Thất bại của Tây Ban Nha: Cú vấp hay sự sụp đổ?

02/06/2013 14:34 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận định rằng bóng đá Đức trở lại thống trị châu Âu chỉ qua hai lượt trận bán kết có thể là vội vã, song không thể cho rằng đây chỉ là một bước nhảy vọt nhất thời, bởi nền bóng đá này đã chuẩn bị thực sự bài bản trong một quá trình rất lâu dài để có ngày hôm nay. Nhưng những thất bại vừa qua, thậm chí là thảm bại, của người Tây Ban Nha, không nên nâng tầm thành một sự thảm bại của triết lý hay lối chơi nào đó.

Thua trận đánh, chưa phải thua cuộc chiến

Về khía cạnh tinh thần, tờ Marca đã mô tả ngắn gọn, mà rất chính xác về những gì đã diễn ra trong hai cơn địa chấn ấy: “Barcelona là Real Madrid là hai đội bóng thiếu dinh dưỡng, với toàn bộ dáng vẻ của những kẻ hàng tuần không được ăn miếng cơm nào. Còn đối thủ của họ chơi như những con thú ăn thịt đói ngấu”.

Nếu cần “lượng hóa” sự chênh lệch về khát vọng ấy, hãy nhìn vào những con số ở hai trận lượt đi. Cả đội Bayern đã chạy tổng cộng 112 km, so với 106 km bên phía Barcelona. Dortmund còn khủng khiếp hơn, 119 km, so với 113 của Real Madrid! Tất nhiên, chạy nhiều chưa hẳn ra chiến thuật, nhưng khoảng cách về năng lực có thể được rút ngắn bằng sự chăm chỉ. Sáu cây số chênh lệch ấy rõ ràng kéo theo cả một trời hưng phấn, như Thomas Mueller, người đã lập một cú đúp vào lưới Barca, kết luận: “Tôi không phải dạng cầu thủ có thể lừa qua bốn cầu thủ đối phương, nhưng tôi luôn cảm thấy ổn khi chạy hơn 14 km!” Như Giám đốc thể thao của Bayern, ông Matthias Sammer, luôn bảo: “Chúng tôi tham lam và đói khát danh hiệu”.

Chúng ta có xu hướng nhìn vào sự hào nhoáng của thắng lợi, mà quên đi rằng nó không chỉ được xây dựng bằng bản lĩnh hay năng lực. Bí quyết chiến thắng nổi bật của Bayern và Dortmund trong hai cơn địa chấn vừa qua có thể là vì họ đã chơi với tinh thần lớn hơn đối phương rất nhiều.



Real Madrid và Barcelona đã phải cúi đầu, nhưng đó chỉ là trong một trận đánh. Là quá vội vã nếu nói họ đã thua cuộc chiến

Nguyên nhân của chiến thắng càng rõ ràng hơn nếu nhìn vào sự can thiệp của các huấn luyện viên đến từ La Liga. Tito Vilanova đã chờ đến phút 83, khi Barcelona đã bị dẫn đủ bốn bàn, mới đưa ra thay đổi nhân sự đầu tiên (David Villa vào thay Pedro). Để làm gì nữa đây? Lượt về, ông cất Lionel Messi lên ghế dự bị, rút Xavi và Andres Iniesta ra khi đồng hồ mới chỉ sang phút 65. Rõ ràng là giương cờ trắng!

Trong khi đó, một huấn luyện viên được coi là cáo già về chiến thuật như Jose Mourinho cũng mắc một sai lầm chết người ở lượt đi: Ông không xếp một tiền vệ hộ công đích thực để gây áp lực lên Ilkay Guendogan, người chơi thấp nhất hàng tiền vệ Dortmund và lãnh trách nhiệm cầm nhịp (Malaga đã sử dụng Duda cho vai trò này, và hạn chế lối chơi của đội bóng Vàng đen khá hiệu quả). Ngược lại, cầu thủ phân phối bóng của Real Madrid là Xabi Alonso thường xuyên bị hai hộ công giàu tốc độ Marco Reus - Mario Goetze vây ráp và hoặc buộc phải lùi về ngang với cặp trung vệ, hoặc phải tung ra những đường phất bóng vội vã, thiếu chính xác. Sai lầm này cũng “đứng vững” đủ 90 phút mà không được sửa chữa.

Những sai lầm ấy đã khiến nỗ lực ở trận lượt về của Madrid trở nên vô nghĩa, và lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta được chứng kiến một trận chung kết toàn Đức.

Sự chênh lệch lớn về tinh thần và sai lầm khó hiểu của các huấn luyện viên đã tạo ra hai kết quả chênh lệch nhường ấy, nhưng đó đều là các yếu tố có thể bất chợt xuất hiện ở bất kỳ trận cầu cụ thể nào. Và tất nhiên, bóng đá Tây Ban Nha không thể thôi là số một vì một, hai thảm bại, hay người Đức cũng chưa thể ngay lập tức thống trị châu Âu với chỉ một, hai chiến thắng vang dội.

Một ví dụ: Chúng ta đã nhìn thấy Manchester City đè bẹp Manchester United 6-1 ngay tại Old Trafford mùa trước, nhưng thực tế sau đó đã chứng minh rằng khi đội bóng áo xanh chưa tạo ra được một nền tảng thực sự nào, thì chiến thắng, dù to đến mấy, vẫn là chỉ là một sản phẩm gói gọn trong 90 phút và chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, như đã nói, có thể xuất hiện ở bất kỳ trận đấu cụ thể nào.

Nhưng hãy dè chừng người Đức




Nhưng hai thắng lợi vang dội vừa qua của người Đức thì được tạo nên từ cái nền rất vững chắc. Kiểu chơi bóng máu lửa của họ, một nét đặc sắc của Bundesliga hiện tại, đã là thói quen đến độ trở thành bản năng và được duy trì ở bất kỳ trận đấu nào, chứ không riêng gì gặp Real Madrid hay Barcelona. Họ dường như được huấn luyện để luôn luôn cảm thấy đói khát và chơi bóng với nhiệt huyết thật sự, cái nhiệt tình mà giải Liga có lẽ không thể bằng.

Nếu coi hai thắng lợi vừa qua là những kỳ quan, thì đó không chỉ là những kỳ quan ngày một ngày hai. Đức đã đầu tư gần1 tỷ USD cho các chương trình đào tạo cầu thủ trẻ trong một thập kỷ qua. Kết quả? Trong 44 cầu thủ đá chính hiện diện ở bán kết Champions League mùa này, có 14 người mang quốc tịch Đức. Hai trong số đó, Sami Khedira và Mesut Oezil, chơi cho Real Madrid. Đội hình chính của Dortmund đã đánh bại Real chỉ có một cầu thủ từ 30 tuổi trở lên là thủ môn Roman Weidenfeller, trong khi đội hình chính Bayern ở trận gặp Barca chỉ có Franck Ribery là chạm mốc 30 tuổi.

Hạt giống được gieo trên đất tốt. Mặc dù không thật sự tạo ra ảnh hưởng toàn cầu mạnh như Premier League, La Liga hay Serie A, Bundesliga hiện có lượng khán giả trung bình mỗi trận cao nhất (mùa trước là 45.000). Dortmund là đội có lượng cổ động viên mỗi trận cao nhất châu Âu (80.478 người), hơn cả Camp Nou của Barcelona và Old Trafford của M.U.

Sự thịnh vượng bền vững bắt nguồn từ việc chăm sóc tốt cái gốc của bóng đá: Khán giả. Đầu năm nay, theo số liệu Guardian công bố, giá vé trung bình rẻ nhất cho một trận đấu ở Bundesliga là 15,37 USD, và đắt nhất là 308,31 USD, trong khi tại Premier League, các con số ấy lần lượt là 42,11 USD và 696,17 USD. Một lượng lớn cổ động viên Dortmund chỉ phải trả hơn 13 USD để xem một trận đấu, số tiền chỉ đủ mua một... chai Coca-Cola tại sân Emirates của Arsenal.

Dù trận chung kết Champions League năm nay đã là của người Đức, thì kết luận rằng họ đã thực sự trở lại với địa vị thống trị là rất vội vã. Nhưng rõ ràng, họ đã có đủ nền tảng để thay đổi lại trật tự bóng đá châu Âu từ đây. Từ những thắng lợi vang dội đã đem họ đến Wembley 2013.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm