Thanh Tịnh: Một người “đa hệ” của văn nghệ VN

18/12/2011 11:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Ngày 16/12, Hội Nhà văn Việt Nam, tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Thanh Tịnh (1911-2011) tại trụ sở Hội. Đây là dịp để giới văn chương tưởng nhớ tới một nhà thơ mới, một cây bút điêu luyện của truyện ngắn trữ tình và là một nhà báo tài năng trong làng văn nghệ Việt Nam hiện đại.

1. Tại buổi kỷ niệm, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã cùng nhau nhìn lại chặng đường văn học của nhà thơ, nhà văn, nhà báo Thanh Tịnh trong sự nghiệp phát triển chung của nền văn nghệ nước nhà. Trong những bài phát biểu, đáng chú ý nhất có bài của GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện văn học Việt Nam.



Theo GS Lê, Thanh Tịnh là một chân dung đa hệ (chứ không phải đa dạng), hội được rất nhiều thể loại quan trọng của văn học hiện đại. Trước hết, Thanh Tịnh là một nhà thơ mới, nhưng không chỉ viết thơ mới mà còn viết nhiều thể loại thơ khác với lối thơ độc tấu, nói một mình, nói to lên và nói cho số đông công chúng về những vấn đề quan trọng của đất nước, về kháng chiến hằng ngày... Thứ nữa, Thanh Tịnh là một nhà văn tiêu biểu của dòng văn học trữ tình hiện đại mà Thạch Lam lúc bấy giờ là cây bút chủ chốt. Thanh Tịnh cùng với Thạch Lam, Hồ DZếnh, Ngọc Giao, Thanh Châu, Xuân Diệu... đã tạo nên một dòng văn học trữ tình và dòng văn học này đã làm phong phú cho đời sống văn học thời kỳ 1930-1945. Với sự đa dạng về giọng, đa dạng về phong cách, dòng văn học này cũng đã mang lại cho văn học Việt Nam một kết quả về sự hiện đại hóa văn học từ rất sớm”. GS Lê nói.

Cuối cùng, Thanh Tịnh là một nhà báo có kỹ năng nghề nghiệp được những người trong nghề đánh giá rất cao.

GS Lê kể tiếp: “Thanh Tịnh vào nghề bằng nghề báo và làm những bài báo về những vấn đề xã hội rất sâu sắc. Kỹ năng nghề nghiệp của ông rất cao, tiếp xúc với những người rất thú vị như là Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng và đặc biệt là Phạm Quỳnh. Việc Thanh Tịnh có thể tiếp cận được với một đối tượng khó gặp như Phạm Quỳnh, sau ba lần xin gặp mà không được, bằng cái mẹo chuẩn bị tung ra công luận cái tin: “Cứ kể ba lần hẹn gặp mà không được, rồi trình cụ Thượng biết”, buộc Phạm Quỳnh phải cho gặp ngay, khiến người ta có suy nghĩ về quyền lực của nhà báo, và so sánh khó dễ, hơn thua của nghiệp làm báo xưa và nay”.

Nhà thơ Thanh Tịnh

2. Trong nửa sau cuộc đời mình, với cương vị phó chủ nhiệm, rồi chủ nhiệm, Thanh Tịnh đã chuyên tâm việc phụ trách tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội và biến tờ tạp chí này thành một thương hiệu lớn trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đối với “thế hệ vàng” của văn nghệ quân đội như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Hồ Phương, Thanh Tịnh là một thủ trưởng, một người thầy, một người anh, một người bạn vô cùng đôn hậu và thủy chung với tất cả anh em văn nghệ sĩ...

Thanh Tịnh – người đã gây bao niềm xúc động trong nhiều thế hệ học sinh với Tôi đi học in trong SGK, trích trong tập truyện ngắn Quê mẹ sinh năm 1911 tại Huế, mất năm 1988 tại Hà Nội. Sinh thời, có lần ông nói với một bạn văn: “Nhà hát Lớn Hà Nội được bao nhiêu tuổi thì tôi được bấy nhiêu tuổi!”. Ngày 9/12, Nhà hát Lớn tròn 100 tuổi. Tiếc là Thanh Tịnh không còn hiện diện trên cõi đời như “lâu đài nghệ thuật” giữa thủ đô này. Nhưng đối với văn học hiện đại Việt Nam, trong trái tim của những người đồng nghiệp, những người yêu thơ, ông vẫn sống như là một biểu tượng. Ông đã được trao Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952), Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007... Ngoài làm thơ, viết văn, viết báo, ông còn là tác giả của nhiều bài ca dao bất hủ, nhiều bài khảo cứu văn hóa có giá trị. Hiện phần mộ ông đặt tại núi Thiên Thai phía Tây thành phố Huế.

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm