The Factory tạm đóng cửa: Thêm một khoảng trống với nghệ thuật đương đại

01/03/2022 18:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - The Factory Contemporary Arts Centre (thường gọi The Factory) là trung tâm nghệ thuật được xây dựng với chủ đích dành riêng cho nghệ thuật đương đại, vừa tròn 5 năm hoạt động khá sôi nổi, nhiều dấu ấn.

Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory: Hướng đến những nhãn quan độc đáo ở Việt Nam

Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory: Hướng đến những nhãn quan độc đáo ở Việt Nam

Cuối tuần qua, giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc của The Factory đã công bố người đoạt giải là Nguyễn Thị Thanh Mai (1983, Huế). Nghệ sĩ xuất sắc được trao 160.000.000 đồng và một triển lãm cá nhân, được thực hiện 2 lần.

Hôm nay, 1/3, trung tâm này phải tạm thời phải đóng cửa, vì chưa tìm ra lối đi mới mà họ thấy phù hợp.

Trong thư chia tay của Zoe Butt (Giám đốc nghệ thuật The Factory), có đoạn: “Chặng đường 5 năm vừa qua với The Factory quả thực tràn đầy niềm vui, năng lượng và cuồn cuộn cảm hứng. Và không ai có thể ngờ được hậu quả khôn lường của Covid-19, dịch bệnh đã làm tất cả đảo lộn, trong đó có cả The Factory. Nhìn trên phương diện tích cực, tôi cho rằng 12 tháng đầy chật vật vừa qua đã giúp chúng tôi đánh giá lại ưu tiên của mình, dẫn dắt chúng tôi tiếp tục trên con đường đào sâu và chia sẻ (nhưng chưa có cơ hội) những ý tưởng với quỹ thời gian ít ỏi quý báu còn lại trên trái đất đang rỉ máu này, thôi thúc chúng tôi tới gần những người thân của mình hơn. Và vô vàn những chiêm nghiệm khác”.

Ưu tiên cho việc giáo dục về đương đại

Triển lãm đầu tiên tại The Factory là TechNoPhobe, khai mạc ngày 31/3/2016, với tác phẩm của Nguyễn Trần Ưu Đàm, Truc-Anh, Lê Thanh Tùng, Cao Hoàng Long, Nguyễn Hồng Ngọc Nâu và Thierry Bernard-Gotteland. Có tác phẩm sử dụng máy in 3D, kỹ thuật trình ảnh (video holograms), có tác phẩm sử dụng hệ thống cảm ứng âm thanh, điện thoại thông minh… Ngay tại triển lãm này, The Factory đã cho thấy hướng đi thiên về giới thiệu, thậm chí giáo dục về nghệ thuật đương đại.

Chú thích ảnh
Một góc của triển lãm đầu tiên TechNoPhobe. Ảnh trong bài: FCAC

Sau đó là nhiều triển lãm tiêu biểu, ví dụ như License 2 Draw của Nguyễn Trần Ưu Đàm (khai mạc 9/4/2016), Lạc chốn của Bùi Công Khánh (21/6/2016), Quên lãng nên thơ của Thảo Nguyên Phan (15/4/2017), Triển lãm cá nhân của Ly Hoàng Ly (10/8/2017), Thiên đường đã mất của Hoàng Thanh Vĩnh Phong (29/9/2017), Văn tế thập loại chúng sinh của Phạm Trần Việt Nam (20/5/2018), Gang Of Five - Lạc bước tân kỳ (20/7/2018), Giao diện của Oanh Phi Phi (10/5/2019), Nhặt lá rừng xưa của Võ Trân Châu (14/2/2020), Thủy Nguyễn - Mộng bình thường của Thủy Nguyễn (7/11/2020), Triển lãm cá nhân của Lê Thừa Tiến (15/10/2021)… Trong mỗi triển lãm, họ đều tổ chức những buổi trò chuyện, thảo luận, giáo dục về việc tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật và nghệ thuật đương đại.

Từ khi thành lập vào tháng 4/2016 đến tháng 6/2017, The Factory mở cửa hoàn toàn miễn phí như những nơi khác. Từ giữa tháng 6/2017, ngoài các buổi khai mạc là miễn phí, trung tâm áp dụng giá vé là 35.000 đồng đối với người lớn, 25.000 đồng với sinh viên, miễn phí với người 16 tuổi trở xuống. Với mức đầu tư và chất lượng cao của các chương trình, rõ ràng việc bán vé này không vì mục đích thu hồi vốn, mà chỉ là nâng cao ý thức cộng đồng.

Chú thích ảnh
The Factory là trung tâm đương đại lớn tại TP.HCM

“Ngay từ đầu chúng tôi đã định hướng The Factory là một trung tâm nghệ thuật ưu tiên cho việc giáo dục, không phải chỗ để đến cho vui, hoặc để chụp hình “tự sướng”. Với mỗi sự kiện hoặc triển lãm, người xem chỉ phải mua vé 1 lần, giữ vé đó có thể quay lại xem bất cứ lúc nào trong thời gian diễn ra sự kiện hoặc triển lãm đó. Theo ước tính, tuy tiền vé mỗi tháng chỉ đủ trả tiền điện nước cho không gian, nhưng sẽ giúp chúng tôi sàng lọc được khách hàng thực sự quan tâm và thích chia sẻ” - trợ lý giám tuyển Lê Thiên Bảo từng trao đổi cùng Thể thao và Văn hóa như vậy.

“The Factory đã đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đã là bệ phóng cho nhiều nghệ sĩ trẻ. Mong sẽ có một vài không gian mới tiếp nối được tinh thần này của The Factory” - Nguyễn Trần Ưu Đàm nói.

Chú thích ảnh
The Factory thường hướng đến việc trao đổi, giáo dục về nghệ thuật

Lối đi mới sẽ là gì?

Nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn (nhà sáng lập The Factory) nói rằng chị không muốn nơi đây quá thiên về hàn lâm hoặc đại chúng, cũng không quá thiên về kiếm tiền hoặc miễn phí, mà cần một sự hài hòa, vui vẻ. “Nói ra nghe có vẻ vô lý, chứ 2 năm Covid-19, dù ít sự kiện khai mạc, nhưng chúng tôi lại có nhiều nghiên cứu chuyên sâu, cũng như kiếm được tiền ở các hoạt động khác, trong đó có cả tư vấn, sưu tập, bán tác phẩm. Nhưng ngay từ đầu The Factory sinh ra không phải để làm những việc này, nên thấy không còn vui nữa, tạm thời đóng cửa để tìm hướng đi mới” - Tia-Thủy Nguyễn cho biết.

Chú thích ảnh
Khán giả đăng ký tham dự tại The Factory

Tiêu chí của The Factory là “sản xuất những ý tưởng mang tính biện luận; một không gian triển lãm liên tục thay hình đổi dạng; một mạng lưới các cá nhân đang gìn giữ và lưu chuyển những ký ức văn hóa vật thể và phi vật thể, vô giá và không thể bị xóa nhòa. Chúng tôi thấu hiểu và đề cao những nét đẹp trong phông văn hóa bản địa, nhưng cũng muốn giới thiệu thêm vào đó những giá trị mới. Đồng thời, chúng tôi cũng ghi nhận vị trí người nghệ sĩ hôm nay như là những học giả với phong thái tư duy và phương pháp sáng tác liên ngành. Mỗi người sở hữu một thực hành độc đáo, cung cấp một gợi mở riêng biệt cho hành trình bước vào thế kỷ 21. Nhãn quan của họ, kèm những quan sát và chất vấn mang tính xây dựng cho đời sống xã hội, là những gì chúng tôi tin tưởng và đề cao”.

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, thì trong 5 năm qua, ngoài khả năng “ghi nhận vị trí người nghệ sĩ hôm nay”, thì The Factory chưa thực sự “sản xuất” ra được các nghệ sĩ tiêu biểu của mình. Vì với các tên tuổi như Lê Thừa Tiến, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly, Oanh Phi Phi… thì không có không gian này, sẽ có nơi khác mời họ triển lãm mà thôi. Nếu các địa chỉ như Nhà Sàn Collective, Sàn Art, New Space Arts Foundation… đã có được các nghệ sĩ riêng, thì The Factory có lẽ cần thêm một thời gian nữa để tạo dựng. “Nếu tìm được hướng đi hợp lý, vui thú, chắc tháng 11/2022 chúng tôi sẽ mở cửa trở lại, trong một diện mạo và tiêu chí mới hơn” - Tia-Thủy Nguyễn hứa hẹn.

Còn nếu The Factory đóng cửa luôn, sẽ có thêm một khoảng trống với nghệ thuật đương đại Việt Nam.

The Factory

The Factory được thiết kế riêng cho không gian nghệ thuật đương đại, nằm ở số 15 Nguyễn Ư Dĩ (quận 2), cách trung tâm TP.HCM chừng 20 phút đi xe máy, với tổng diện tích hơn 1.000 mét vuông, trong đó không gian chính là 500 mét vuông, phù hợp với các triển lãm quy mô. The Factory do nghệ sĩ Tia-Thủy Nguyễn sáng lập từ quỹ tài chính cá nhân, sau đó hoạt động như một doanh nghiệp xã hội, với định hướng rằng mọi doanh thu (nếu có), đều được sử dụng để tái đầu tư cho các triển lãm và các chương trình cộng đồng.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm