Tại sao 'Sát thủ đầu mưng mủ'?...

23/03/2013 14:15 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Nhà xuất bản Văn học cho ra đời tập sách "Phê như con tê tê". Một tác phẩm tiếp nối “đứa con tinh thần” dang dở đã tạo sóng, tạo gió theo nhiều cách nghĩ là Sát thủ đầu mưng mủ.

Giống như “đàn anh” của mình, "Phê như con tê tê" vẫn được vẽ bởi chàng họa sĩ trẻ Thành Phong, nổi lên rõ rệt sau "Sát thủ đầu mưng mủ".

Để dự phòng những rắc rối như đã từng phải đối mặt, ở "Phê như con tê tê", Nhã Nam cũng như tác giả Thành Phong đã có sự lựa chọn một cách cẩn trọng các từ ngữ, thành ngữ sành điệu được giới trẻ sử dụng phổ biến theo kiểu từ lóng, từ chế ngày nay, bên cạnh đó hình ảnh cũng được tiết chế cho phù hợp.

Không dừng lại ở đó, trong cuốn sách này, các đơn vị xuất bản còn cẩn thận “lôi kéo” vào cuốn sách của mình những gương mặt tên tuổi như: Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Tình, một chuyên gia về ngôn ngữ là hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Từ điển học, Giáo sư Văn Như Cương, Giáo sư Tiến sĩ ngôn ngữ học Hoàng Dũng và nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên... Cùng những lời nhận xét đương nhiên là thừa nhận và ca ngợi cuốn sách.


Bìa cuốn sách "Phê như con tê tê"

Có thể nói, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế, "Phê như con tê tê" nhiều khả năng sẽ có một số phận yên ả hơn và khả năng tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ là điều có thể được dự đoán. Vậy tại sao "Sát thủ đầu mưng mủ" hay "Phê như con tê tê" lại có khả năng tạo sóng, tạo gió đối với giới trẻ và không loại trừ cả người lớn như vậy. Điều này đã từng được các chuyên gia, nhà văn hóa, nhà phê bình đưa ra tại cuộc tọa đàm về chủ đề ngôn ngữ @, cũng do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức.

Theo đó, hiện tượng “sốt” của "Sát thủ đầu mưng mủ" được tạo ra trước hết bởi nó là một sản phẩm hướng đến đối tượng người trẻ, những người vừa là chủ thể sáng tạo chủ yếu ra các thành ngữ, tục ngữ sành điệu, vừa là những người có mật độ sử dụng từ ngữ, thành ngữ này nhiều nhất. Đọc cuốn sách, họ có thể thấy được bóng dáng của mình, thế hệ mình trong đó, lại vừa là một cách giải trí sáng tạo, theo kiểu đuổi hình bắt chữ rất thú vị.

Nguồn gốc của sự ra đời những dạng thức ngôn ngữ này cũng đã từng được đề cập tới, giới trẻ sáng tạo và sử dụng nó như một ký hiệu nhận biết về thế hệ của mình, một phương thức giao tiếp đầy cá tính trong cuộc sống. Những từ ngữ hiệp âm, hiệp vần dễ nhớ, dễ thuộc nhanh chóng thâm nhập vào đời sống của họ như một tất yếu cuộc sống. Không quá tục tĩu ở chốn cần lịch thiệp, không quá sang trọng để làm nghiêm cẩn hóa một cuộc trò chuyện. Thành ngữ, tục ngữ sành điệu có một mức độ phổ biến rất lớn với thuật ngữ “trà đá, chém gió” đang rất thịnh hành.

Một lý do khác được đưa ra, đó là giới trẻ ngày nay cảm thấy bị cô đơn, bị người lớn bỏ rơi trong cuộc sống ồn ào của phố thị, họ cần tạo ra sự chú ý với người lớn như một cách thu hút từ ngôn ngữ. Dẫu sao đi nữa, sự tồn tại có thực của ngôn ngữ giới trẻ với những biến tấu thú vị, vượt ra ngoài ngôn ngữ chính thống của dân tộc cũng là một thực tế phải thừa nhận dù ai đó có muốn hay không.

Cũng giống như sự ra đời của "Sát thủ đầu mưng mủ", chúng ta từng dùng phương pháp hành chính để ngăn chặn sự phổ biến của nó, nhưng mặt khác có thể gây tổn thất tài chính cho đơn vị xuất bản, còn mục đích ngăn chặn sự lan tỏa đã thất bại, bởi lẽ sau yêu cầu chấn chỉnh đó, "Sát thủ đầu mưng mủ" đã được săn lùng và chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, còn tác giả của nó, họa sĩ Thành Phong thì cay đắng tha thốt vì sự “ăn cắp” chất xám của một số người.

Những yếu tố đó đủ điều kiện để Nhã Nam không dại gì “cắn dở” miềng mồi ngon dù sự rủi ro chưa phải đã loại trừ triệt để.

H.V.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm