Thất bại của Thái Lan và giấc mơ World Cup của bóng đá Việt

30/03/2023 05:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

Thầy trò HLV Alexandre Polking đã không thể hoàn thành mục tiêu trở lại Top 100 FIFA sau 2 trận thua gần nhất trong khuôn khổ "Ngày FIFA" tháng 3. Thất bại trước Syria và UAE không chỉ là vấn đề với bóng đá Thái Lan mà nó còn là cảnh báo cho giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Thái Lan tới UAE để thi đấu 2 trận giao hữu với đội chủ nhà đang xếp hạng 70 FIFA và Syria (hạng 90 FIFA) nhằm mục tiêu rất rõ ràng, đó là cải thiện vị thế trên bảng xếp hạng thế giới. Điều này sẽ giúp đoàn quân của HLV Polking có được vị trí tốt hơn thay vì nằm trong nhóm hạt giống số 4 (hạng bét) ở lễ bốc thăm VCK Asian Cup 2023 dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.

Thầy trò HLV Polking được LĐBĐ Thái Lan (FAT) lên kế hoạch rất bài bản để chinh phục đối thủ trong tháng 3, ngay sau khi họ biết sẽ không được dự giải vô địch Tây Á 2023 do UAE từ chối đăng cai.

FAT có chiến lược và mục tiêu tốt cho đội tuyển quốc gia lẫn U23 Thái Lan, tiếc là họ không thể gặt hái được kết quả như mong muốn. Về phần U23 Thái Lan, họ lọt vào trận tranh hạng Ba nhưng lại thua U23 Kuwait với tỷ số tối thiểu và mất HCĐ. Trong cùng ngày, đội 1 Thái Lan thua 0-2 trước UAE đẳng cấp hơn hẳn.

Truyền thông Thái Lan đã tiên đoán, nhiều khả năng "Voi chiến" sẽ không giữ được vị trí thứ 111 FIFA như đã có trước 2 trận giao hữu ở UAE. Họ có thể bị tụt hạng vì bị trừ hơn 7 điểm. Trước trận thua UAE hôm 28/3, Thái Lan dự tính sẽ lên hạng 106 FIFA nếu thắng. Tuy nhiên, họ đã thất bại và nhiều khả năng còn tụt hạng thấp hơn vị trí thứ 112.

Cách bóng đá Thái Lan cùng lúc thất bại trước 2 đại diện của Tây Á trong một thời điểm có thể là báo hiệu cho tương lai của các đội bóng khu vực Đông Nam Á. Dù FIFA có tăng suất cho châu Á lên 8,5 vé dự World Cup 2026, nhưng đó cũng không hề là chuyện dễ dàng cho những đội bóng hàng đầu ASEAN như Thái Lan lẫn Việt Nam.

Nhà đương kim vô địch AFF Cup đủ sức hạ gục mọi đối thủ ở Đông Nam Á với chất lượng đội hình vượt trội, nhưng chừng đó chưa là gì khi vươn ra biển lớn. Chanathip hay Supachok có thể chơi tại giải đấu hàng đầu Nhật Bản J-League 1, nhưng để "gánh" Thái Lan ra châu Á là điều không đơn giản.

Thất bại của tuyển Thái Lan và giấc mơ World Cup của bóng đá Việt - Ảnh 1.

Thái Lan có thể tung hoành ở Đông Nam Á nhưng chỉ cần gặp các đội bóng Tây Á chưa phải hàng đầu châu lục như UAE hay Kuwait thì đã phải nhận thất bại. Ảnh: Hoàng Linh

Cả 2 cầu thủ này cũng đóng góp nhiều vào lối chơi của Thái Lan trong 2 trận giao hữu đã qua, nhưng vấn đề của đội bóng này vẫn là sự thiếu sắc sảo trong dứt điểm. So với những đội tuyển hàng đầu Tây Á, điều này thể hiện rất rõ khi Thái Lan nhận 5 bàn thua và chỉ ghi được 1 bàn.

Với U23 Thái Lan, họ cũng phải nhờ đến một trung vệ như Jonathan Khemdee mới ghi được 2 bàn vào lưới đối thủ sau 3 trận. Trong đó, cầu thủ này ghi một bàn bằng không chiến từ quả phạt góc và một bàn từ cú đá 11m. U23 Thái Lan cũng thất bại trước đại diện của Tây Á là Kuwait ở trận tranh hạng Ba.

Nhìn kết quả của 2 đội tuyển Thái Lan khi tới Tây Á thi đấu, có thể mường tượng ra tương lai cho bóng đá khu vực từ đây. Đội tuyển Việt Nam không thi đấu loạt trận "Ngày FIFA" trong tháng 3 này là thiếu sót lớn khi nó là cơ hội để nhìn lại mình. Dù đang xếp số 1 khu vực với hạng 96 FIFA, nhưng chứng kiến Thái Lan thua Syria hay UAE, có thể đội tuyển Việt Nam cũng không làm tốt hơn "Voi chiến" khi đối đầu đối thủ mạnh ở châu Á.

U23 Việt Nam xếp cuối cùng tại Doha Cup 2023 cũng cho thấy nhiều vấn đề của HLV Philippe Troussier khi thay thế người tiền nhiệm Park Hang Seo. Nếu chỉ so sánh riêng với U23 Thái Lan, U23 Việt Nam có vẻ tụt lại vì các học trò ông Troussier có quá ít đất diễn ở giải quốc nội.

Về phần U23 Thái Lan, nhiều CLB đã trao cơ hội cho cầu thủ trẻ và giờ là lúc HLV Sritaro được hái quả ngọt. U23 Thái Lan không có thời gian chuẩn bị xông xênh như U23 Việt Nam, nhưng họ vẫn đủ sức xếp cao hơn Việt Nam nhiều bậc ở Qatar vừa qua.

Nhưng nhìn rộng ra, bóng đá Thái Lan có một giải đấu quốc nội chất lượng cao hơn so với V-League, nhưng vẫn không thể sánh bằng những đại diện Đông Á (Hàn Quốc, Nhật Bản), Trung Á (Uzbekistan, Iran), Tây Á (Saudi Arabia, UAE, Qatar, Jordan)… Đó là lý do cần thẳng thắn nhìn nhận lại một lần nữa, giấc mơ World Cup thực sự không bao giờ là chuyện dễ dàng với bóng đá khu vực Đông Nam Á. 


Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm