20/01/2023 08:00 GMT+7 | Tin tức 24h
Đã có quá nhiều bài báo viết về ông - nhà thơ dân gian kiêm chủ khách sạn chó mèo lớn nhất Hà Nội một thời ở ngõ 167 Trương Định (Hà Nội). Ông còn thức thời mở thêm dịch vụ nghĩa trang - tất nhiên chỉ dành cho những vị khách 4 chân - còn mình trở thành pháp sư, ngày ngày mặc áo cà sa cầu siêu cho mèo chó…
"Nghĩa trang mở nhiều năm rồi. Còn khách sạn thì vẫn hoạt động, có điều mỗi ngày chỉ khoảng chục người tới gửi chó mèo" - ông Sinh nói với một nụ cười - "Không như xưa, ngày ít cũng tầm ba chục khách. Khách sạn cho mèo bây giờ nhiều quá".
Từ mèo sống tới mèo chết
Quần thể "vương quốc chó mèo" của ông Sinh rộng hơn 2.000 mét vuông, vốn là đất cũ của gia đình để lại. Gần cửa ra vào là khu khách sạn cao 6 tầng, có đầy đủ quầy lễ tân, thang máy, hệ thống phòng nghỉ chó mèo. Những phòng "VIP" ngoài chuồng, bục bệ, đồ chơi… còn có một phòng liền kề để người phục vụ túc trực 24/24 giờ, hoặc dành cho những chủ nhân muốn ở vài ngày cạnh thú cưng.
Khu "Tề Đồng Vật Ngã", nơi những chú mèo an nghỉ
Ngăn cách với khách sạn bằng không gian của cây xanh và đường đi dạo là khu vực nghĩa trang dành cho chó mèo. Trước nghĩa trang có hồ nước với giàn hoa, tượng Quan Âm và các chư đồng. Còn trong khu nghĩa trang là hơn 500 ngôi mộ chó mèo nhỏ xinh ở dạng địa táng hoặc đặt tro cốt, trên mộ có bát hương và bia khắc tên, ảnh. Ông đặt tên cho khu vực ấy là Tề Đồng Vật Ngã, nghĩa là người và vật bình đẳng như nhau.
Dẫn người viết tham quan một vòng, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh bảo tính ra, tại quần thể này, so với số phòng dành cho thân xác của các chú mèo, phần diện tích dành cho linh hồn của chúng thì nhiều hơn gấp bội. Và thực tế đến giờ, đây cũng là nơi duy nhất trên toàn quốc có dịch vụ chôn cất, cầu siêu cho mèo chó khi qua đời. Bởi thế, không lạ khi dù phần khách sạn không còn đông, lượng người mang mèo chó tới đây an táng lại luôn nườm nượp.
"Người ta nói ông Sinh trước kia chăm mèo sống, giờ tập trung chăm mèo chết" - ông cười - "Thật ra, đó là nhu cầu khi cuộc sống đổi thay và khấm khá dần lên, người ta luôn muốn trân trọng và tưởng nhớ những vật nuôi đã từng gắn bó với mình. Mà người Việt thì coi trọng chuyện này. Anh có thể không dự hay lễ thượng thọ của song thân, nhưng khi các cụ mất thì sống chết gì cũng phải có mặt đúng nơi, đúng lúc".
Thật ra, những gì đang có ở "vương quốc chó mèo" là thành quả của một quãng đường dài. Đầu thập niên 1990, đời sống khó khăn, nhà thơ này mua mèo về lập trại. Như lời ông kể, khi ấy thú chơi mèo cảnh đã bắt đầu nhen nhóm theo chân những người đi lao động xuất khẩu từ Đông Âu về.
Hai "khách trọ" đang được nhân viên của ông Sinh mát xa tại khu resort
Mèo Tây đẹp nhưng lười, thường chỉ quanh quẩn trong nhà - trong khi mèo ta thì lại mang tính bán hoang dã, săn chuột giỏi nhưng rất thích bỏ nhà đi hoang. Tìm mua mèo từ Liên Xô, Tiệp Khắc rồi cho phối giống với mèo ta, những lứa mèo lai của ông sớm trở thành hàng "hot" trên thị trường.
Rồi, miệng truyền miệng, nhiều người có nhu cầu gửi tạm chó mèo tìm tới ông Sinh. Đầu thập niên 2000, khách sạn chó mèo của ông ra đời, là địa điểm đầu tiên tại Hà Nội dành cho dịch vụ này. Dần dà, những khách sạn chó mèo khác lục tục mở cửa theo bước ông Sinh thì nhà thơ này đã thành lập cả một tổ hợp may mặc trang phục cho chó mèo để đón bắt nhu cầu. Rồi làm sinh nhật (và cả đám cưới nếu khách yêu cầu) cho chó mèo và cuối cùng là dịch vụ tâm linh - như một vòng tròn khép kín.
"Hễ yêu mèo chó thì chưa động phòng"
Thực tế, ông Sinh vốn nổi tiếng từ lâu với những giai thoại quanh chuyện yêu mèo. Đến mức, những người yêu quý loài vật này vẫn thường nhắc tới 2 câu thơ của ông, như một lời tự trào cho cảnh éo le của bản thân: "Vợ thường khuyên sớm khuyên trưa/ Hễ yêu mèo chó thì chưa động phòng". Hỏi, ông cười: "Ngẫm ra, anh mà yêu mèo quá, trong lòng người phụ nữ hình như cũng có chút lòng ghen. Khi xưa khó khăn, tình yêu mèo của tôi có phần hơi đi trước thời đại, nên vợ giận cũng là dễ hiểu".
Hơn chục năm trước, khi làm giám khảo cho một cuộc thi "hoa hậu mèo", ở phần ứng xử (tất nhiên là dành cho các chủ nhân), ông hỏi một cô bé: Cháu yêu mèo thế, nhỡ bạn trai không thích thì sao? Cô bé đáp: Cháu bỏ chứ sao. Hỏi tiếp: Bỏ thế có tiếc không? Chủ nhân: Không, cháu còn trẻ.
Nhà thơ Bảo Sinh bên bài vị của những chú mèo
"Chuyện tưởng như bình thường, nhưng cái cách con bé tròn mắt ngạc nhiên khi được hỏi khiến tôi nhớ mãi. Nghĩa là trong tư duy của nó, làm sao trên đời lại có thể tồn tại việc ta yêu một người, nhưng lại không yêu vật nuôi của họ?"- ông Sinh hóm hỉnh kể.
Từ giai đoạn năm 2000 trở về trước, khi kinh tế còn khó khăn, những người yêu mèo hay hỏi nhau về giá trị "quy ra thóc" của những con mèo được nhập về từ nước ngoài hay lấy giống "xịn". Còn bây giờ, khi tâm lý ấy được cởi bỏ, người ta lại thích kể, thích tả về những đặc điểm của chú mèo cưng mà mình sở hữu.
"Có cô bé mỗi lần mang mèo tới đây gửi là lại túm lấy tôi, hào hứng kể cả tiếng đồng hồ. Rằng mèo của mình tối qua bò thế nào, nằm ra sao, vừa kể vừa nằm ngay ra nhà để thị phạm cho tôi xem" - ông Sinh tủm tỉm - "Kể hết thì lại khoe, mèo của cháu được bác chữa đau bụng xong ị đẹp lắm, không nát, nhìn thích vô cùng".
Như lời nhà thơ, thành công của "vương quốc chó mèo" trước hết phải bắt nguồn từ tình cảm thực sự của bản thân đối với những vị khách 4 chân. Thẳng thắn, ông nói rằng những nhân viên tại các dịch vụ này là người làm công ăn lương, khó lòng bắt họ có được tình cảm tuyệt đối với chó mèo như mình. Đó là lý do mà từ nhiều năm nay, ông nhất định không mở rộng quy mô kinh doanh, để có thể tự mình vẫn bao quát, đôn đốc được mọi việc.
"Đây là nơi tôi sẽ an nghỉ, bên cạnh không gian dành cho mèo chó"
"Dạo trước, một cậu bên Gia Lâm mở trại chó mèo rộng hàng vạn mét vuông, làm đủ dịch vụ, rồi lại thuê cả trăm nhân viên làm việc. Qua chỗ tôi xin đặt biển quảng cáo nhờ, tôi đồng ý nhưng can nên làm nhỏ thôi. Không nghe, nên chỉ được một thời gian hỏng hết" - ông Sinh kể - "Nghề này không ham làm lớn được. Dồn quá nhiều chó mèo nên bệnh dịch rất dễ lây, rồi khó quản lý người làm nên đủ chuyện xảy ra. Biết tin cậu ấy phá sản, tôi ngậm ngùi: Mới lập trại chó hôm nào/ Đống xương vô định đã cao bằng đầu".
Sẽ nằm lại mãi giữa những chú mèo
Đi một vòng quanh sân, nhà thơ chỉ cho người viết một vuông đất ngay giữa không gian của Tề Đồng Vật Ngã. Ông nói, đây là nơi được chuẩn bị để mình gửi thân khi nhắm mắt sau này. Một đời yêu và sống với chó mèo, xem ra, ý nguyện ấy là tất yếu để Nguyễn Bảo Sinh thêm phần hạnh phúc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất