Thanh Hóa mua “xác” Thể Công: Sợ rằng làm khổ cả hai

01/11/2009 15:32 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không ai ngờ chiến thắng của Thanh Hóa trước Thể Công ở vòng 22 V-League 2009 trên sân Hàng Đẫy với tỉ số 4-2 lại là một trong những “cú hích” đẩy Thể Công xuống bờ vực, đưa đội bóng 55 tuổi đến hồi cáo chung. Cũng không ai ngờ sau khi rớt hạng, Thanh Hóa lại quay sang mua cái xác của đội bóng này để tìm đường trở lại V-League.

Sự bất ngờ, thậm chí là sốc, không phải từ việc Thể Công tiêu biểu cho trường phái bóng đá kỹ thuật và hào hoa thưở trước còn Thanh Hóa là điển hình cho trường phái bóng đá câu bóng dài, chạy và sút.

Bất ngờ là Thanh Hóa, một đội bóng trong suốt 2 năm qua phải vật lộn với bài toán tiền bạc, sự đầu tư, tham vọng và không thể nuôi nổi cầu thủ, để gần chục người bỏ xứ ra đi để tìm đến các CLB mới, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng sau ngày xuống hạng nay lại quay lại mua đội bóng giàu truyền thống nhất BĐVN và cũng là CLB đã thiết lập kỷ lục về sự đầu tư trong một mùa giải lên tới 75 tỉ đồng như Thể Công.

Cầu thủ Thanh Hóa và Thể Công chưa bao giờ hòa hợp với nhau trên sân cỏ - Ảnh:VSI

Viettel với Tổng Giám đốc Hoàng Anh Xuân, có thể rộng rãi với quê hương Thanh Hóa và chẳng tiếc bất cứ thứ gì để giúp bóng đá xứ Thanh, kể cả việc bỏ tiền mua cái xác Thể Công.

Nhưng sẽ là chuyện hệ trọng và không đơn giản khi Thanh Hóa gánh trên vai một suất chơi V-league (chứ không phải là danh dự) cũng như mang vác một nghĩa vụ phải tương xứng là sự kế thừa đội bóng Quân đội.

Có thể người Thanh Hóa không đếm xỉa tới nhiệm vụ thứ hai, bởi bản thân đơn vị chủ quản và của Thể Công cũng không màng tới nó. “Ốc cứ phải mang nổi mình ốc” cũng đã là một nhiệm vụ rất khó rồi.

Bóng đá Thanh Hóa, với cơ chế là đội bóng bao cấp, trực thuộc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch và những ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Tỉnh thường là ý kiến cuối cùng, khó có đơn phương làm bóng đá chứ chưa nói tới việc xưng hùng xưng bá.

Từ trước tới nay, bất cứ đội bóng bao cấp nào cũng chỉ được rót 7 tỉ đồng ngân sách nhà nước/năm. Phải có một doanh nghiệp nào đó đứng ra tài trợ hoặc phải có một cuộc chuyển giao toàn diện sang một mô hình mới, thức thời. Mà 7 tỉ đồng thì mới chỉ đủ để mua trung vệ Phước Tứ và thêm một cầu thủ trẻ nào đó.

Cho tới thời điểm này, mới chỉ có 2 cá nhân và 2 doanh nghiệp công khai đàm phán về việc tài trợ bóng đá Thanh Hóa. Nhưng một đã bị chính lãnh đạo xứ Thanh nghi ngờ và cảnh giác. Và một doanh nghiệp khác là Hải Nhân, đơn vị từng được cho là sẽ rót vào bóng đá xứ Thanh 15 tỉ đồng/mùa, đã chính thức nhảy sang tài trợ cho một đội bóng khác là Tiền Giang ở giải hạng Nhất, như lời xác nhận của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT.

Không hiểu, nếu Thanh Hóa không giải quyết được vấn đề tài chính và cả vấn đề con người (hiện mới chỉ có HLV Vũ Trường Giang, một người chưa từng thành công ở V-League), việc mua lại cái xác Thể Công có phải là làm khổ cả hai?

Navi Bank từng dạm mua Thể Công nhưng rồi đã từ chối vì phía Viettel đòi giá rất cao. Sau đó Navi Bank mới chuyển hướng sang Quân khu 4. Nhưng khi Viettel hợp tác với Thanh Hóa thì khác, có những sự ưu tiên lớn.

Họ đã nói

PCT UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt

“Hiện chúng tôi đang xúc tiến các thủtục cần thiết thôi, còn văn bản, thỏa thuận các thứđã xong xuôi rồi. Tuần tới cóthểsẽcông bố. Viettel sẽchuyển giao toàn bộđội bóng cho Thanh Hóa. Trước mắt chúng tôi sẽ giải quyết việc đưa đội về đã, sau đó theo thỏa thuận Thanh Hóa sẽ có quyền đề xuất loại ai, nhận ai”.

Phó TGĐ Viettel Dương Văn Tính

“Chúng tôi đã bàn tới phương án chuyển giao đội bóng đang thi đấu ở V-League cho Thanh Hoá. Bây giờ chỉ còn thiếu một chữ ký là mọi việc sẽ được hoàn tất. Thời điểm hoàn thành công việc bàn giao này chưa được ấn định cụ thể nhưng tôi nghĩ sẽ xong sớm thôi, vì thời gian chuẩn bị cho mùa bóng 2010 không còn nhiều. Về cơ bản chúng tôi sẽ bàn giao cho Thanh Hoá hầu hết những cầu thủ đã có mặt ở đội 1 Thể Công thi đấu ở V-League 2009, kể cả những cầu thủ là quân nhân chuyên nghiệp như Phước Tứ hay Bảo Khanh”.

V.X – H.A (ghi)

 
Phong Vũ

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm