Bài toán hồi hương công dân nhập IS hóc búa với liên minh quốc tế chống IS

16/11/2019 09:47 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc họp cấp ngoại trưởng của liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng diễn ra tại Washington, Mỹ ngày 14-11 nhằm tìm kiếm bước đi tiếp theo sau những diễn biến mới liên quan tới cuộc chiến này tại Syria cũng như xử lý vấn đề hồi hương công dân gia nhập IS.

Tòa án ra Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định về tội khủng bố và tài trợ khủng bố

Tòa án ra Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định về tội khủng bố và tài trợ khủng bố

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 07/2019/NQ- HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 299 và Điều 300 của Bộ luật Hình sự 2015 về tội khủng bố và tài trợ khủng bố. Nghị quyết gồm 6 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2019.

Tuy nhiên, việc Mỹ và châu Âu bất đồng về hồi hương các tay súng IS ở Trung Đông khiến vấn đề này vẫn là thách thức với liên minh quốc tế chống IS trong thời gian tới.

Những thách thức về việc hồi hương công dân châu Âu gia nhập IS   

Việc xử lý những tay súng là công dân châu Âu từng tham gia các tổ chức khủng bố ở nước ngoài đang trở thành vấn đề thách thức với các nước châu Âu. Vấn đề càng trở nên cấp bách hơn khi cuộc chiến chống IS tại Syria đã đi đến hồi kết khi hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS tại Syria đã sụp đổ và Mỹ sẽ rút quân đội khỏi miền Bắc Syria. Đặc biệt là việc Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố các lực lượng đặc nhiệm Mỹ trong đêm 26-10 đã tiêu diệt được thủ lĩnh của tổ chức IS Abu Bakr al-Baghdadi ở miền Tây Bắc Syria.   

Sau những tuyên bố này, Tổng thống Mỹ Trump đã đề nghị các nước châu Âu tiếp nhận và xét xử hàng trăm tay súng là công dân châu Âu tham gia IS và bị quân đội Mỹ bắt giữ tại Syria. Lực lượng người Kurd tại Syria cũng tuyên bố không đủ nguồn lực để giam giữ vô thời hạn các tay súng nước ngoài. Vấn đề hóc búa này là nguyên nhân dẫn đến một cuộc tranh luận gay gắt ở châu Âu.  

Chú thích ảnh
Phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các thành viên IS tại trại tị nạn al-Hol ở đông bắc Syria ngày 17/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

 Pháp luôn giữ quan điểm cứng rắn rằng, các công dân của nước này, nếu đã tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq, phải bị xét xử tại nước họ phạm tội. Bộ Tư pháp Pháp khẳng định, Paris sẽ không chịu nhượng bộ trước bất kỳ sức ép nào và sẽ duy trì chính sách cho phép hồi hương đối với từng trường hợp cụ thể. Bộ trưởng Nội vụ Pháp mới đây khẳng định, Pháp sẽ không hồi hương các công dân gia nhập IS tại Syria. Chính phủ Đức cũng vừa phê chuẩn một dự luật sửa đổi cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với những người mang hai quốc tịch, nếu như họ từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Đức nhấn mạnh, những người ra nước ngoài tham gia các tổ chức khủng bố đã quay lưng lại với Chính phủ, người dân và các giá trị cơ bản của Đức. Bộ Ngoại giao Đức khẳng định, sẽ “vô cùng khó khăn” khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS tại Syria.   

Trong khi đó, Bộ Nhập cư Đan Mạch thông báo, trẻ em sinh ra ở nước ngoài, là con của công dân Đan Mạch tham chiến cho IS sẽ không được nhập quốc tịch Đan Mạch. Bộ trưởng Nhập cư Đan Mạch nhấn mạnh: “Bố mẹ của những trẻ em này quay lưng với Đan Mạch, do đó không có lý do gì để những trẻ em này trở thành công dân của Đan Mạch”.   

Các quốc gia châu Âu khác như Anh, Áo cũng kiên quyết phản đối việc tiếp nhận lại công dân đã từng tham chiến cho IS tại Syria, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi tiếp nhận và đưa các đối tượng này ra xét xử.   

Các nhà phân tích cho rằng, những năm qua châu Âu đã gánh chịu nhiều vụ tiến công khủng bố. Vì vậy, việc các nước trong khu vực không mặn mà với việc tiếp nhận thêm những đối tượng từng đứng trong hàng ngũ khủng bố, là điều dễ hiểu. Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại, những đối tượng này nếu trở về có thể đe dọa nền an ninh của “lục địa già”, nhất là trong bối cảnh châu Âu vẫn bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố từ tàn quân IS.

Tờ Thời báo Chủ nhật (Anh) mới đây thông tin về việc IS đang âm mưu thực hiện các vụ khủng bố trên khắp châu Âu. Theo tờ báo trên, kế hoạch này nằm trong những tài liệu được tìm thấy trong ổ cứng máy tính mà một thành viên IS đánh rơi khi chiến đấu tại thành trì cuối cùng ở Syria. Những tài liệu này đề cập chi tiết cách thức mà IS tiếp tục sử dụng để điều hành các mạng lưới quốc tế, vận chuyển thành viên qua biên giới, lên kế hoạch cướp ngân hàng, đâm xe, ám sát và tấn công mạng. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) cũng cho biết, gần 1.500 đối tượng khủng bố từng hoạt động tại Trung Đông, đã có mặt ở châu Âu. FBS cảnh báo, mặc dù bị tổn thất nặng nề tại Syria và Iraq, các tổ chức khủng bố như IS, Al Qeada và những nhóm vũ trang có mối quan hệ với các nhóm này vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với châu Âu.  

Cuộc chiến chống khủng bố ngay trong lòng châu Âu hiện vẫn là thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo khu vực. Hơn nữa, chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã làm gia tăng lo ngại những tay súng này sẽ lợi dụng tình hình để trốn thoát. Trong bối cảnh đó, việc hồi hương công dân từng tham chiến cho các tổ chức khủng bố tại nước ngoài là vấn đề gây tranh cãi cũng như đặt ra thách thức lớn không chỉ đối với châu Âu, mà cả các nước đang giam giữ các tay súng khủng bố.

Chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu   

Cuộc họp khẩn cấp ngoại trưởng của liên minh quốc tế chống tổ chức khủng bố IS diễn ra tại Washington, Mỹ ngày 14-11 do Pháp đề xuất là cuộc họp lần đầu tiên của liên minh này. Ngoài việc tìm kiếm bước đi tiếp theo sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria cùng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria, hội nghị cũng được cho là cơ hội để các nước trong liên minh chống IS tìm ra giải pháp cho vấn đề hồi hương các tay súng IS ở Trung Đông.   

Tại cuộc họp, các ngoại trưởng của liên minh quốc tế chống IS đã thảo luận về các bước đi tiếp theo sau  khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria.        

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẽ tiếp tục dẫn dắt liên minh chống IS. Mặc dù đề cập rất ít đến tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria, song ông Pompeo cho biết, các lực lượng Mỹ quyết tâm “đảm bảo chắc chắn rằng IS sẽ không bao giờ có thể khôi phục hoạt động”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ cũng đề cập đến lo ngại ngày càng lớn về mối đe dọa IS ở bên ngoài Iraq và Syria, đồng thời cho rằng liên minh cần phải tập trung vào 2 khu vực Tây Phi và Sahel.       

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho hay khoảng 10.000 tù nhân IS cùng gia đình đang bị giam giữ tại các trại giam gần Đông Bắc Syria, đồng thời cảnh báo đây là "một quả bom hẹn giờ" khi phần lớn trong số 10.000 tù nhân là các tay súng nước ngoài. Do vậy, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã gây sức ép buộc các đồng minh châu Âu đưa ra nhiều cam kết hơn đối với  hoạt động tài trợ cho các chương trình ổn định ở Syria, đồng thời hồi hương công dân của các nước này từng gia nhập IS.  

 Tuy nhiên, đại diện của hơn 30 nước đã thể hiện sự bất đồng trong vấn đề hồi hương các tay súng nước ngoài đang bị giam giữ ở Syria và Iraq sau khi liên minh chống IS tuyên bố "xóa sổ" nhóm khủng bố này tại Trung Đông.        

Phát biểu họp báo, Điều phối viên về vấn đề chống khủng bố của Bộ Ngoại giao Mỹ Nathan Sales cho hay “Đã có bất đồng ý kiến về cách giải quyết tốt nhất vấn đề này". Ông nhấn mạnh việc yêu cầu Iraq gánh thêm trách nhiệm đối với các tay súng nước ngoài, đặc biệt từ châu Âu, là không thích hợp. Theo quan chức Mỹ, sẽ là vô trách nhiệm nếu quốc gia nào yêu cầu Iraq giải quyết vấn đề tù nhân IS thay cho mình. Ông cũng cho rằng đề xuất của các nước châu Âu về việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các tù binh IS sẽ tiêu tốn tiền của và có thể không hiệu quả bằng các tòa án tại những nước sở tại. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ về Syria Jim Jeffrey hối thúc các nước nhận thức khẩn cấp về việc hồi hương các tù nhân, đồng thời cảnh báo tình hình tại Syria có thể tác động đến an ninh tại các trung tâm giam giữ chiến bình IS do lực lượng người Kurd kiểm soát.      

Tuyên bố của ông Sales dường như muốn ám chỉ Pháp, nước đã bắt đầu các cuộc thương lượng với Iraq về việc xét xử các tù binh Pháp ngay tại quốc gia Trung Đông này. Không chỉ có Pháp, Anh cũng không muốn hồi hương các phần tử có tư tưởng cực đoan. Các nước châu Âu lo ngại việc xét xử các công dân tham gia thánh chiến ngay tại những nước này sẽ gây ra phản ứng trong xã hội, trong khi quá trình thu thập chứng cứ chống lại phần tử trên  rất khó khăn, chưa kể nguy cơ gia tăng các cuộc tấn công khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu.      

Có thể thấy, liên tiếp những bước đi “ngược chiều” của Mỹ khi tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc và chiến dịch quân sự mới đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở Đông Bắc Syria đã đặt liên minh chống IS trước thử thách chưa từng có về sự đoàn kết. Và việc Mỹ và châu Âu bất đồng về vấn đề hồi hương các tay súng IS đang bị giam giữ ở Trung Đông  tại hội nghị ngoại trưởng liên minh quốc tế chống IS đã chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc giữa Mỹ và Liên minh châu Âu. Sự chia rẽ này sẽ tiếp tục đặt ra bài toán hóc búa với liên minh quốc tế về hồi hương công dân gia nhập IS.

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm