04/11/2011 10:05 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Những tưởng chỉ có một số bộ phim truyền hình bị gắn mác “thảm họa”, nhưng thật bất ngờ vì cũng có cả tác phẩm điện ảnh bị liệt vào danh sách “thảm họa” này. Dù đụng tới đề tài khá “nóng”: đồng tính, Cảm hứng hoàn hảo (KB-ĐD: Nguyễn Lê Dũng, chính thức chiếu rạp từ 4/11) là một “cột mốc” như thế.
Chọn thể loại tâm lý xã hội, lấy bối cảnh đương thời, quay chủ yếu tại TP.HCM, ê-kíp mất hơn một tháng để hoàn tất phim này, có thể thấy Cảm hứng hoàn hảo có mức đầu tư thấp về kinh phí. Trong bối cảnh ngày càng nhiều phim ra rạp, cạnh tranh khốc liệt, đây là mức đầu tư tỉnh táo và hợp lý, thế nhưng chất lượng thì có quá nhiều “sạn”, đến mức không thể “nhặt”, mà chỉ có thể “xúc”.
“Lát cắt” từ truyền hình
Có thể nói Cảm hứng hoàn hảo là cuộc so kè giữa những nghệ sĩ trẻ với nhau, đó là Phạm Thanh Duy (vai Hải), Thúy Diễm (Nhã Yến), Mạc Anh Thư (Kiều Oanh), Từ Hạnh Vân (Kim Thư), Phan Như Thảo (Hồng Loan). Trừ Trương Nam Thành (Phong) và Triệu Đan Kỳ (Thu Thủy) là các gương mặt mới, 5 diễn viên vừa kể đều khá quen thuộc với màn ảnh nhỏ, quen đến mức mà trong phim này thật khó để tìm được nét mới trong lối diễn của họ. Đạo diễn dường như cũng không đủ thời gian để khai thác và xây dựng nét diễn riêng cho từng nhân vật.
Nếu muốn tìm một minh chứng cho luận điểm “truyền hình giết chết điện ảnh” thì ở đây có khá đầy đủ (!). Cả bộ phim (khoảng 110 phút) chẳng có một thủ pháp hay biểu hiệu nào có thể giúp người xem phân biệt được ngôn ngữ của điện ảnh hay truyền hình, trừ cái màn ảnh rộng trước mặt. Luôn đầy tính kịch và thái quá trong cách xây dựng tình huống; diễn viên thì thoại lê thê, mang tính câu giờ, lấy “lời” để diễn tả thay cho “hình” - đây là thủ pháp và ngôn ngữ chính của phim truyền hình. Chính vì vậy, xem Cảm hứng hoàn hảo rất giống với xem một vài tập của phim truyền hình dài tập, nơi mà cao trào dần dần diễn ra và từ từ được giải quyết.
Và sống sượng…
Kịch bản của Cảm hứng hoàn hảo bắt đầu từ một luận đề quen thuộc của ngành tâm - sinh lý học, đó là liệu một cậu bé lớn lên trong vòng tay chăm sóc quá kỹ lưỡng của các chị thì có bị lệch về lối sống hay không? Và câu trả lời: chắc chắn là có, vì khoảng 85% định hình giới tính và lối sống từ tác động xã hội.
Hải sinh trong gia đình khá giả, nhưng mồ côi cha mẹ từ bé, được ba chị gái là Kiều Oanh, Kim Thư, Hồng Loan hết mực cưng chiều, lớn lên bị lệch lạc về giới tính. Suốt bộ phim là lời kể nhàn nhạt của Hải về bí mật đời mình cho vợ là Nhã Yến. Kịch tính bắt đầu từ triển lãm hội họa, Hải bất ngờ nhận được bức tranh đã đưa mình lên vị trí thủ khoa đại học. Thấy chồng mình quá trân quý bức tranh khỏa thân này mà Nhã Yến đâm đơn ly dị, buộc chồng phải kể lại chuyện xưa, một sự thật mà Nhã Yến chẳng hề xa lạ, vì cô chính là Thu Thủy trước khi bị tai nạn và được giải phẩu thẩm mỹ thành người khác. Người xem hoàn toàn không thể hiểu tại sao người vợ lại cần biết một bí mật mà bản thân mình có ở trong đó và chưa hề quên? Cho nên, dù được xây dựng từ một nền tảng (luận đề đúng), nhưng đây là một kịch bản khá vô duyên.
Công bằng mà nói, với ý tưởng kịch bản này, nếu khai thác trên thể loại tiểu thuyết hoặc phim truyền hình dài tập, người xem vẫn có cái để xem. Đó là hành trình của cậu bé bị lệch giới tính; đó là những hành động mang tính loạn luân giữa em trai và 3 chị gái; đó là sự băn khoăn tìm lại con người thật của mình... Nhưng khi các luận đề dài lòng thòng này được nhét sống sượng vào một phim điện ảnh mà đạo diễn thì quá non tay... mọi thứ trở nên ngớ ngẩn.
… đến… ngớ ngẩn!
Với hành trình gian nan để tìm lại giới tính thật của mình, phim diễn tả sự băn khoăn và bế tắc của Hải, có lúc anh phải nhảy sông tự tử. Thế nhưng, xem phim khán giả không cách nào chia sẻ được “nỗi buồn” này, họ liên tục bật cười vì những tình huống và lời thoại ngớ ngẩn.
Hoặc như cảnh chị hai quỳ trước Phật đường cầu xin phù hộ cho em trai “trở lại bản năng gốc”; rồi ba chị gái cùng đứng trước bàn thờ cha mẹ khấn như vậy - khán giả lại được một phen cười trên... nỗi đau. Hay như chuyện vẽ râu giả để Hải già đi 5-7 tuổi cũng làm khán giả buồn cười, khi máy quay cận cảnh, ai cũng nghĩ mình đang xem kịch truyền hình chứ không phải phim điện ảnh.
Đạo diễn Nguyễn Lê Dũng cùng thế hệ và học cùng trường CĐ Sân khấu Điện ảnh TP.HCM với Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Lê Bảo Trung... nhưng đây là tác phẩm đầu tay của anh. Với chất lượng như thế này, có thể nói, phim này khó mà đánh dấu được sự trở lại của anh với thị trường phim trong nước.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất