Thế giới suýt bị hủy diệt trong tích tắc: Vị cứu tinh bị lãng quên

26/02/2013 08:47 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 9/1983, khi chiếc phi cơ dân dụng số 007 của Korean Airlines với 269 hành khách bay lạc vào vùng trời Liên Xô, bộ chỉ huy ở Moskva không lưỡng lự một phút trước khi ra lệnh bắn hạ. May mắn thay, một Thế Chiến II với hậu quả khôn lường đã không bao giờ bùng nổ - đôi khi chỉ nhờ một sự tình cờ.

Thế giới ở phút sắp lụi tàn

Đôi khi cựu binh Stanislav Petrov choàng dậy giữa một cơn ác mộng đã nhiều lần lặp đi lặp lại: trung tâm cảnh báo sớm của hệ thống phòng không Liên Xô nổi còi báo tên lửa Mỹ vừa rời bệ phóng.

Không cần nhiều kiến thức quân sự người ta cũng biết rằng vũ khí trên hành tinh mong manh này đủ sức hủy diệt nhiều lần toàn bộ sự sống trên Trái đất. Bất kể bên nào khai hỏa ở bất cứ điểm nào, phía đối phương sẽ có ngay một loạt phương án đáp trả khốc liệt hơn. Theo đúng kế hoạch tác chiến, đại tá Petrov có một vài phút để báo tin cho cấp trên; bây giờ nhìn lại, có lẽ đó là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Hôm nay cựu sĩ quan phòng không Stanislav Petrov đã là một cụ già 70 tuổi yên bề hưu trí. Đôi khi cụ lại đem bộ quân phục màu lam trĩu nặng huân chương ra ngắm nghía, và mọi việc tựa như mới diễn ra ngày hôm qua. Đó là một ngày của năm 1983, khi Chiến tranh lạnh đang đi đến cao điểm. Từ giữa thập kỷ 1970 quân đội Liên Xô có trong tay hơn 400 tên lửa SS-20 tối tân. Hai phần ba số vũ khí đó, quen được nhắc đến với tên gọi “Nỗi kinh hoàng của châu Âu“, hướng mũi về London, Paris và Bonn. Mỗi đầu đạn có sức công phá như một triệu tấn thuốc nổ Trinitrotoluene, nôm na là gấp 50 lần quả bom nguyên tử Fat Man ném xuống Nagasaki hồi cuối Đệ nhị thế chiến. Đó là kiến thức lý thuyết mà đại tá Petrov thuộc lòng trong đầu. Và trong cuộc chiến mô hình ấy, ai bấm nút nhanh hơn, người đó chiến thắng - một logic đơn giản của Chiến tranh lạnh.


Cựu sĩ quan phòng không Stanislav Petrov giờ đã là một cụ già 70 tuổi yên bề hưu trí

Moskva luôn trong tình trạng báo động

Câu trả lời của phương Tây đối với SS-20 là một rừng tên lửa Pershing II rải rác toàn châu lục. Ngày ấy Ronald Reagan nắm trong tay toàn bộ quyền bính và ông ta không có kỳ vọng nào khác, ngoài cách tiêu diệt nền kinh tế Liên Xô qua chạy đua vũ trang.

Từng phút một, Moskva dự tính đến cuộc tấn công bất ngờ từ Mỹ. Nguyên thủ Yuri Andropov hồi còn lãnh đạo KGB đã phác thảo dự án RYAN nhằm theo dõi từng phút nhất cử nhất động tại các tổng hành dinh của Tây Âu, mỗi công chức cao cấp làm thêm giờ, mỗi cửa sổ văn phòng sáng đèn vào lúc tối muộn, hay đơn giản một lượng thư từ tăng đột xuất ở  bưu điện hoặc mở rộng kho lương thực đều được coi là động thái chuẩn bị chiến tranh và được dịch nghĩa thành dấu hiệu báo động.

Ngày 25/9/1983 Petrov bắt đầu ca trực lúc 20 giờ ở căn cứ Serpukhov-15, cách Moskva 90 km về phía Nam, dĩ nhiên không có tên trên bản đồ dân số. Ngay đến vợ ông, Raissa Petrova, và hai con cũng không biết nơi ông làm việc. Đây là nơi đặt hệ thống cảnh báo sớm Oko với mạng lưới vệ tinh do thám. Thực ra Petrov là kỹ sư, hàm đại tá của ông chỉ được nhắc đến khi tính lương. “Thế giới nên biết ơn vì hôm đó tôi trực ban, chứ không phải một sĩ quan chuyên nghiệp”, Petrov hồi tưởng. Một sĩ quan chuyên nghiệp có lẽ sẽ phản ứng răm rắp theo đúng mệnh lệnh, và Trái đất không còn khuôn mặt như hôm nay. Là chuyên gia dân sự, Petrov tin vào cảm nhận của mình hơn.

Tác dụng của hệ thống Oko ngày ấy khá hạn chế. Các vệ tinh có khả năng báo một cuộc tấn công hạt nhân sớm hơn 10 phút so với kỹ thuật radar kinh điển, nhưng không thể chặn phá các tên lửa của đối phương. Nhiệm vụ của Oko chỉ là tạo đủ thời gian để phát hỏa hệ thống SS-20 giáng trả càng sớm càng tốt. Hàng triệu mạng người bên phía đối phương sẽ bị xóa sổ vài phút sớm hơn.

Đôi khi cựu đại tá phòng không lại đem bộ quân phục trĩu nặng huân chương ra ngắm nghía

“Khôn hơn máy tính”

Petrov là người lập trình máy tính và thảo ra cẩm nang sử dụng Oko, công việc mà ông từng mơ ước khi vào đại học. Nhưng ngày 26/9 vừa chớm bắt đầu thì mơ ước đó thành ác mộng. Còi báo động nổi lên và trên màn hình máy tính hiện ra hàng chữ đỏ START - Oko phát hiện ra một chiếc tên lửa vừa rời bệ phóng trên đất Mỹ. Vệ tinh thám thính Kosmos 1382, từ một trong năm quần đảo trên không trung, thông báo cuộc hủy diệt bắt đầu. Theo tính toán, 25 phút sau đầu đạn hạt nhân sẽ chạm đất Liên Xô.

Trong trung tâm Serpukhov- 15 mọi người nhảy dựng lên, 200 cặp mắt hướng về đại tá Petrov.

Một cuộc tấn công từ Mỹ không chỉ tiềm tàng trên lý thuyết, mà vào thời điểm đó nằm trong dự tính khá chắc chắn của Liên Xô. Tình báo của họ cho biết đầu tháng 11 Nato sẽ khai màn cuộc tập trận “Able Archer 83“ với vũ khí hạt nhân mô phỏng.

Nhưng Petrov hét: “Tất cả ngồi xuống! Tiếp tục làm việc!”. Ông không nghĩ đến tính mạng hàng triệu nạn nhân, cũng không nghĩ đến gia đình, mà trong đầu ông vơ vẩn ý tưởng về... một cái thìa! “Không ai lấy cái thìa để múc nước từ một xô đầy ra cả, hay nói cách khác, Hoa Kỳ không thể tấn công Liên Xô bằng một tên lửa đơn độc!”, Petrov tự nhủ. Một cuộc tấn công hủy diệt phải bắt đầu bằng hàng trăm tên lửa cùng lúc. Ông nhấc máy báo cho Bộ tư lệnh: “Báo động nhầm!”. Đúng lúc đó vệ tinh Kosmos 1382 báo qua computer có một tên lửa khai hỏa tiếp theo, sau một phút thêm ba tên lửa nữa. Lại một lần nữa Petrov giữ bình tĩnh: “Con người khôn hơn máy tính, từ từ đã”.

Chưa bao giờ thế giới đứng kề vực thẳm hạt nhân như đêm hôm đó. Bruce Blair, Giám đốc Viện An ninh thế giới World Security Institute của Mỹ nói: “Nếu Yuri Andropov nhận được tin báo động và phải quyết định ngay trong vài phút, tôi tin là ông ta sẽ ấn nút đỏ. Rồi một thảm họa sẽ bắt đầu với đòn phản công của Mỹ“. Theo tính toán của Hugh Middleton, một chuyên gia từ Cambridge, quyết định của Petrov đã ngăn ngừa một cuộc chiến với 750 triệu người chết và 340 triệu người bị thương.

Cứu tinh Stanislav Petrov hành xử đúng: một đám mây hy hữu phản chiếu tia nắng đã đánh lừa vệ tinh Kosmos 1382. Nhưng thay vì một phần thưởng cao quý, ông bị phạt vì... quên ghi lại sự kiện đó vào sổ trực.

Lời cảm ơn đến muộn hơn một chút, trớ trêu thay, từ tay các kẻ thù cũ: khi sự việc được tiết lộ, một phụ nữ Anh gửi cho ông nửa ký cà phê, một người Mỹ tặng phiếu học khóa tiếng Anh miễn phí, và minh tinh màn bạc Kevin Costner chuyển qua bưu điện tặng ông 500 USD.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm