Thay đổi cách nhìn với chiếc lá ấn

19/02/2016 07:43 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hai đêm nữa, vào 14 tháng Giêng Âm lịch, Lễ khai ấn đền Trần Nam Định sẽ bắt đầu. Và như thường lệ, dư luận lại bắt đầu ngóng về sự kiện này, với chút tò mò xen cùng lo ngại.

Sự tò mò ấy không nằm ở hình dạng, hay các nghi thức tâm linh liên quan tới lá ấn. Bởi từ lâu, điều người ta quan tâm luôn là câu hỏi: Cảnh xin ấn sẽ diễn ra như thế nào, trước sự háo hức của hàng vạn khách hành hương?

Chỉ vài năm trước, nhìn vào cảnh chuẩn bị cho Lễ khai ấn ở thành Nam, người không biết hẳn sẽ tưởng nơi đây đang chuẩn bị… đi đánh trận. Có tới 2 ngàn người thuộc lực lượng chức năng được huy động có mặt tại sự kiện này…

… Dọc con đường chính, cứ 10 mét, một hàng rào sắt lại được đặt ngang. Rồi chưa đủ, phía tổ chức bỏ công xây hẳn một đường hào chứa nước rộng 5 mét, với chi chít những lưới thép B40 bao quanh, để chống… khách hành hương đột nhập.


Lễ khai ấn ở đền Trần Nam Định

Mà đúng là như đánh trận thật. Đều đặn sau mỗi đêm khai ấn, các tờ báo và mạng xã hội lại tràn ngập hình ảnh về biển người chen lấn, giẫm đạp nhau quanh khu vực đền Trần. Để rồi từ 2 năm nay, khi việc phát ấn được chuyển sang buổi sáng, báo giới lại đua nhau đưa hình du khách đội mưa, xếp hàng đứng chờ từ đêm 14 với hy vọng nhận được một lá ấn cho mình.

Khai ấn (rồi sau đó là phát ấn) không chỉ có ở đền Trần. Và cũng không chỉ có vào mùa Xuân. Điển hình, chục năm qua, một lễ khai ấn truyền thống khác vẫn thường xuyên được tổ chức vào tháng 8 Âm lịch tại đền Kiếp Bạc. Thế nhưng, hình như lá ấn gắn với việc trừ tà sát quỷ của tín ngưỡng Thanh đồng này lại ít nhiều không được du khách mặn mà như lá ấn tại đền Trần.

Mặc cho các chuyên gia văn hóa khản cổ cải chính, niềm tin rằng lá ấn mùa Xuân ở đền Trần sẽ mở ra một năm đầy quan lộc, danh vọng cho người nhận vẫn bị “thổi” lên. Và, khi được đón nhận một cách đầy hào hứng từ khách hành hương, bỗng nhiên nghi thức khai ấn - tặng ấn lại xuất hiện như một thứ mốt thời thượng ở khá nhiều hội Xuân miền Bắc.

Cách đền Trần vài chục cây số, (và cũng sở hữu các di tích liên quan tới vua Trần), đền Trần Thương (Hà Nam) có lễ phát lương, dựa trên một số tư liệu được ghi lại từ cổ sử. Tất nhiên, trong túi lương có hạt ngô đỏ, đậu tương và thóc ấy, một lá ấn cũng được đặt kèm. Rồi, tại lễ hội đền Trần Thái Bình - một “hàng xóm” khác của Nam Định, những thông tin về việc có thể mua ấn, kiếm ấn không công khai cũng được các “phe ấn” luôn nhiệt tình quảng cáo.

Lễ hội khai ấn đền Trần: Vẫn sợ

Lễ hội khai ấn đền Trần: Vẫn sợ "phe ấn"

Năm 2012, tuy đã thực hiện tổ chức theo đề án mới của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam song tình trạng "phe ấn" ở lễ hội đền Trần vẫn hoạt động.


Bây giờ, việc khai ấn - phát ấn không còn dừng lại ở triều Trần, hoặc ở những vùng đất quanh thành Nam. 3 năm qua, tại đền thờ Quang Trung (Vinh, Nghệ An), hàng vạn thẻ ấn “Quang Trung Linh Từ” cũng đã được in và đưa vào thượng điện, để rồi chuyển tới khách hành hương. Rồi năm 2016 này, tại Hoàng thành Thăng Long Hà Nội, lễ thử nghiệm khai ấn (với chiếc ấn Sắc mệnh chi bảo nổi tiếng) cũng được thử nghiệm tiến hành - cho dù ban tổ chức vẫn khá cẩn thận, chưa phát đại trà cho du khách.

Nếu cứ chiếu theo niềm tin rằng lá ấn sẽ mang lại quan tước cho khách hành hương, chẳng hiểu xã hội của chúng ta sẽ phải sắp xếp thêm bao nhiêu vị trí, để đủ chỗ cho hàng chục vạn lá ấn được phát ra mỗi năm? Câu hỏi ấy cũng đồng nghĩa với 2 lựa chọn: hoặc các du khách xin ấn phải tự thay đổi niềm tin của mình - hoặc các hội Xuân cũng cần điều chỉnh trong việc tặng ấn để tránh sa vào một lối mòn đang có.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm