Chất lượng của U23 VN tại SEA Games 26: “Yếu” nhưng không phải là “nhất”

05/12/2011 12:19 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Vẫn phải quay trở lại một vấn đề không còn mới, nhưng lại đang gây ra khá nhiều ý kiến trái chiều nhau trong những ngày qua: Liệu có thể đánh giá chất lượng của đội ngũ cầu thủ tham dự SEA Games 26 là yếu nhất trong nhiều kỳ tham dự sân chơi khu vực?

Đồng tình

Cho đến giờ, tình huống trung vệ Anh Quang đỡ quả bóng bật ra hàng mét giống như chuyền vào chân đối phương (rồi sau đó là một pha sóng gió trước khung thành thủ môn Bửu Ngọc) trong trận bán kết với U23 Indonesia vẫn bị đánh giá là một ví dụ khá tiêu biểu cho sự yếu kém ngay từ khâu kỹ thuật cơ bản của các cầu thủ U23 VN.


Văn Quyết (giữa) ở SEA Games 26 và Văn Quyết ở V-League 2011 là 2 hình ảnh
hoàn toàn khác nhau. Ảnh: Quốc Khánh

Và với khá nhiều những chuyên gia lăn lộn hàng chục năm cùng trái bóng tròn, khi hình ảnh của những cựu danh thủ như Thế Anh, Cao Cường... giống như vừa chỉ mới ngày hôm qua, thì hẳn không hề quá lời nếu họ dùng cụm từ “không biết đá bóng” để mô tả về cách các chân sút của U23 VN nếu không “biếng ăn” dù rất “ngon” thì cũng hùng hục lao vào hàng phòng ngự của đối thủ.

Trên thực tế, ngay từ những ngày đầu tiên chuẩn bị cho SEA Games 26, 2 nhược điểm nằm ở hàng phòng ngự và hàng tiền đạo của U23 VN cũng là nỗi lo thường trực của người trong cuộc. So với những trung vệ từng tham dự SEA Games 25 như Long Giang, Xuân Hợp, Đại Đồng và Minh Đức, 4 cầu thủ đảm nhận vị trí trung tâm nơi hàng phòng ngự của HLV Goetz tại SEA Games vừa qua chỉ xứng là những anh chàng học việc.

Và nếu giờ phút này, ai đó vẫn nhắc đến chuyện những trung phong của bóng đá VN qua các mùa giải khác nhau đang dần đi đến chỗ “tuyệt chủng” e sẽ bị xem là người hoài cổ, bởi thực tế ấy đã diễn ra nhiều năm nay, khác chăng là ở các kỳ SEA Games trước, các tiền đạo của U23 VN không đến nỗi đá ra ngoài trước khung thành trống trải.

Và phản đối

Nhưng vẫn phải hỏi ngược lại rằng, tại sao cũng cầu thủ ấy, cũng đôi chân và vóc dáng ấy, trong những thời điểm, môi trường khác lại có diện mạo không giống như những gì họ đã thể hiện trong màu áo ĐT?

Tiếp tục với trường hợp của Anh Quang! Trung vệ người Nam Định không có tên trong danh sách tập trung đầu tiên của U23 VN. Chỉ sau khi anh sở hữu những phút giây chói sáng ở VCK U21 toàn quốc và đạt danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất giải”, Quang mới được triệu tập bổ sung vào đội ngũ của thày trò HLV Goetz. Trước khi chiếm giữ một vị trí chính thức ở trung tâm hàng phòng ngự của U23 VN tại SEA Games 26, Anh Quang đã có màn thể hiện không tồi chút nào tại giải giao hữu VFF Eximbank Cup 2011.

Có thể lần đầu được tham dự sân chơi khu vực, Anh Quang sẽ còn rất nhiều điều phải hoàn thiện, nhưng quả khó hiểu với cách mới đây người ta vo tròn cả ĐT U23 bằng 2 từ “non nớt”. Bởi SEA Games 26 cũng là kỳ SEA Games cuối cùng của hơn một nửa quân số đội bóng ấy, và hãy thử điểm qua những gương mặt đá chính trong sơ đồ của HLV Goetz mà xem, hầu như tất cả họ đều đóng vai trụ cột ở CLB của mình.

Màn thể hiện trung bình ở SEA Games 26 khiến Văn Quyết phải nhận nhiều chỉ trích, nhưng nếu theo dõi V-League thường xuyên, chưa ai quên cách Văn Quyết ghi 9 bàn thắng ở mùa giải 2011 cùng vài lần lập công tại AFC Cup như thế nào.

Chuyện của Văn Quyết cũng là chuyện chung của nhiều đồng đội khác. Bởi đã có những thời điểm Thanh Hóa phải “sống” nhờ vào những pha lập công của Văn Thắng, Đình Tùng (một trong những chân sút nội tốt nhất ở 3 mùa giải gần đây). Ở SLNA, Trọng Hoàng, Văn Bình, Văn Hoàn và Hoàng Thịnh là rường cột. Còn Thành Lương đơn giản là linh hồn mà nếu thiếu anh, HN.ACB (cũ) không biết sẽ đá đấm ra sao. Long Giang, Ngọc Anh hay Thanh Trung, Quốc Long nếu phải ngồi ngoài thì CLB của họ cũng không biết tìm đâu sự thay thế xứng đáng...

Nhưng những cái tên vừa nhắc khi lên ăn cơm tuyển và bước vào đá thật lại là những khuôn mặt khác hẳn, cho dù đối thủ của họ chỉ khiêm tốn như... U23 Lào. Đây chính là điểm mà nếu muốn và cho dù dùng bất cứ từ ngữ nào để giải thích, HLV Goetz cũng rất khó né tránh trách nhiệm của ông trong việc tính toán điểm rơi phong độ và tạo ra trạng thái nhập cuộc tốt nhất cho các học trò.

Nhưng VFF thì không nghĩ thế! Quả có phần tội nghiệp cho “các cháu” khi bây giờ “các chú, các bác” xem họ là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại.

Song cho dù đã muối mặt thua U23 Myanmar 1-4 ở trận tranh HCĐ thì “thành tích” ấy cũng chưa thấm vào đâu so với kết quả 0-5 trước U23 Singapore trong trận đấu tương tự của U23 VN tại SEA Games 24 (2007). Và màn thể hiện của đội bóng ấy cách nay 4 năm mới đáng bị xem là tồi nhất trong các kỳ tham dự sân chơi khu vực. Thế thì phải hỏi lại xem là “các chú, các bác” nghĩ và nói như vậy đã đúng chưa?!  

Đức Hoàng



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm