Bài học từ Trung Quốc về câu chuyện chi phí điều trị COVID-19

12/03/2020 16:55 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo South China Morning Post, các chính phủ trên thế giới cần tính đến việc thanh toán xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 bởi điều này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả phòng chống dịch.

Dịch COVID-19: Những bài học kiểm soát dịch bệnh từ Trung Quốc

Dịch COVID-19: Những bài học kiểm soát dịch bệnh từ Trung Quốc

Trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, đến nay Trung Quốc đại lục vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong luôn cao nhất thế giới.

Cho đến nay, có thể thấy dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 đang có dấu hiệu lắng xuống tại điểm khởi nguồn là Trung Quốc, bắt đầu chuyển sang "tấn công" mạnh mẽ tại châu Âu.

Tuy nhiên, ngoài câu chuyện tốc độ lây lan dịch bệnh, một vấn đề khác đang nhận được rất nhiều sự quan tâm là chi phí xét nghiệm và điều trị cho bệnh nhân.

Theo tờ South China Morning Post, hiện vẫn đang có những tranh cãi về việc chính phủ hay người dân nên là bên phải thanh toán các chi phí liên quan đến xét nghiệm và chữa trị cho bệnh nhân COVID-19. Nhiều ý kiến cho rằng chính phủ các nước nên rút kinh nghiệm từ Trung Quốc và sẵn sàng "móc hầu bao", bởi điều này sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch.

Theo đó, nếu chính phủ không chi trả chi phí chữa bệnh, nhiều người dân có thể ngần ngại trả tiền đi xét nghiệm hoặc vào bệnh viện chữa bệnh, đặc biệt là với tầng lớp có thu nhập thấp. Theo số liệu từ các bệnh viện ở Trung Quốc, chi phí cho một lần xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ở nước này rơi vào khoảng 370 Nhân dân tệ (khoảng 1,2 triệu đồng).

Tại thành phố Thâm Quyến, chi phí điều trị cho một bệnh nhân mắc COVID-19 có thể dao động từ 5.600 tệ (khoảng 18,5 triệu đồng) đến 23.000 tệ (khoảng 76,5 triệu đồng). Các ca bệnh phải áp dụng những phương pháp điều trị phức tạp như hỗ trợ phổi nhân tạo (ECMO) đều có chi phí rất đắt đỏ.

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế tại bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty

Cho đến nay, toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Trung Quốc đều do chính phủ nước này chi trả. Các khoản chi phí điều trị, tiền hỗ trợ cho các nhân viên y tế và tiền mua sắm trang thiết bị đã tiêu tốn của chính phủ Trung Quốc khoảng 110.48 tỷ Nhân dân tệ. Đây là một gánh nặng không nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc, song xét trên tình hình dịch bệnh đang có phần lắng xuống tại nước này thì dường như cách giải quyết của Bắc Kinh đã có hiệu quả.

Trong khi đó tại Mỹ, nước đã ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm SARS-CoV-2 và hơn 30 ca tử vong, người dân đang ngày càng tỏ ra bất bình về vấn đề chi phí. Mới đây, cộng đồng mạng đã xôn xao về vụ việc một gia đình người Mỹ được chính phủ sơ tán về nước từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) để tiến hành cách ly. Dù sau đó có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, nhưng gia đình này lại tiếp tục "đổ bệnh" khi nhận được hóa đơn về chi phí xét nghiệm và cách ly lên đến gần 4.000 USD.

Chính phủ Mỹ không tính phí xét nghiệm tại một số cơ sở được chỉ định trước, song nhiều trường hợp đã phải trả một khoản chi phí không nhỏ để di chuyển đến những cơ sở này (có trường hợp mất đến hơn 3.200 USD tiền đi lại). Bên cạnh đó, việc thanh toán chi phí xét nghiệm và cách ly cho người dân Mỹ còn liên quan đến chế độ bảo hiểm của họ.

Theo chuyên gia Dirk Pfeiffer tại Đại học CityU (Hong Kong), việc thanh toán chi phí sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Chuyên gia này giải thích: "Rõ ràng khi người dân phải trả tiền để chăm sóc sức khỏe, những người dân ở tầng lớp thu nhập thấp sẽ ngần ngại đến cơ sở y tế để chữa trị, kể cả những người đã có triệu chứng bệnh nặng. Điều này sẽ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng".

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm