U23 VN: Một sự bất tin…

05/12/2011 10:36 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Lý giải với báo chí về thất bại của ĐT U23 VN tại SEA Games 26, HLV Falko Goetz phân trần rằng trong khi hầu hết các đội bóng tham dự SEA Games đều mang theo tuyển thủ QG đang chơi ở giải VĐQG hoặc ngoại binh nhập tịch, thì chỉ U23 VN là có cả cầu thủ từ giải hạng Nhất, thậm chí hạng Nhì, trong đội hình.

Tuy nhiên, không hiểu ông Goetz có biết rằng ĐT U23 Malaysia không mang tới Indonesia thành phần mạnh nhất vì còn phải chia sẻ lực lượng cho ĐT Olympic Malaysia thi đấu ở vòng loại thứ 3 Olympic London 2012, còn ĐT U23 Myanmar thì chẳng có ngoại binh nhập tịch và đến với SEA Games 26 sau chỉ 2 tháng chuẩn bị.


HLV Goetz - Ảnh VSI

Hơn nữa, ở cấp độ bóng đá trẻ, sự khác biệt hay chênh lệch về trình độ là không quá lớn, nên giữa tuyển thủ QG hay không phải tuyển thủ QG, cầu thủ đang chơi ở giải VĐQG hay không phải VĐQG là không quá quan trọng, mà vai trò lớn nhất là của ông thầy.

Cũng với thành phần nhân sự tương tự như ở SEA Games 26, HLV Phan Thanh Hùng đã dẫn dắt ĐT Olympic VN chơi khá tốt ở vòng bảng Asian Games 2010 tại Quảng Châu, cho tới khi HLV Henrique Calisto từ VN sang “chia sẻ” và khiến đội bóng thay đổi diện mạo theo chiều hướng đi xuống.

Tiền đạo Việt Thắng, một trong những trụ cột dưới thời HLV Calisto đã dám tuyên bố chia tay ĐTQG vì không thể thích ứng với cách làm chiến thuật của HLV Goetz, đã rất có lý khi nói: “Bỏ qua một bên các vấn đề cá nhân, tôi chỉ thấy hơi bất ngờ là HLV Goetz đã lại kể khó sau thất bại của ĐT, rằng việc ông không có trong tay những cầu thủ tốt nhất. Ông Goetz đổ thừa cho cầu thủ, cho học trò của mình hay cho nền bóng đá, thì đều là điều cấm kị cả, bởi như thế sẽ rất khó làm việc về sau”.

Rõ ràng HLV Goetz đã không nhận phần lớn trách nhiệm về mình sau thất bại ở SEA Games 26, và tương tự như thế là cả lãnh đạo VFF, nên dĩ nhiên cuối cùng chỉ còn các cầu thủ “giơ đầu chịu báng”. Mà dân gian VN có câu “Một sự bất tin vạn lần bất tín”, có ai dám chắc nếu ĐTVN một lần nữa không thành công ở AFF Cup 2012 diễn ra vào năm sau thì liệu HLV Goetz hay VFF có dũng cảm đứng ra nhận lấy toàn bộ trách nhiệm, hay là một lần nữa lại đổ lỗi cho điều kiện khách quan, chẳng hạn như cầu thủ VN có chất lượng quá kém, các nước khác sử dụng ngoại binh nhập tịch…?!

Việc khoác áo ĐTQG ngoài vinh dự, quyền lợi và trách nhiệm thì cũng là rủi ro không nhỏ với các tuyển thủ, bởi nếu chẳng may gặp phải chấn thương nghiêm trọng thì họ có thể sẽ phải tốn rất nhiều thời gian để hồi phục, hoặc thậm chí là mất luôn cả sự nghiệp, kiểu như các trường hợp của Trần Minh Chiến, Phùng Thanh Phương hay Nguyễn Hữu Thắng trước đây. Thế mà khi đội bóng thua trận, các cầu thủ lại trở thành bình phong để một số người đẩy ra chịu trách nhiệm cho thất bại thì thử hỏi ai muốn xả thân và cống hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng cho ĐT?

Bóng đá là môn thể thao tập thể, nên dù thành công hay thất bại cũng là của tập thể, nhưng dường như bóng đá VN lại đang tồn tại quy luật bất thành văn là nếu thành công thì sẽ là công lao của một số hoặc rất nhiều cá nhân, còn thất bại lại là sản phẩm của tập thể và lúc ấy thật khó để tìm được cá nhân nào đó đứng ra chịu trách nhiệm.

Nhật Huy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm