Tranh chấp Quốc Vượng: TCDK.SLNA được tiền, Thể Công được người?

03/09/2008 08:40 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Trường hợp tiền vệ Quốc Vượng được giảm án và ra tù trước thời hạn nhờ sự bảo lãnh của CLB Thể Công chứ không phải do CLB chủ quản TCDK SLNA là một sự kiện khá hy hữu. Chính vì vậy “cuộc chiến” pháp lí giữa hai CLB về quyền sở hữu cầu thủ này xem ra vẫn chưa ngã ngũ, thậm chí nếu không có một giải pháp dung hoà giữa tình và lý thì rất dễ dẫn đến một kết quả là cả ba bên (CLB Thể Công, SLNA và Quốc Vượng) đều thiệt…

Chữ Tình chẻ đôi

Khi Quốc Vượng bị khởi tố vì tội cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ tại Sea Games 23, sau đó bị toà án TP HCM kết án 4 năm tù giam, năm 2007 Liên đoàn bóng đá Việt Nam đưa ra hình thức kỷ luật treo giò 5 năm (tính từ thời điểm năm 2007), rất ít người tin rằng cầu thủ này còn có cơ hội trở lại sân cỏ. Chính vì vậy chẳng có CLB nào quan tâm và tính đến chuyện tìm cách liên hệ để sau khi Quốc Vượng ra tù đưa về thi đấu.
 
Ngay cả CLB chủ quản TCDK.SLNA cũng không ngờ sẽ có ngày hôm nay nên không có phương án đề phòng trước như: kí quyết định tạm hoãn hợp đồng với Quốc Vượng để chờ anh ra trại. Lãnh đạo CLB xứ Nghệ cũng thật thà ngồi chờ, thay vì có những phương án để bảo lãnh cho cầu thủ này được mãn hạn tù sớm để trở lại thi đấu.
 
Trong khi đó, trước sự tăng giá chóng mặt của thị trường chuyển nhượng cầu thủ nội, Thể Công đã nhanh chân liên hệ với Quốc Vượng và có những việc làm thiết thực giúp đỡ cầu thủ này như trả giúp 297,5 triệu đồng tiền nợ để đủ điều kiện xin giảm án và sau đó đội bóng Quân đội còn nhờ cả Cục quân huấn, Bộ Quốc phòng kí công văn xin giảm án và bảo lãnh cho Quốc Vượng. Một cán bộ Toà án thừa nhận: “Nếu không có Công văn và sự bảo lãnh của Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng thì trường hợp của Quốc Vượng chưa thể được ra trại sớm như vậy”. Do đó Quốc Vượng và gia đình anh ta phải mang ơn Thể Công và không thể không báo đáp.
 
Tương lai của Quốc Vượng vẫn còn là ẩn số
 
Tuy nhiên, trong thời gian Quốc Vượng ở trại cải tạo số 6 cũng không thể nói là TCDK SLNA không quan tâm. Bằng chứng là người của TCDK SLNA đã từng lên trại thăm Quốc Vượng, hay khi gia đình ông Quang (bố Quốc Vượng) gặp khó khăn hoạn nạn, không những CLB TCDK SLNA mà cả lãnh đạo tỉnh đã đích thân đến nhà thăm hỏi, động viên và giúp đỡ.
 
Xét về chữ tình thì việc TCDK SLNA đối xử với một cầu thủ phạm pháp làm ảnh hưởng đến uy tín và gây thiệt hại cho CLB như vậy là khá tốt chứ không thể chê trách. Nhiều người lấy sự quan tâm của CLB Thể Công Viettel trong thời gian qua để so sánh với CLB TCDK SLNA là không thoả đáng. Bởi vì nếu không vì mục đích lôi kéo Quốc Vượng về đầu quân thì liệu đội bóng quân đội có chịu bỏ ra gần 500 triệu đồng để giúp đỡ cầu thủ này và gia đình?

Chữ Lý cũng 50/50

Nếu Thể Công lấy điều 36 Luật Lao động ra để nhận định rằng hợp đồng giữa Quốc Vượng và CLB TCDK SLNA đã hết hiệu lực sau khi cầu thủ này bị kết án tù thì TCDK SLNA cũng có cơ sở pháp lí để tranh chấp khi Qui chế của CLB TCDK SLNA ghi rõ: “Tất cả các cầu thủ được đào tạo tại CLB, sau khi trưởng thành phải thi đấu đủ 5 năm cho đội 1 SLNA”.

Quốc Vượng được đào tạo tại CLB bóng đá xứ Nghệ từ nhỏ và tính đến nay anh mới thi đấu cho đội 1 SLNA được 2 năm. Trong thời gian Quốc Vượng bị cầm tù thì cầu thủ này đã bị tước quyền công dân, anh ta không thi đấu cho đội bóng nên CLB không thể trả lương, bởi vậy có thể xem đó là thời gian hợp đồng tạm hoãn. Nếu như Quốc Vượng bị chấn thương, đau ốm hay vì một sự rủi ro nào đó không thể thi đấu thì khác, đằng này sự việc là do anh ta tự gây ra nên không thể bắt CLB TCDK SLNA gánh chịu hậu quả.

Nếu toà án đưa ra phán quyết hợp đồng giữa Quốc Vượng và CLB TCDK SLNA hết hiệu lực, VFF đồng ý để cầu thủ này được ra đi như một cầu thủ tự do, có nghĩa là CLB Thể Công muốn có chữ kí của Quốc Vượng thì có thể sẽ phải trả một khoản phí “lót tay” lên đến hàng tỉ đồng. Trong trường hợp đó cả CLB Thể Công và Quốc Vượng đều được lợi, trong khi CLB TCDK SLNA phải chịu thiệt thòi bởi một tội lỗi do chính Quốc Vượng gây ra.

Giải pháp dung hoà, cả ba bên đều có lợi

Chắc chắn nếu như không có nỗ lực của Thể Công thì chưa biết đến bao giờ Quốc Vượng mới được ra trại và chưa chắc cầu thủ này đã còn cơ hội trở lại với bóng đá đỉnh cao. Do đó việc Quốc Vượng và gia đình có nguyện vọng ra đầu quân cho đội bóng quân đội là chính đáng. Thậm chí khi xét giảm án cho cầu thủ này đại diện của Viện kiểm sát và Toà án cũng đã xem xét đến khả năng Quốc Vượng ra trại sẽ đầu quân Thể Công, chịu sự quản lí và giám sát của đội bóng này. Bởi vậy việc TCDK. SLNA níu giữ Quốc Vượng ở lại là điều gần như không thể.

Nếu tìm một giải pháp "hợp lý vẹn tình", Thể Công cần có cuộc đàm phán với CLB TCDK SLNA và hai bên nên thoả thuận chuyển nhượng Quốc Vượng như một cầu thủ chưa hết hợp đồng. Tất nhiên trong trường hợp này CLB TCDK SLNA cũng không nên đòi hỏi mức giá chuyển nhượng quá cao.

Nếu hai bên không gây căng thẳng mà đi đến giải pháp dung hoà thì mọi chuyện sẽ êm đẹp và bản thân Quốc Vượng và hai CLB Thể Công và TCDK.SLNA đều có lợi.
 

Điều 36 Luật Lao động ghi rõ: “Hợp đồng lao động chám dứt trong những trường hợp sau đây: 1. Hết hạn hợp đồng; 2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng; 3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng; 4. Người lao động bị kết án tù giam hoặc bị cấm làm công việc cũ theo quyết định của Toà án; 5. Người lao động chết, mất tích theo tuyên bó của Toà án”.

Thiên Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm