NSƯT Thành Lộc: Tôi không mơ những giấc mơ không làm được

17/11/2010 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Một tài năng độc đáo, thiên biến vạn hóa của làng kịch nói phía Nam…” là những gì người ta vẫn dành để nói về NSƯT Thành Lộc. Nhưng nếu chỉ có thế thì e không thể đủ, bởi vẫn có (thậm chí nhiều) ý kiến cho rằng còn có một Thành Lộc khác, ngoài tài năng. Đó là một Thành Lộc độc tài, “khẩu xà” (độc miệng) và nhạy cảm đến dữ dội…

Muốn có cạnh tranh

* Chào NSƯT Thành Lộc! Ở cuộc trò chuyện lần này, tôi muốn đặt cho anh vài câu hỏi hơi “đậm đà” một tí, anh sẽ sẵn sàng trả lời chứ?

- Sẵn sàng hay không còn tùy thuộc vào thời điểm mình có nên trả lời dạng câu hỏi như thế hay không. Ở mỗi thời điểm mình có những cách ứng xử khác nhau, có lúc hợp có lúc không phù hợp.

* Vậy theo anh, với sự ra đời của một vài sân khấu mới trong thời gian gần đây, có nơi tưởng đã chết nay lại sáng đèn, có sân khấu bạc tỉ vươn ra Nhà hát Thành phố, Nhà hát Hòa Bình…, làng sân khấu TP.HCM đang có những tín hiệu vui?

- Bạn gọi đó là tín hiệu vui nhưng với tôi, nếu để gọi là vui thì phải xét đến việc mở sân khấu xuất phát từ mục đích gì. Nếu mở sân khấu để lấy tên tuổi, để đánh bóng tên tuổi, để chứng tỏ rằng chúng tôi đang hoạt động mạnh thì không vui tí nào cả. Sự bùng nổ của một sân khấu hoành tráng với cả tỉ đồng mà gần đây người ta gọi là quả bom xì thì đâu có vui.

Ở một góc độ khác, tôi thấy vui là một số sân khấu mới dù tình trạng doanh thu khá èo uột, không rầm rộ nhưng tôi thấy họ đang chú tâm về chất lượng các vở diễn. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh, cạnh tranh nhau bằng tác phẩm.

* Sự cạnh tranh này cũng ảnh hưởng ít nhiều tới sân khấu kịch Idecaf của anh chứ?

- Theo tôi thì không ảnh hưởng gì cả. Ngay ở chỗ của tôi hiện giờ nhiều người cũng đang muốn nhảy ra làm công ty riêng đó. Thật bụng tôi rất khuyến khích họ làm điều đó, tôi muốn họ làm để họ có thể chia sẻ nỗi khổ của chúng tôi.

* Anh luôn rất tự tin?

- Sao lại không tự tin chứ! Bởi vì ở Sài Gòn mỗi sân khấu đều có một tiêu chí nghệ thuật riêng nên không ai giành khách của ai cả. Ở phía Nam mỗi đơn vị có đối tượng khán giả riêng. Khán giả của Kịch Sài Gòn không thể nào là khán giả của Idecaf được, khán giả của Idecaf càng không thể trở thành khán giả của sân khấu Phú Nhuận. Chúng tôi thích có nhiều đơn vị khác mọc lên để chúng tôi không được chủ quan, có nhiều sân khấu mới để chúng tôi không thể nghĩ mình làm bá chủ thế giới, phải biết mình đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh rồi nên càng phải thận trọng hơn.

* Anh từng nghĩ mình là “bá chủ thế giới”?

- Không! Tôi không nghĩ thế! Sân khấu Idecaf là sân khấu mạnh nhưng “bá chủ thế giới” thì không. Nghệ thuật thì vô cùng và mỗi người sẽ có một cái đỉnh của họ nên không thể nói như thế được!

Họ muốn làm đại bàng nhưng quên tôi là phượng hoàng

* Từng thấy anh phản ứng khá dữ dội trên trang cá nhân khi có những thông tin mà theo anh là méo mó, là không đúng về mình. Tôi thắc mắc là Thành Lộc thì cần gì phải quan tâm đến những điều như thế, ai nói gì mặc họ, đường anh thì anh cứ đi thôi…

Với tôi, sự im lặng của mọi người song hành với sự hèn nhát, họ thích sự an toàn. Đôi khi, tôi phản ứng cho người khác, bởi có những người không dám nói. Khi không dám nói, người ta dễ bị ăn hiếp. Tôi nghĩ những người đó cần được bảo vệ.

- Tôi không giấu cảm xúc của mình. Rõ ràng công việc tôi vẫn làm và tôi cũng đâu thay đổi con đường nghệ thuật của mình, nhưng bất bình thì tôi vẫn có quyền bất bình chứ. Bởi tôi không phải là Phật, tôi không chấp nhận sự thiếu tử tế và lưu manh tồn tại ở đây đó, và nhất là với người làm văn hóa. Nếu làm văn hóa mà lưu manh thì tôi phải phản ứng chứ. Bởi đôi khi tội ác như một quả bóng tuyết, càng lăn thì càng lớn. Nếu không có người dập thì nó bành trướng. Điều đó thì với những người tử tế là điều không thể chấp nhận được. Phải ra tay dập cho nó tắt. Với tôi, sự im lặng của mọi người song hành với sự hèn nhát, họ thích sự an toàn. Đôi khi, tôi phản ứng cho người khác, bởi có những người không dám nói. Khi không dám nói, người ta dễ bị ăn hiếp. Tôi nghĩ những người đó cần được bảo vệ.

* Nhưng đôi khi ta làm điều tốt lại bị nghĩ khác đi… Ví dụ như anh đứng lên bảo vệ ai đó thì có người lại bảo Thành Lộc dữ quá chẳng hạn.

- Tôi công nhận, và thừa nhận với bạn hiện nay quỷ đang sống với người. Đôi khi tôi hay bị người ta xuyên tạc về hình ảnh của mình. Bạn thấy đó, tôi chưa hề giở thủ đoạn với ai cả mà tôi vẫn cứ bị mang tiếng như thế! Thế mới lạ chứ!

* Hay ở Idecaf anh có phần khắc nghiệt, độc đoán với diễn viên?

- Tôi sẵn sàng đối chất với bất cứ thành viên nào từ công ty tôi bước ra xem tôi độc đoán ở chỗ nào. Chẳng qua là tôi không chiều họ được. Nói một cách dễ hiểu tôi là chủ nhà, tôi mở cửa cho tất cả mọi người vào nhà tôi chơi. Bạn có thể nấu nướng trong bếp của tôi, thậm chí bạn có thể leo thẳng lên giường của tôi mà ngủ nhưng khi bạn tuyên bố bạn là chủ căn nhà đó thì tôi không cho phép, vì tôi là chủ nhà. Thế thôi! Nghĩa là bạn có thể sử dụng ngôi nhà của tôi như ngôi nhà của bạn nhưng bạn vẫn là khách chứ không phải là chủ nhà. Hết!

* Có sự “nổi loạn” ấy trong lòng của Idecaf sao, thưa anh?

- Mọi người cứ quên, cứ nghĩ tôi là người được chiều chuộng tại Idecaf bởi tôi là diễn viên chính mà họ quên mất rằng tôi còn là chủ nhà, tôi nằm trong ban giám đốc. Suy cho cùng tôi là người trả lương cho họ mà họ cứ tưởng ngược lại. Với nguyên tắc làm việc thì tôi nghĩ bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ đồng ý với tôi. Nghệ sĩ mà, có tài thì thường có tật. Mà một trong những cái tật lớn nhất là họ muốn làm đại bàng nhưng quên rằng trên đại bàng còn có phượng hoàng nữa.


Ngại tiếp xúc với báo chí để tránh tổn thương

* Nhưng đâu phải mỗi diễn viên từ Idecaf bước ra mới nói thế, cánh báo chí cũng than thở việc khai thác thông tin ở Idecaf cũng như để tiếp cận được anh cũng không dễ dàng gì…

- Một phần do chúng tôi ít người và quá nhiều việc. Một vở kịch làm ra là bao nhiêu người phải lao vào việc. Đã lao vào việc thì ngay giám đốc Huỳnh Anh Tuấn một mình phải làm rất nhiều việc. Chúng tôi không chỉ có các sân khấu mà còn có nhà hát múa rối dành cho thiếu nhi gồm múa rối nước và múa rối cạn. Chi nhánh của chúng tôi mở rộng tới Đà Nẵng thành ra nhiều việc lắm!

* Thời nay, bên cạnh việc dốc sức làm ra vở diễn anh cũng nên dành thời gian để PR cho tác phẩm của mình chứ…

- Chúng tôi cũng có kế hoạch PR kiểu của chúng tôi đó chứ! Thực ra bạn phải hiểu thế này, chúng tôi không tin lắm vào cách viết bài của nhà báo bây giờ.

* Anh nói thế với cả báo chí ư?

- Tôi chẳng thấy mình phải sợ điều gì để không nói thật cả. Tôi biết có những nhà báo viết phê bình hay vô cùng nhưng giờ có chức hết rồi thì không viết nữa. Bây giờ toàn những em trẻ, viết kinh lắm! Có bạn trao đổi với tôi mà hỏi “anh có thể kể về quá trình hoạt động của anh được không?”. Hỏi vậy tôi không “quạu” sao được? Đó là sự tác nghiệp quá dở.

Chưa kể nhiều nhà báo lấy tin ngộ lắm. Lấy tin xong rồi mang kể hết nội dung, toàn bộ câu chuyện vở kịch của chúng tôi lên báo. Có người cứ hỏi vở của anh muốn nói gì vậy, chủ đề là gì. Với tôi, không có gì vô duyên bằng ông đạo diễn phải đi giải thích về chủ đề vở diễn hay một ông họa sĩ đi giải thích một bức tranh trừu tượng. Nên khi có nhà báo hỏi tôi đều trả lời: "Thôi, đi coi đi rồi hãy nói". Để tránh làm tổn thương nhau nên tốt nhất là tôi tránh tiếp xúc.

Kịch của Lê Hoàng tiếp cận với sân khấu thế giới

* Không thể phủ nhận sân khấu Idecaf vẫn hoạt động ổn định nhưng anh có thấy cũng vì điều đó mà Idecaf đang thiếu đi sự đột phá?

- Cái đó còn tùy thuộc vào khả năng, chứ vươn tới thì sân khấu nào cũng muốn. Nhưng “người sao thì chiêm bao vậy”, tầm mình tới đâu thì vươn lên tới đó. Tôi không phủ nhận ở sân khấu chúng tôi vẫn có những vở diễn rất bình thường, chưa đạt được đến cái tầm mà mình mong muốn. Bởi chúng tôi là đơn vị tư nhân, chúng tôi cũng cần phải lấy cái này để nuôi cái kia. Dù là nhà hàng sang trọng, nhà hàng năm sao đi chăng nữa thì trong thực đơn vẫn có những món rất dân dã. Khác chăng là nếu bún riêu ngoài đường thì chỉ hai ngàn một tô còn ăn trong nhà hàng sẽ là hai mươi ngàn. Chỉ vậy thôi! Tôi nghĩ đơn vị nào cũng làm như vậy hết. Nhờ mấy vở bình thường đó mới nuôi được những cái gọi là “tầm” đó!

* Anh thực tế nhỉ?

- Tôi sống rất thực tế. Bạn cứ nhìn vào bàn tay tôi xem. Bàn tay này là bàn tay của người không mơ mộng, không viển vông.

* Nhưng làm nghệ thuật thì cũng cần phải lãng mạn, phải bay bay, thậm chí là viển vông tí thì mới ra được chất chứ, thưa anh?

- Không! Bạn phải hiểu viển vông nghĩa là không thể thực hiện được. Còn mơ thì tôi vẫn mơ chứ. Cái nào tôi mơ thì tôi tin cái đó tôi làm được, Ngàn năm tình sử là một giấc mơ của tôi đó. Tôi không mơ những giấc mơ mà tôi biết chắc mình không làm được.

* Thế năm nay anh có dự định làm vở nào kiểu Ngàn năm tình sử không?

- Tôi sẽ làm một thứ gì đó nhưng không ồ ạt như Ngàn năm tình sử. Tôi thích làm một gam khác. Hiện tôi đã có kịch bản rồi nhưng tác giả chưa ưng ý, tôi chờ sửa nữa cho hoàn toàn ưng ý thì tôi sẽ làm. Đây là một vở hiện đại.

* Chẳng sân khấu nào dựng kịch của Lê Hoàng, anh vẫn dựng?

- Dòng kịch này có nhiều người lên án vì người ta coi không được, thậm chí nói nó quá thô. Nhưng trong cách nhìn của chúng tôi thì đây là dòng kịch rất đặc biệt. Tôi ra nước ngoài xem nhiều dòng kịch và thấy Lê Hoàng viết kịch rất gần với sân khấu thế giới, chẳng qua khán giả Việt Nam chưa tiếp cận được. Cả các nhà lý luận phê bình nhà ta cũng chưa tiếp cận được với sân khấu thế giới cho nên mới lên án rầm rộ dòng kịch của Lê Hoàng. Những câu chuyện của Lê Hoàng kể không phải 1 là 1 mà 1 có thể là 3, là 4.

Thế nên bên cạnh dòng kịch chúng tôi phục vụ cho lớp khán giả quen thuộc thì chúng tôi sẽ có một dòng kịch kiểu Lê Hoàng cho một lớp khán giả khác bởi ở Idecaf cũng có những khán giả cảm được kiểu kịch của Lê Hoàng.

Gần đây tôi đi sang Nhật và xem một vở kịch gần giống với Ngụ ngôn năm 2000 của anh Lê Hoàng. Khán giả xem đông lắm. Tôi có trao đổi với giám đốc nhà hát và họ nói chúng tôi có nhiều dòng kịch chứ không chỉ mỗi dòng này. Có dòng thiên về hài, có dòng khác thuộc dạng khó coi hơn… Tôi có hỏi thẳng thế dòng nào của bạn có nhiều khán giả nhất thì họ vẫn nói là hài. Bao giờ hài kịch cũng là dòng khán giả xem nhiều nhất và đó là dòng nuôi sống các dòng khác.

Họ nói chúng tôi phải “kinh tế hoạch toán”, thay đổi kịch mục để phục vụ cho nhiều loại khán giả khác nhau. Tôi trố mắt hóa ra người ta cũng giống mình. Nghĩa là cách làm của mình không đi ngược gì với thế giới cả. Và như thế tôi rất tự tin vì mình không sai. Sân khấu Idecaf cũng đã có những vở khó xem như Trắng xanh vàng đỏ hay Người tốt thành Tứ Xuyên của Bertold Brecht. Và nói thẳng với bạn vở Người tốt thành Tứ Xuyên chúng tôi diễn đúng 17 suất là phải đóng lại vì không có khán giả.

* Xin cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này.

Hải Hà(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm