Thanh Hóa: Ngư dân không phải di dời 4 bến neo đậu tàu thuyền tại Sầm Sơn

07/03/2016 14:42 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/3, tại thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã có buổi đối thoại trực tiếp với đông đảo bà con ngư dân là chủ các tàu, thuyền, bè, mủng... trên địa bàn xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Bắc Sơn, Trưởng Sơn (thị xã Sầm Sơn) bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn“.

Thông qua buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân để tìm các biện pháp khắc phục, nhằm ổn định đời sống ngư dân, đưa thị xã Sầm Sơn không ngừng phát triển.

Tại buổi đối thoại, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Thanh Hóa đã trình bày báo cáo khái quát một số dự án phát triển du lịch đang được đầu tư tại Thanh Hóa nói riêng và thị xã Sầm Sơn nói chung mà tỉnh đang triển khai.


Rất nhiều ngư dân đã tới hội trường dự đối thoại từ sớm. Ảnh: Xuân Long

Theo đó, phát triển du lịch là 1 trong 5 chương trình phát triển trọng tâm của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016- 2020, trong đó thị xã Sầm Sơn là một trong những địa phương được quan tâm đầu tư nhằm chuyển hướng phát triển du lịch từ khai thác chủ yếu vào mùa hè sang phát triển du lịch bốn mùa...

Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến của bà con ngư dân là chủ của các tàu thuyền, bè mủng bị ảnh hướng trực tiếp từ dự án “Không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn" đã được trình bày.

Theo đó, đa số bà con ngư dân đều ủng hộ chủ trương của tỉnh để xây dựng Sầm Sơn ngày càng đẹp hơn trong mắt du khách và bạn bè trong nước và quốc tế. Bà con cũng có chung tâm nguyện đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét để lại khoảng 300m đến 1,5km bờ biển cho ngư dân được tiếp tục vươn khơi bám biển.

Ngoài ra, một số ý kiến khác đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần làm tốt công tác chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân để người dân có cuộc sống tốt hơn, đề nghị FLC ưu tiên tuyển người địa phương vào làm việc cho tập đoàn này...

Chia sẻ với tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến khẳng định: Biển, bờ biển là của đất nước, của nhân dân, nhưng biển, bờ biển phải được nhà nước quản lý theo quy hoạch bằng các quy định hiện hành, chú ý đến sự phát triển đi lên của đơn vị và vì lợi ích của người dân. Không có chuyện tỉnh thu biển, thu bờ biển để giao đất cho bất kỳ doanh nghiệp nào nếu không đúng các quy định của pháp luật.

Sầm Sơn là một bờ biển đẹp trong cả nước nhưng hiện khai thác chưa thực sự hiệu quả với tiềm năng và thế mạnh. Do vậy, tỉnh đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và chỉnh trang bờ biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương để đưa bãi biển Sầm Sơn thành một trong những bãi biển đẹp nhất của cả nước.

Tỉnh đã tập trung đầu tư, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư với một lượng kinh phí lớn, điều này đã làm cho Sầm Sơn thay đổi nhanh chóng, đang từ du lịch một mùa chuyển sang du lịch bốn mùa. Tuy nhiên, do chưa được tuyên truyền, vận động nên một bộ phận bà con chưa hiểu được chính sách và chưa thấy được cơ hội thuận lợi để thay đổi, nâng cấp nghề của mình.

Từ lý do trên, tỉnh thống nhất hộ dân nào đồng ý với chủ trương, chính sách của tỉnh thì nhận tiền và thực hiện theo đúng quy định. Hộ nào vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thông với chủ trương, chính sách của tỉnh, cũng không phải di dời các thuyền, mủng ra khỏi 4 bến neo đậu tàu thuyền tại 4 xã, phường trên.

Cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở tại thị xã Sầm Sơn tiếp tục đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân; xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân sớm ổn định cuộc sống và tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

TTXVN/Duy Hưng-Khiếu Tư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm