05/02/2014 18:59 GMT+7 | Đọc - Xem
Tập thơ về Đại tướng, Tiễn Người vào Bất Tử, hoàn thành trong vòng nửa tháng, thời gian chọn lọc lâu hơn thời gian tập hợp tác phẩm, vì tác phẩm vốn đã được sáng tác rất nhanh trong những ngày quốc tang lịch sử.
“Làm thơ chung” - hiện tượng hy hữu
Hàng nghìn bài được nhóm tuyển chọn gồm nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quang, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất tập hợp từ thơ do các tác giả gửi tới, chọn trên báo giấy, báo điện tử và trang mạng cá nhân.
Ban đầu, khi tin buồn về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lan truyền trên mạng xã hội, người dân chờ đọc báo để xác nhận. Rồi thông tin lan đi như "một cơn bão", ngay trong đêm 4/10. "Cơn bão" vô hình mà chẳng có thiết bị khí tượng nào đo đếm được đường đi nước bước. Một nỗi đau chung.
Bìa tập thơ Tiễn Người vào Bất Tử
Nhân dân biết tin theo cách đó, và họ bày tỏ thái độ trước thông tin cũng theo cách đó. Mọi cảm xúc đều công khai, nếu không là facebook, thì là blog cá nhân. Hàng triệu người đau, hàng nghìn người làm thơ, ngay trong đêm 4/10. Hàng nghìn người ngay lập tức chia sẻ thơ cho nhau.
“Sau khi Bác Hồ qua đời thì hiếm có một sự ra đi làm chấn động hồn thơ của người Việt Nam như sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chủ biên tập thơ, nói với Thể thao & Văn hóa - “Không chỉ người Việt trong nước, ngoài nước, mà còn có cả những người ngoại quốc cũng làm thơ bày tỏ sự tôn kính và chia sẻ. Có thể nói, đây là một hiện tượng thơ hy hữu”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết sau ngày mất Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chúng ta khóc cho việc sau này chẳng còn ai đủ lớn để dân còn có thể thương chung, khóc cùng”.
Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói: "Cuộc đưa tiễn bằng thơ rộng lớn như thế không phải ngẫu nhiên mà có. Ngay khi còn sống, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã được nhiều người tặng thơ, tặng câu đối, và ông rất nâng niu, trân trọng lưu giữ như những tài sản tinh thần quý giá.
![]() “Tôi không biết đến bao giờ thì sẽ có một cuộc đưa tiễn bằng thơ như thế nữa. Bởi hiện nay, chưa thấy ai tự so sánh mình với Tướng Giáp cả. Điều đó còn phụ thuộc vào lịch sử của dân tộc” - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. |
"Một con người vĩ đại như thế, nhân dân không thể không tôn kính. Họ đến đưa tiễn ông rất tự nguyện, coi ông như một vị thánh thiêng liêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những bài thơ viết về ông cũng “tự nguyện” như thế".
Sau này cũng chẳng còn ai đủ sức truyền cảm hứng để chúng ta làm thơ chung. Biết đâu lúc làm thơ người nào cũng khóc. Nhiều người còn viết từ “khóc” hẳn trong thơ. Chẳng phải một vài “chúng ta” lẻ tẻ, cả một dân tộc. Làm thơ chung một lần cuối cho người đã thành người muôn năm cũ.
Cùng chung ý tưởng, tác giả Hiếu Orion viết trong bài Cùng khóc: “Họ khóc không chỉ bởi chia ly/ Khóc vì sợ sẽ không còn cùng khóc/ Cả dân tộc vượt qua bao khó nhọc/ Giờ còn gì để khóc bên nhau”.
Một sự lựa chọn không dễ dàng
103 bài thơ trong tập. 103 cách bày tỏ niềm thương tiếc. Nhưng thương tiếc không phải là nỗi niềm duy nhất. Trong thơ là sự đồng cảm, nhiều người khi làm thơ đã đặt mình vào vị trí của Đại tướng: “Những đối thủ của ông đã chết từ lâu/ Bạn chiến đấu giữa thời gian vây bủa/ Ông ngồi giữa thời gian vây bủa/ Nghe hoàng hôn chầm chậm xuống quanh mình” (Vị tướng già của tác giả Anh Ngọc).
Có lẽ đây là tuyển thơ có tính cộng đồng nhất từ trước đến nay của Việt Nam. 103 bài thơ từ hàng nghìn bài. Một sự lựa chọn không dễ dàng, nhất là khi thơ thì có hay có dở, nhưng tình cảm nhân dân dành cho Đại tướng đâu có người đậm người nhạt. Tiễn Người vào Bất Tử, tên tập thơ lấy từ một câu trong bài Bất tử của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Nguyễn Trọng Tạo viết xong Bất tử vào đêm 10/11, gần một tuần sau ngày Đại tướng qua đời. Nhà thơ sáng tác trong tâm trạng “xúc động lạ lùng”. Ông nói: “Đại tướng và Thánh Gióng giống nhau là đã đánh thắng giặc xâm lược, cứu nước cứu dân, nhưng lại khác nhau là Thánh Gióng bay lên trời còn Đại tướng thì chọn về quê yên nghỉ. Thế là tôi viết ngay câu mở đầu: Thánh Gióng về trời, Thánh Giáp về quê”.
Huyền Mi
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất