Thăng trầm 10 mùa Táo quân

27/01/2013 11:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 10 kể từ Gặp nhau cuối năm - Táo quân đầu tiên ra mắt vào năm 2003, chương trình vẫn bám sát đời sống trong năm để tạo nên “hình hài”, từ thi Hoa táo (năm 2009), Táo Idol (năm 2011) đến chuyện “mượn” format The Voice - Giọng hát Việt trong Táo quân 2013 (ghi hình tại Hà Nội tối 25-27/1, sẽ phát sóng trên VTV vào tối 29 Tết Quý Tỵ).

Tuy nhiên, 10 năm đó cũng đủ ghi nhận những thăng - trầm của Táo quân giống như đời sống vậy.

Trong các chương trình nghệ thuật, có lẽ Táo quân phải được tặng kỷ lục “đụng chạm”. Thôi thì muôn mặt của đời sống xã hội năm qua từ những vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, nạn tham nhũng - hối lộ, đến cả chuyện chạy trường, buôn vàng, phạt vì hôn nhau trên sân khấu hay mặc phản cảm… đều được “bê” lên chương trình. Cũng vì “chốt” lại được toàn chuyện “nóng” mà Táo quân luôn gây sự chú ý, từ khâu kịch bản, thực hiện, đến cả lúc ghi hình…

Bởi thế mà năm nay, chương trình ghi hình Táo quân có bán vé. Với mức giá không hề rẻ, từ 700.000 đến 2.000.000 đồng, vé ba đêm ghi hình bán hết sạch trước khi khai màn nhiều tuần lễ. Khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội buổi ghi hình đầu tiên vào tối 25/1, hàng trăm khán giả đứng, ngồi chen chúc ở các lối đi. Dù đời sống kinh tế năm qua nhiều khó khăn, rõ ràng, “nhà Táo” vẫn… sống khỏe!



Táo cũng có ghế… chính chủ

Giống như một số năm trước có màn thi Hoa táo hay Táo Idol, năm nay, chương trình “mượn” format The Voice - Giọng hát Việt với bốn Táo ngồi vào bốn ghế “chính chủ”. Tuy BTC chương trình khẳng định không đề cập hay ám chỉ tới The Voice - Giọng hát Việt, nhưng trong buổi ghi hình tối 25/1, Táo Giao thông (NSƯT Chí Trung) đã diễn lại cử chỉ giơ nhẫn kim cương kêu gọi thí sinh về đội mình của huấn luyện viên Đàm Vĩnh Hưng; hay Táo Kinh tế (Quang Thắng) lại tự nhận mình giống… Trần Lập.

Từ các ghế “chính chủ” và lần lượt bấm vào nút “Like” (“Thích”), các Táo có màn chầu - báo cáo về những vấn đề “nóng” của kinh tế, giao thông, dân sinh (y tế, giáo dục) và văn hóa - thể thao năm qua. “Nợ xấu” được Táo Kinh tế nhìn với con mắt hài nước: đi mua sấu về nấu canh mà nợ tiền thì gọi là nợ xấu; Hay Táo Giao thông có ý tưởng xin 10 nghìn tỷ xây bảo tàng giao thông; Táo Dân sinh (Vân Dung) bị “tố” vì nạn phong bì và sự vô cảm của một bộ phận các y bác sĩ.

Năm nay, NSƯT Minh Hằng đổi vai, đóng Táo Văn Thể. Chị từng gây ấn tượng từ những năm 2005 với vai Mama Chuê, hay Táo Giáo dục (năm 2012). Chuyện “nóng” được Táo Văn Thể báo cáo trong buổi chầu chính là số phận của bóng đá chuyên nghiệp ở “hạ giới”. Nền bóng đá được dựng lên từ những “ông bầu quyền lực”, khi mà cầu thủ bán độ, dàn xếp tỉ số và sống buông thả…

Vô cảm – “căn bệnh” đang lây lan với tốc độ… chóng mặt trong xã hội hiện đại đã được những người làm Táo quân “cập nhật” vào chương trình năm nay. Chỉ với cái phẩy tay của Ngọc Hoàng, Táo Dân sinh trở thành bệnh nhân và nếm đủ những gì mà người bệnh ở “hạ giới” phải trải qua.

Đóng vai robot khám bệnh, chính Xuân Bắc cũng không nhịn được cười trên sân khấu khi “khám” cho bệnh nhân bằng “điệp khúc”: “Chào chị, chị có phải bệnh nhân không?” và kết thúc bằng kết luận: Đau bụng thì chữa bằng thuốc… đái dầm!!! “Bác sĩ ở hạ giới vô cảm có khác gì cái máy đâu?” - Bắc Đẩu (NSƯT Công Lý) đặt câu hỏi.

10 năm gắn bó với Táo quân, vẫn với hình ảnh “cá ngựa ngâm rượu” và phần thoại hơi dài (do mới là chương trình ghi, chưa được cắt dựng), Vân Dung cũng để lại dấu ấn với khán giả trong chương trình năm nay.

Nhìn lại 10 “mùa” Táo quân

Gặp nhau cuối năm năm 2003 chưa có tên gọi Táo quân. Chương trình chưa phải kịch mục hoàn chỉnh mà chủ yếu gồm các tiểu phẩm. Năm đó, nghệ sĩ Quốc Trượng đóng vai Ngọc Hoàng với hai “cận thần” Nam Tào (Xuân Bắc) và Bắc Đẩu (Công Lý). Do rong chơi nhiều ở “hạ giới”, Bắc Đẩu cũng “nhiễm” thói xấu của một số ca sĩ nên mang cái giọng “vịt pha ngan”. Sau 10 năm, “cô Đẩu” chính thức chỉnh sửa để trở thành phụ nữ. Chuyện của Đẩu cũng khiến khán giả liên tưởng tới việc nam ca sĩ Lâm Chí Khanh quyết định phẫu thuật để đổi giới tính.

Năm 2004, lần đầu tiên nghệ sĩ Quốc Khánh đảm nhận vai Ngọc Hoàng. Vai diễn này từ đó “đóng đinh” với tên tuổi anh. Quốc Khánh từng đảm nhận nhiều vai diễn trên sân khấu, điện ảnh và truyền hình, song có lẽ, dấu ấn sâu đậm nhất anh tạo được với khán giả là ở vai Ngọc Hoàng.

Trong 10 năm lên sóng, Táo quân được VTV tặng bằng khen cho cả tập thể và cá nhân tám nghệ sĩ. Tuy nhiên, số nghệ sĩ gắn bó tới Táo quân nhiều hơn con số tám đó. Chương trình từng quy tụ những Phú Đôn, Bình Trọng (vai Thiên Lôi); Phạm Bằng (Táo Văn nghệ); Quốc Quân (Táo Quy hoạch), Hiệp “gà” (Gia Cát Dự)… Các nghệ sĩ tham gia diễn xuất cũng biến hóa qua nhiều vai táo: Quang Thắng từng đóng vai Táo Quốc lộ; Táo Kinh tế….; Chí Trung - Táo giao thông, Táo xây dựng; Vân Dung - Táo Dược phẩm, Táo Tiêu dùng; Tự Long - Táo Thoát nước, Thổ địa…

Một số khán giả may mắn được xem trước Táo quân 2013 trong chương trình ghi hình vừa qua có chung nhận xét: chương trình chưa được “đậm đà” như một số năm trước. Nhiều câu chuyện cũ vẫn được nhắc đi nhắc lại: vấn nạn tai nạn giao thông; nạn phong bì trong y tế; bệnh thành tích trong giáo dục… trong khi thiếu những chi tiết đắt kiểu như: “thói quen nhận quà biếu thật không dễ dàng thay đổi” (Bắc Đẩu nói với Ngọc Hoàng, Táo quân 2005); hay “Táo quan chức giải quyết những việc đơn giản của dân nhưng hết sức lằng nhằng” (định nghĩa Táo quan chức của Nam Tào và Bắc Đẩu, Táo quân 2006).

Hà Chi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm