Các cầu thủ Thanh Hóa kêu đói !

20/11/2009 11:43 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - 5 ngày sau khi thuộc về đội bóng Thanh Hóa, các cựu cầu thủ Thể Công bắt đầu thấm thía nỗi khổ không chỉ về mặt tinh thần mà cả về dinh dưỡng. Họ bảo, cách Thanh Hóa đón tiếp, hứa hẹn khi sắp sửa chuyển giao và cách Thanh Hóa dành cho đội bóng hiện tại đã khiến họ sốc.

Thiếu ăn

Mỗi bữa ăn chỉ có 3 món, rau với 2 món mặn và cơm. Ai không nhanh tay và nhanh miệng thì đói. Đội lại đang trong quá trình tập thể lực, hết chạy núi rồi lại quăng quật ở ngoài bãi biển. Không chỉ các cầu thủ gốc Thể Công mà các cầu thủ Thanh Hóa “xịn” cũng cảm thấy thòm thèm sau mỗi bữa ăn và đói trong quá trình tập luyện.

Chất và lượng của bữa ăn như thế chỉ khá hơn cơm sinh viên. Nó vừa không đủ calo để tập luyện, dù HLV Vũ Trường Giang cũng đã khá khéo léo khi điều chỉnh khối lượng luyện tập dù ông vốn dĩ cũng không phải là một chuyên gia thể lực.

Các cầu thủ Thể Công khẳng định, họ xác định đã về Thanh Hóa rồi là nghiêm túc tập, tuân thủ kỷ luật sinh hoạt, bởi đá bóng là nghề, họ cũng không có ý định so sánh với sự quen thuộc trước kia, bởi giữa Thể Công với Thanh Hóa có những sự khác biệt. “Giá như có sự đảm bảo ở các mức độ tối thiểu, đủ đáp ứng nhu cầu nạp năng lượng cho anh em thì tốt, để chúng tôi không phải đi ra ngoài ăn thêm”.

Ngay vấn đề nước uống cho đội cũng không đảm bảo vệ sinh, khi cả đội dùng chung vài cái cốc rót nước từ bình ra. Không có vitamin, không có C, không có những thức uống dinh dưỡng để bổ sung.

Thiếu cả bác sĩ

Nếu như chuyện ăn uống các cầu thủ còn tìm cách để tự khắc phục bằng tiền túi thì có một vấn đề họ không thể xoay sở và thực sự lo lắng: cả đội không có lấy một bác sĩ.

Cũng may là chưa có ai bị chấn thương, nhưng trong quá trình tập luyện vài cầu thủ ở đội cũng cần có những chăm sóc cơ bản. Ngày đầu tiên chưa ai để ý, rồi đến các ngày tiếp theo, tìm đỏ mắt cũng không thấy bác sĩ  đâu.


Chưa có sự thay đổi trong những cách làm bóng đá của Thanh Hóa

Vấn đề y học thể thao quan trọng ở mức độ nào, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Một CLB chuyên nghiệp không có được vị bác sĩ để theo đội ngay trong những ngày đầu tiên cho thấy sự chuẩn bị của Thanh Hóa có nhiều điều bất ổn.

Các cầu thủ “lính mới” của Thanh Hóa hoang mang, nếu bây giờ tập gắng sức, thi đấu quyết tâm, lỡ có chấn thương thì ai lo. Trước kia, ở Thể Công, vấn đề y tế luôn được quan tâm chu đáo như hầu hết các CLB khác. Khi cầu thủ chấn thương được giúp đỡ như đưa ra nước ngoài chữa trị nếu ở trong nước “y học bó tay”.

Do hoàn cảnh?

Những công tử đá bóng, người ta vẫn hay gọi lính Thể Công như thế, vì họ ngủ có điều hòa, ăn mức cao, có internet wifi sử dụng. Thực ra, đó không phải là sự chiều chuộng thái quá mà để phục vụ những nhu cầu của con người trong cuộc sống hiện tại.

Giờ đây, thật khó làm quen và thích ứng với cuộc sống mà không có internet. Có nhiều đội bóng không chấp nhận ở trong các căn phòng chật chội và thiếu điều kiện tiện nghi như ở Nhổn, nên đã bỏ đi. Không phải vô cớ mà ông Calisto kiên quyết buộc VFF phải cho cả 2 đội tuyển U23 ra khách sạn ở, thay vì trú ngụ ở Nhổn. T&T HN ở Mỹ Đình cũng đã cho các cầu thủ “kết nối với thế giới” bằng Internet từ giữa mùa 2009. HAGL ở khu Hàm Rồng có tiện nghi như khách sạn. Đà Nẵng có khu thể thao với chế độ lý tưởng.

Bởi thế, nếu bảo về Thanh Hóa là về với mặt bằng thực tại của bóng đá thì không đúng. Vì chính Thanh Hóa mùa trước rớt hạng cũng một phần vì thiếu thốn.  

Quả là hơi khó hiểu với những gì đang diễn ra ở Thanh Hóa sau cú tiếp nhận lịch sử.

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm