Thanh Hóa: Tạo đà cho phát triển du lịch văn hóa thành 'đặc sản' với du khách

17/10/2021 16:03 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Xứ Thanh vốn là mảnh đất sở hữu nguồn di sản văn hóa đặc sắc, phong phú. Trong quá trình phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tỉnh Thanh Hóa luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Thanh Hóa tăng cường phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh

Thanh Hóa tăng cường phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

Những tiềm năng và... cơ hội

Không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý, nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, mà so với một số tỉnh lân cận, Thanh Hóa có một quần thể di tích, giàu giá trị và đa dạng. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1.500 di tích lịch sử văn hóa. Trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Di sản thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), hang Con Moong (huyện Thạch Thành), chiến khu Ba Đình (huyện Nga Sơn), di tích khảo cổ Đông Sơn (TP Thanh Hóa), cụm di tích Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)... đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch.

Cùng với đó, xứ Thanh cũng là mảnh đất với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Trong đó nhiều lễ hội có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng một phần đời sống tinh thần của người dân và phát triển du lịch văn hóa. Lễ hội ở Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội: lễ hội tín ngưỡng (lễ hội Phố Cát - huyện Thạch Thành, lễ hội Đền Sòng - thị xã Bỉm Sơn...), lễ hội văn hóa lịch sử (lễ hội đền Bà Triệu - huyện Hậu Lộc, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn - huyện Thọ Xuân...) và các lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết (lễ hội Từ Thức, lễ hội Mai An Tiêm - huyện Nga Sơn...).

Chú thích ảnh
Lễ hội Lam Kinh – nét đẹp văn hóa xứ Thanh

Ngoài ra, xứ Thanh còn có thể khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như hò sông Mã, hát xẩm xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe... phục vụ phát triển du lịch.

Với tiềm năng lớn, song làm sao để tiềm năng văn hóa ấy trở thành sản phẩm du lịch “đặc sản”, buộc khách phải “rút ví” để trải nghiệm, thì có lẽ chưa điểm đến nào làm được điều đó. Nhiều điểm đến, đặc biệt là các khu, điểm du lịch miền Tây, dù đã cố gắng đưa văn hóa vào các hoạt động trải nghiệm cho du khách nhưng định hướng phát triển, cách thức tổ chức chưa thực sự bài bản, nên vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của du khách.

Tạo đà cho phát triển du lịch văn hóa

Trong thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh thắng; đầu tư hạ tầng, dịch vụ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm di tích nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, thông qua việc gắn kết với các khu điểm du lịch; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật đặc trưng của từng địa phương để phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, du lịch văn hóa vẫn còn nhiều hạn chế, việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có sự đột phá. Nhận thức của cộng đồng về mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch chưa thực sự đầy đủ. Nguồn lực đầu tư cho các di tích danh thắng, di sản văn hóa còn hạn hẹp. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, thách thức; số lượng di tích xuống cấp hoặc bị xâm phạm vẫn còn xảy ra...

Chú thích ảnh
Di sản Thành Nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa

Mở ra cơ hội và hướng phát triển thuận lợi cho loại hình du lịch văn hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND ngày 29-9-2017 về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung đầu tư một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; quảng cáo, làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa...

Trong đó, đối với lĩnh vực du lịch văn hóa, UBND tỉnh yêu cầu triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch văn hóa tâm linh; liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa với các vùng, miền, địa phương trong cả nước.

Chú thích ảnh
Lễ rước kiệu và rước thuyền Long Châu cầu mong một năm đi biển của ngư dân luôn thuận buồm xuôi gió ở Hậu Lộc, Thanh Hóa

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, các bảo tàng, nhà hát, thư viện, trung tâm chiếu bóng, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Đồng thời xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch; chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực trực tiếp phục vụ khách du lịch. Mặt khác, cần phát triển du lịch gắn với làng nghề để hình thành tuyến du lịch làng nghề có tính nhân văn.

Thực tế, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ và tương hỗ. Với sự quan tâm, đầu tư ngày càng thỏa đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đã và đang mở ra cho xứ Thanh những cơ hội mới, hướng phát triển thuận lợi đối với sản phẩm du lịch văn hóa. Song để phát triển bền vững và trở thành “đặc sản” trong hệ thống sản phẩm du lịch xứ Thanh, du lịch văn hóa cần được đầu tư xứng tầm trong thời gian tới.

Hoài Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm