Bà Carla Bruni nhất định không chịu sống trong Điện Elysee

05/02/2009 11:03 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Phát biểu với báo Le Parisien, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cho biết ít ngày trước lễ kỷ niệm tròn một năm ngày cưới, ông đã chuyển đến sinh sống cùng với Đệ nhất phu nhân Carla Bruni ở quận 16 (Paris). Đơn giản là vì cho đến nay bà Carla Bruni vẫn không chịu đến sống tại Điện Elysee. Vì sao?

Chỉ có một điều không thuận ý

Hôm thứ 2 vừa rồi Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và nữ ca sĩ Carla Bruni đã kỷ niệm “lễ cưới giấy” (tròn 1 năm ngày cưới) và dĩ nhiên không có yến tiệc tưng bừng gì cả. Cách đây một năm, ngày 2/2/2008, hai người chính thức thành hôn trong một lễ cưới khá kín đáo được tổ chức ngay tại Điện Elysee. Hôm ấy là một ngày thứ Bẩy nắng ấm, Quận trưởng của Quận 8, nơi dinh tổng thống tọa lạc, đã thực hiện các nghi thức kết hôn cho hai người trong một buổi chỉ có khoảng 20 người họ hàng và bạn bè thân thiết nhất tham dự “Cô dâu mặc đồ trắng, rất xinh”, đó là tiết lộ duy nhất của ông sau đám cưới. Có thể nhờ tính kiệm lời đó mà chẳng mấy lâu sau ông quận trưởng được tặng Bắc Đẩu bội tinh.
 
Vợ chồng Tổng thống Sarkozy

Nhìn lại một năm ngày cưới, ông Sarkozy cho biết trong một chừng mực nào đó, người vợ xinh đẹp của ông đã có ảnh hưởng tới các quyết định của ông.

"Những điều cô ấy góp ý rất quan trọng với tôi. Quan điểm của cô ấy ảnh hưởng tới suy nghĩ và quyết định của tôi", ông Sarkozy nói với tạp chí Le Point. Về cuộc sống gia đình, ông Sarkozy tiết lộ: “Thực sự tôi không có gì phải phàn nàn. Carla rất tuyệt”.

Có lẽ chỉ có một điều duy nhất diễn ra không thuận với ý ông: Hai người đã kết hôn được 1 năm, nhưng sổ đăng ký hộ khẩu của họ vẫn tách, vì nhà bà Bruni ở quận 16 vì - như đã đề cập ở trên - bà nhất định không chịu đến trong Điện Elysee.

Cuộc sống “bình dân hóa”

Điện Elysee được dùng làm dinh của Tổng thống Cộng hòa Pháp từ 1848 theo nghị quyết của Quốc hội Đệ nhị Cộng hòa Pháp. Thời Tổng thống Charles de Gaulle đã toan chuyển nhiệm sở của nguyên thủ Pháp ra lâu đài Vincennes hay Invalides cho rộng rãi, nơi có bãi đỗ trực thăng. Về sau tổng thống Valery Giscard d'Estaing muốn chuyển tới Ecole Militaire (Trường Nhà binh), và François Mitterrand cũng ngấp nghé muốn về Invalides. Nhưng mọi dự định nói trên đều không thành vì đủ mọi lý do khác nhau.

Hôm nay ông Sarkozy vẫn làm việc ở đó, nhưng vì chiều người vợ trẻ mà ông phải chuyển nhà. Kể từ ngày 1/1/2009 vợ chồng ông chính thức có tên trong danh sách cử tri của quận 16 và chỉ ít ngày trước “lễ cưới giấy” nêu trên ông đã dọn về đó ở.

Vậy là bà Carla Bruni-Sarkozy sau một năm chung sống với tổng thống một lần nữa đã chứng minh được sự độc lập của mình, và nghe chừng cũng được ông ủng hộ. “Tối nào chúng tôi cũng ở nhà, chúng tôi có một cuộc sống rất êm ả”, tổng thống nhấn mạnh với tờ Le Parisien.

Cho đến nay cuộc sống riêng của họ đã ít bị báo chí săm soi hơn. Thì giờ của bà Carla Bruni dành nhiều cho âm nhạc (2 đĩa CD cho đến nay) và công việc từ thiện trong một tổ chức hỗ trợ bệnh nhân Aids. Các phương tiện truyền thông nay chỉ đợi họ có một đứa con chung, như bà Bruni thổ lộ trong một chuyến công du Nam Phi. Trong lĩnh vực chính trị, đệ nhất phu nhân cũng lui vào hậu trường. Chỉ có một lần bà được tổng thống cử đến đàm đạo với Đạt Lai Lạt Ma mà ông muốn tránh vì ngại mất lòng Trung Quốc.

Không thích làm “bà tổng thống”

Carla Bruni không muốn vào Điện Elysee đơn giản vì bà không thích làm “bà tổng thống”, cho dù với tư cách là bà chủ Điện Elysee, bà sẽ nắm trong tay một đội quân lễ tân, thư ký, trợ lý... hùng hậu. Bà vẫn muốn theo niềm đam mê riêng của mình, đó là âm nhạc. Ngay sau lễ cưới, bà đã nói rõ điều đó, bất chấp việc nhiều người Pháp muốn bà từ bỏ âm nhạc để tập trung vào vai trò Đệ nhất phu nhân. Và tất nhiên ông Sarkozy cũng đã chấp thuận. Vậy là bà trở thành đệ nhất phu nhân đầu tiên của nước Pháp làm ca sĩ. 
 
Có thể coi Carla Bruni luôn là Đệ nhất phu nhân
xinh đẹp nhất thế giới hiện nay

“Quan điểm chính trị của tôi thiên về phái tả, nhưng tôi không muốn nhấn mạnh điểm đó để khiêu khích”, bà Bruni giải thích hơn một lần sự khác biệt chính kiến với chồng. Thậm chí có lần bà nói nếu được đi bầu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2007, thì bà đã không bỏ phiếu cho ông Sarkozy, mà bầu cho ứng cử viên của đảng Xã hội. Hồi năm  2007 bà Bruni sốngở Pháp, nhưng vẫn mang quốc tịch Italia. Khác với phu nhân nhiều nguyên thủ, bà không dấu giếm quan điểm của mình.

Và giờ đây cuộc chuyển nhà của Tổng thống Sarkozy lại một lần nữa cho thấy, bà Carla Bruni muốn giữ sự độc lập của mình. Bà Bruni cũng có lần tỏ ý sẽ đến thăm một trong những quận ngoại ô của Paris có nhiều vấn đề xã hội, nơi ông Sarkozy thời còn làm bộ trưởng nội vụ vẫn muốn cứng rắn “tổng vệ sinh bằng vòi rồng”.

Giới bình luận viên chính trị Pháp khen ngợi yếu tố này, gọi đùa hai ông bà Sarkozy là “thượng đỉnh G2” một cách đầy thiện ý.

Thậm chí mới đây nhà làm phim tài liệu Anh George Scott được phép lui tới nhà riêng và nhà vườn của ông bà Sarkozy, vào cả điện Elysee mấy tháng trời để làm một bộ phim tư liệu về bà Carla Bruni. Cũng là một cú phá bỏ kị húy ngoạn mục, như giờ đây Tổng thống Pháp không còn sống trong Điện Elysee.
 
Đức Lê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm