàn cầu, cùng các khoản tài trợ từ chính phủ và các nhà hảo tâm, những nỗ lực chạy đua với thời gian để phát triển vaccine ngừa COVID-19 cuối cùng đã được đền đáp. Nếu vào tháng 3/2020, công ty dược Moderna (Mỹ) mới chỉ bắt đầu tuyển chọn những người đầu tiên tham gia thử nghiệm vaccine, thì đến tháng 8 cùng năm, Nga đã đăng ký vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik V. Lần lượt sau đó các quốc gia cũng đã phê duyệt sử dụng nhiều loại vaccine để nhanh chóng tiêm chủng cho người dân.

Vaccine COVID-19 phổ biến nhất thế giới hiện nay là vaccine của hãng AstraZeneca với 49 quốc gia đã cấp phép sử dụng. Xếp thứ ba sau Sputnik V là vaccine của hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) với 43 quốc gia đã cấp phép. Tiếp theo là vaccine của Moderna, 3 loại vaccine của Trung Quốc Sinopharm, Sinovac và CanSino cùng sản phẩm của Johnson&Johnson.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: PAP/TTXVN

Các chiến dịch tiêm chủng vaccine đại trà đã và đang được nhiều nước triển khai, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái. Dựa theo báo cáo của các chính phủ và giới chuyên gia, ước tính, trên toàn thế giới có hơn 301,4 triệu người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Con số này bằng khoảng 3,8% dân số toàn cầu và cao hơn 2,5 lần so với số ca mắc COVID-19. Để đảm bảo việc phân phối vaccine đồng đều cho các nước có thu nhập thấp, WHO đã khởi xướng chương trình COVAX với mục tiêu đến cuối tháng 5, có thể cung cấp 237 triệu liều vaccine cho 142 quốc gia tham gia....         

Dù vaccine đã mở ra hy vọng, song sự xuất hiện của những biến thể mới phát hiện tại Anh, Brazil, Nam Phi… với khả năng lây nhiễm cao hơn khiến mục tiêu miễn dịch cộng đồng phải đối mặt với rào cản lớn. Khả năng các vaccine đang lưu hành có thể chống lại những biến thế mới hay không vẫn là vấn đề chưa rõ ràng.

Theo nghiên cứu của Đại học Washington (Mỹ) công bố đầu tháng này, cả 3 biến thể mới nêu trên đều có thể "lẩn tránh" các kháng thể được tạo ra để chống lại dạng ban đầu của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới trên tạp chí Y khoa New England, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech có khả năng vô hiệu hóa biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan tại Brazil. Trong những nghiên cứu trước đó, Pfizer từng phát hiện vaccine của hãng cũng có khả năng vô hiệu hóa cả biến thể của SARS-CoV-2 tại Anh và Nam Phi, mặc dù biến thể tại Nam Phi có thể làm giảm kháng thể bảo vệ do vaccine tạo ra.         

Đúng 1 năm sau ngày WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, thế giới đã ghi nhận hơn 118 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó hơn 2,6 triệu ca tử vong. Khoảng 94 triệu người đã được điều trị khỏi bệnh, song những đợt tái bùng phát dịch tại nhiều nơi khiến WHO cảnh báo  đại dịch COVID-19 chưa thể kết thúc trong năm 2021.           

Đơn cử như tại Brazil, quốc gia hiện đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm, vừa trải qua ngày có số bệnh nhân COVID-19 tử vong cao nhất từ trước đến nay (1.972 ca). Trong làn sóng dịch bệnh mới này, có tới 25 trong tổng số 27 thành phố thủ phủ của Brazil đang phải đối mặt với tình trạng thảm họa y tế khi số giường điều trị bệnh nhân nguy kịch luôn chiếm tới hơn 80%.         

Trong bối cảnh đó, WHO lại tiếp tục gióng lên hồi chuông thức tỉnh, rằng năm thứ hai của đại dịch sẽ khó khăn hơn. Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng ngoài tiêm phòng, việc duy trì số ca nhiễm mới ở mức thấp sẽ là mấu chốt giúp cả thế giới sớm trở lại cuộc sống bình thường. Điều này đòi hỏi mỗi cá nhân tuân thủ biện pháp chống dịch, chấp nhận thích nghi với trạng thái bình thường mới. Quan trọng hơn, COVID-19 là đại dịch toàn cầu, có nghĩa đây không phải là cuộc chiến đơn lẻ của bất kỳ quốc gia nào.

Đặng Ánh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm