Thế giới lấp lánh trên giấy điệp của Mifa

14/03/2022 08:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mifa tên thật là Lê Vũ Anh Nhi, sinh năm 1990, từng theo học kiến trúc tại TP.HCM và hiện là nghệ sĩ thị giác sống và làm việc ở Đà Nẵng. Cô vừa ra mắt công chúng yêu nghệ thuật với triển lãm đầu tay mang tên Điệp - Sparkling of scallop paper tại Mơ Art Space (136 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm sẽ kéo dài đến hết 8/4.

Tranh Đông Hồ bao giờ 'sáng bừng trên giấy điệp'?

Tranh Đông Hồ bao giờ 'sáng bừng trên giấy điệp'?

Theo những thông tin mới nhất, hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” sẽ được xây dựng để đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của Thế giới. Nếu mọi chuyện thuận lợi, vào cuối năm 2019, chúng ta sẽ chính thức trình UNESCO bộ hồ sơ này.

1. “Cách thể hiện kỹ thuật sơn và chuyển màu cực kỳ hiện đại trên nền giấy điệp đã diễn tả thành công sự giao thoa độc đáo của một tuổi thơ yên ả đến sự bỡ ngỡ gần như khủng hoảng trước một nhịp sống hiện đại hối hả. Loại giấy đẹp và giản dị này có nguồn gốc từ trong văn hóa dân gian bao đời, được tái tạo một lần nữa trong trí tưởng tượng của người nghệ sĩ trẻ…” - lời giới thiệu triển lãm của tác giả Asheem Singh.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Mifa bên tác phẩm cô tâm đắc nhất trong triển lãm “Điệp”. Ảnh: Mai Ngọc

Triển lãm chọn lọc và trưng bày hơn 120 tác phẩm acrylic trên giấy điệp được Mifa sáng tác từ năm 2018. Các tác phẩm được sáng tạo dựa trên 2 nguồn cảm hứng chính là vẻ đẹp của thiên nhiên với mảng màu tươi sáng và nét trầm buồn của những tháng ngày giãn cách với gam lạnh và tối. Mifa đã chia các tác phẩm nghệ thuật của mình thành các series và đặt tên cho chúng nhiều nỗi niềm và ý nghĩa đặc biệt: Thơ thơ - Lẩn khuất trong hơi ẩm của lá và mưa - Những cảm xúc hỗn độn - 5 thế kỷ chìm dưới biển sâu - Một thế đầy sương - Rubaiyat - Và biển cùng núi biết rằng tôi biết.

“Cảm hứng nghệ thuật của tôi đến từ văn học và các nền văn hóa. Chẳng hạn như bộ Rubaiyat đặt theo tên một thể thơ cổ của người Hồi giáo ở xứ Ba Tư. Bộ Và biển cùng núi biết rằng tôi biết lấy cảm hứng từ văn hóa Trung Hoa. Thơ thơ là chất thơ trong thiên nhiên và đời sống. Bên cạnh đó, tôi cũng cũng có chùm tranh lấy cảm hứng thơ haiku và văn hóa Nhật Bản nữa” - nghệ sĩ Mifa chia sẻ.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “5 thế kỷ chìm dưới biển sâu” thuộc series “Thơ thơ”

Nói về lý do theo đuổi vẽ trên giấy điệp, Mifa cho biết, từ nhỏ cô đã thích thú với vẻ đẹp lấp lánh của những kho báu trong những câu chuyện cổ xứ Ba Tư. Quê hương Đà Nẵng xinh đẹp của cô cũng là xứ sở của thiên nhiên rừng biển. Tuổi thơ cô gắn liền những ngày thơ thẩn bên bãi biển nhặt vỏ sò, vỏ ốc. Đấy là lý do cô mê đắm sự lung linh lấp lánh của vỏ sò trên giấy điệp ngay từ lần đầu bắt gặp nó ở TP.HCM. Đó cũng thời điểm cô đang lâm vào khủng hoảng, mất kết nối với việc vẽ. Chính chất liệu giấy điệp đã làm Mifa hoài nhớ tuổi thơ và khơi trào lại khao khát được vẽ trong cô. Mifa đặt tên là cho triển lãm đầu tay của mình là Điệp như một sự giãi bày ngắn gọn tình yêu của mình với loại giấy đặc biệt này.

Có thể nói rằng sự kết hợp giữa chất liệu truyền thống như giấy điệp và chất liệu công nghiệp như màu acrylic trong các thực hành nghệ thuật của Mifa là kết hợp mang tính thời đại. Đó là kết quả của những nỗ lực phát triển di sản của riêng nữ nghệ sĩ. Cô có lẽ là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam thể nghiệm vẽ đương đại trên giấy điệp.

Chú thích ảnh
“Nỗ lực soi chiếu vào tâm tưởng cho tôi cảm giác như nhìn vào một tấm gương vỡ, dù mỗi phần đều cho ta ảo giác về một phản chiếu rõ ràng, nhưng tự thân hình bóng đó lại không thể hiện được tổng thể liền lạc của sự phức tạp trong tâm trí chúng ta” -  Mifa viết tựa cho bức vẽ về sự tiếc nhớ hồn nhiên phản chiếu qua tấm gương vỡ

2. Giấy điệp là loại giấy truyền thống của Việt Nam thường được sử dụng trong dòng tranh dân gian Đông Hồ. Giấy điệp thực chất là giấy dó được quét thêm một lớp hồ điệp nghiền mịn từ vỏ sò. Lớp hồ điệp này có tác dụng như một lớp vecni tăng độ bóng và độ bền cho các bức vẽ.

So với giấy dó thì giấy điệp có độ thấm nước ít và độ loang màu chậm cho nên nó cho phép người vẽ thử nghiệm nhiều kỹ thuật hơn. Chính bởi lẽ đó mà Mifa phải cất công đặt mua từ làng nghề thủ công ở Bắc Ninh mang về Đà Nẵng.

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Mifa trong triển lãm

Nếu như giấy điệp ngày xưa sử dụng keo gạo dễ ẩm mốc, thì ngày nay các làng nghề đã khắc phục bằng cách thay thế bằng keo công nghiệp để mang lại độ bền cao hơn. Thêm vào đó, màu acrylic là màu gốc nhựa và sẽ thành keo nhựa khi khô. Do vậy mà các tác phẩm acrylic trên giấy điệp có độ bền khá cao trong các dòng tranh truyền thống. Không chỉ thế, các bức tranh treo tường đều được Mifa bồi lên vải bố để bảo vệ tối đa cho tác phẩm nghệ thuật.

Chú thích ảnh

Nói về sự đặc biệt của của giấy điệp, nữ nghệ sĩ cho biết loại giấy này chứa đựng sự hài hòa và mâu thuẫn như những xung đột bản năng trong một con người. Nó là sự kết hợp giữa vỏ cây và vỏ sò, giữa rừng và biển, giữa độ mềm của giấy dó và độ cứng của lớp phủ bột điệp. Cái hay của vẽ trên giấy chính những hiệu ứng loang màu đầy bất ngờ và ngẫu hứng mà người nghệ sĩ không đoán trước được. Quá trình thực hành acrylic trên giấy điệp của Mifa là sự thử nghiệm nhiều thủ pháp từ vẽ màu nước và sơn mài cho đến ấn triện thủ công, thư pháp.

Bộ 5 thế kỷ chìm dưới biển sâu được sáng tác sau khi Mifa được nghe câu chuyện cũ về việc trục vớt thuyền cổ chứa gốm Chu Đậu chìm từ thế kỷ 16 ở Cù Lao Chàm năm 1997. Các bức vẽ là những tưởng tượng mơ màng miên man về những hiện vật được khai quật. “Tìm hiểu rộng hơn một chút về gốm cổ Việt Nam, những thứ như “tam thái”, men lam, màu nước dưa, hoa văn thủy ba, họa tiết hoa thị... quấn lấy đầu óc tôi trong một thời gian dài và để màu tuột ra khỏi cọ trải lên trang giấy trong một trạng thái không hề có ý thức là mình đang tạo ra một bức tranh” - Mifa chia sẻ

Bạn Nguyễn Mỹ Hảo - khách xem triển lãm chia sẻ cảm nhận: “Bình thường mình thấy chỉ vẽ tranh Đông Hồ mới vẽ giấy điệp còn nghệ thuật đương đại mà chơi chất liệu này thì rất hiếm có. Đặc biệt chị ấy đưa được cái chất riêng vào tác phẩm. Gam màu nhẹ nhàng, nét vẽ bay thanh thoát như chính con người chị. Tất cả các tranh đồng điệu trong một dòng chảy cảm xúc, tổng thể hài hòa không một cái gì lệch tông”.

Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm