Thanh Hóa-Hải Phòng: Câu chuyện của 2 người đàn ông

08/07/2009 19:08 GMT+7 | V-League

(TT&VH Online) – Chiều chủ nhật này, XMHP đến làm khách của Thanh Hóa. Cuộc chiến giữa các đội nhóm cuối bảng đang hồi nóng bỏng, nhưng với cuộc đọ sức Thanh Hóa-XMHP, người ta muốn nhắc nhiều đến hai người đàn ông nhiều "duyên nợ" với hai đội bóng này.

1. Xét về truyền thống bóng đá thì Hải Phòng có quyền tự hào về thành tích của mình, thời kỳ những năm 60-80 của thế kỉ trước. Bóng đá Hải Phòng là đối trọng xứng đáng nhất với bóng đá Thủ đô với những đội bóng tiêu biểu như CAHN, CLB Quân Đội (Thể Công), hay Đường Sắt. Ở mảnh đất bóng đá đã góp phần phát triển chung của bóng đá nước nhà, người ta có thể kể đến các HLV như Vũ Văn Tư, Trần Bình Sự, Trần Văn Phúc, Nguyễn Thành Kiểm, Lê Quang Ninh.... Dấu chân "du mục" của dân bóng đá Hải Phòng đã in dấu hầu khắp các tỉnh thành Việt Nam như Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Nam, Bình Dương, Sông Bé, Long An, Sài Gòn, Thanh Hoá....
 
Ông Phúc "kiềng" đã có lúc vực dậy bóng đá Thanh Hóa

Bóng đá Thanh Hoá được hình thành đầu những năm 60 với cái tên Thanh niên Thanh Hoá, nhưng người ta biết đến bóng đá nơi đây nhiều hơn với đội Công An Thanh Hoá và sau này là Halida Thanh Hoá. Bóng đá Thanh Hoá những năm gần đây sẽ ghi nhận dấu ấn của 1 HLV Hải Phòng: ông Trần Văn Phúc. Ông Phúc "kiềng" đã có lúc vực dậy một nền bóng đá từ “tàn dư” của cách làm bóng đá bao cấp, biến một Haliada Thanh Hoá nghèo về tiền-thấp về thân phận ở V-League thành niềm tự hào của xứ Thanh hơn 4 triệu dân này ngay trong lần đầu tiên trở lại giải VĐQG mùa 2007. Khi đó trong tay ông Phúc là 1 thế hệ trẻ đầy tài năng, nào là Hoàng Đảm, là Xuân Hợp là Thái "đầu to", là Thành "Rìu"....Thực sự bóng đá nơi này đã sống lại sau bao năm ngủ quên, không khí bóng đá ở miền đất có con sông Mã chảy qua đã trở mình vô cùng mạnh mẽ....

2. Nhắc đến các HLV từng dẫn dắt đội bóng xứ Thanh, ngoài ông Phúc "kiềng" ra, còn có một con người "chen" mình vào câu chuyện Hải Phòng-Thanh Hoá. Đó chính là ông Dũng "béo". Xét về tuổi đời và tuổi nghề thì ông Dũng phải coi ông Phúc là bậc đàn anh, ấy thế mà chẳng hiểu sao con đường hai ông đi có rất nhiều điểm chung, dấu chân họ đã ở đất Cảng, từng xuôi xứ Thanh, thậm chí từng chung 1 màu áo Bình Dương.... Thật lạ!

Năm 1998, Thể Công hùng mạnh, được xem như ĐTQG thu nhỏ, dưới tay ông Dũng đã giành chức VĐQG, tiếp đó đánh bại CATPHCM giành siêu Cúp. Ông Dũng đã được hưởng quả ngọt đầu tiên, nhưng cũng chính Thể Công với những học trò của ông cho ông nếm "trái đắng" ngay sau đó. Từ đó ông chấp nhận làm thân du mục. HLV Vương Tiến Dũng qua Hàng Không VN (tiền thân là CAHN), tới Cần Thơ và xứ "gạo trắng nước trong" ấy cũng chẳng giữ được chân ông, để rồi ông “phiêu” về đất Thanh Hoá vào một ngày cuối năm 2004. Thời điểm ấy, bóng đá xứ Thanh còn “đuối”, song ông Dũng và các cộng sự vẫn quyết tâm vực dậy phong trào bóng đá nơi đây. Chính trong hoàn cảnh bị “bỏ rơi” đó, “tướng” Dũng gặp thuận lợi là có toàn quyền tự quyết và ông đã mạnh dạn loại bỏ hàng loạt cầu thủ lớn tuổi để bồi dưỡng, đào tạo một thế hệ trẻ. Chính nhờ sự quyết đoán ấy mà bóng đá Thanh Hóa có được một dàn cầu thủ nội chất lượng khá như Mai Tiến Thành, Mai Xuân Hợp, Đồng Huy Thái… Cuối mùa bóng đó, tuy không đưa được đội bóng lên hạng, nhưng lãnh đạo CLB xứ Thanh vẫn tha thiết mời ông ở lại. Nhưng một lần nữa ông lại dứt áo ra đi để trở về Hà Nội với gia đình "bỏ lại sau lưng bao lưu luyến”.
 
HLV Vương Tiến Dũng cũng có một thời gắn bó với xứ Thanh

Cũng trong thời gian đó, ông Phúc ở Hải Phòng, bóng đá Hải Phòng lúc bấy giờ "nhiễu nhương" lắm. Ông "dâng sớ đòi chém gian thần". Ấy vậy mà ông lại mới chính là người phải “gạt nước mắt” rời chính mảnh đất quê hương. Thời thế thay đổi, ông về xứ Thanh xây dựng cơ đồ mà ông Dũng còn dang dở... Ông Phúc đưa Thanh Hóa lên hạng, trở thành “ngựa ô” mùa 2007. Nhưng ông cũng không ở được lâu, và rời xứ Thanh sau mùa 2008 và về ở ẩn tại Hải Phòng từ đó đến nay.

3. Mùa 2008 vừa qua, khi con tàu XMHP đang hừng hực Nam tiến về Bình Dương hòng mang Cup ra đất Bắc bỗng "gặp đá ngầm" ở Sông Mã khi thầy trò ông Dũng bị “chìm” với tỷ số 0-2. Người ta đã từng bàn tán rất nhiều về trận đấu được coi là “khó xử” này, để rồi sau đó XMHP bị gục ngã trên thành phố cao nguyên Pleiku, chính thức đánh mất hy vọng xưng vương.

Mùa 2009, ở sân Lạch Tray, phải nhờ đến bàn thắng muộn màng của Robert ở những phút bù giờ, XMHP mới có trọn vẹn 3 điểm trước đội bóng xứ Thanh trong cuộc so tài mà quân tướng Thanh Hóa uất ức “chúng tôi bị đè”.

Chủ nhật này, ông Dũng một lần nữa về lại nơi xưa. Ông và XMHP phải thắng, thắng để là chính mình, thắng để xua tan những hoài nghi về một câu chuyện “tri kỷ”, thắng để cho mọi người biết trận thua năm 2008 chỉ là một tai nạn, thắng cũng có nghĩa là đẩy vé xuống hạng cho Thanh Hoá.

Chiều chủ nhật này, Thanh Hóa tiếp đội bóng đất Cảng mà không có ông Phúc. Chuyện của bóng đá xứ Thanh thời “hậu Trần Văn Phúc” đang do người xứ Thanh tự quyết. Họ phải chiến đấu để tìm kiếm những hy vọng mong manh ngay trên sân nhà.

Dù sao, trước-trong và sau trận đấu này “chúng ta mãi vẫn là những người bạn”, người Thanh Hoá và Hải Phòng đã nói thế!

Fan: Dongkdn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm