12/10/2008 11:12 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Những người thuộc “bộ lạc cổ dài” Myanmar tị nạn ở Thái Lan đang nổi dậy chống lại việc mình bị biến thành hiện vật trong một “làng bảo tàng” cho khách đến tham quan. Nhưng cuộc nổi dậy của họ xem ra chưa mang lại những kết quả mong muốn
Từ những người phụ nữ thượng lưu
Ba du khách người Anh đầu trọc, xăm trổ đầy mình đang ngật ngưỡng trên một thớt voi. Một chiếc xuồng cao tốc chở một gia đình người Tây Ban Nha đang phóng tới. Mục tiêu của những con người này là làng Huay Pu Keng có 300 dân cư. Ngôi làng nhỏ ở Thái Lan nằm gần biên giới Myanmar, được quảng cáo là còn "nguyên thủy" này nổi tiếng nhờ những người phụ nữ Kayan “cổ dài”.
Kayan là một dạng phong tục mang tính tôn giáo của người Karen, một dân tộc thiểu số Tạng-Miến ở Myanmar, hiện vẫn theo chế độ mẫu hệ. Theo phong tục này, các bé gái từ 5 tuổi bắt đầu đeo vòng đồng cổ và cùng với thời gian số vòng được ních thêm vào ngày càng nhiều, cuối cùng có thể lên tới hàng chục vòng, nặng tổng cộng từ 5 đến 9 kg, khiến cho cổ của người phụ nữ ngày càng dài ra. Các Kayan – hay còn gọi là những phụ nữ “hươu cao cổ” - được coi là thuộc tầng lớp nữ quyền và “thượng lưu”, ai có cổ càng dài thì càng quí phái, cao sang. Những chiếc vòng đồng là vốn liếng của họ, được truyền từ đời này sang đời khác.
Nguồn gốc của phong tục Kayan hiện vẫn còn là một khoảng tối chưa được khám phá, nhưng một phiến đá có từ thế kỷ 11 đã có tạc một con rồng cổ quấn vòng và dòng chữ: Kayan. Có người cho rằng phong tục Kayan xuất phát từ đó: Những chiếc vòng cổ khiến người phụ nữ Kayan trông giống những con rồng thiêng.
Thành "động vật hiếm" thời hiện đại
Đầu những năm 1990 do xung đột với chính phủ quân sự ở Myanmar, nhiều người dân thuộc sắc tộc Karen theo phong tục Kayan đã chạy sang nước Thái Lan láng giềng. Một trong số những người như thế là chị Ma Pai. Cách đây 19 năm, chị chạy sang Thái Lan cùng với gia đình và vào sống trong một trại tị nạn. Một số người Thái tỏ ra niềm nở với Ma Pai. Họ sờ xem những chiếc vòng đồng chị đeo trên cổ và nghĩ ngay tới cơ hội kiếm tiền.
Các nhà kinh doanh du lịch địa phương đang muốn biến miền Bắc Thái Lan thành một khu du lịch sinh thái khổng lồ nhằm thu hút du khách thích phiêu lưu mạo hiểm. Vì thế những người phụ nữ “hươu cao cổ” Kayan quả là một kho báu trời cho đối với họ.
Được sự chấp thuận của chính phủ, giới kinh doanh đã đưa một số người Karen ra khỏi các trại tị nạn, xây cho họ một số “làng nguyên thủy” như Huay Pu Keng với mục đích hút khách du lịch. Cho tới nay, họ đã xây dựng được 8 ngôi làng kiểu này và làng mới nhất vừa được khai trương ở Pattaya, cách Bangkok hai giờ đi bằng ô tô.
Chị Mu La cho biết các ông chủ Thái Lan thu của mỗi du khách tham quan làng Huay Pu Keng 250 Baht (5 euro). Có ngày, bản này chỉ tiếp đón 3-4 khách, nhưng đôi khi có đến ba, bốn chục người đi thành đoàn và có hướng dẫn viên du lịch.
|
“Đường chính” của bản là một con đường đất gồ ghề và lầy lội vào mùa mưa, có khi nước ngập đến tận đầu gối. Cả bản không có điện, nước máy vì các nhà kinh doanh du lịch muốn thể hiện đây là một ngôi làng của một “bộ tộc nguyên thủy”. Cư dân ở đây đành phải sống trong tình trạng như vậy để “chiều lòng du khách”.
Chỉ có điều không hay là những người Kayan này đôi khi bị dân kinh doanh du lịch và chính các du khách đối xử như những con vật trong sở thú. Rất nhiều tấm biển chỉ dẫn được dựng lên tại các “làng bảo tàng” đã cho thấy điều đó. Một tấm biển đề "Chạm vào người dân làng là thiếu lịch sự”, rất giống với biển “Cấm sờ vào hiện vật”. Tấm biển khác đề “Không cho trẻ con kẹo bánh”, chẳng khác gì biển “Cấm cho thú vật ăn” trong các sở thú…
Bản Huay Pu Keng – điểm đến của du lịch hay là “sở thú... người”? |
Cuộc nổi dậy của đám “hươu cao cổ”
Ban đầu mọi chuyện cũng khá êm đẹp, vì những người Karen ở các “làng bảo tàng” như Huay Pu Keng dẫu sao vẫn sống dễ chịu hơn nhiều so với 120.000 người Myanmar tại các trại tị nạn khác. Nhưng sau đó bắt đầu có sự nổi dậy. Chị Ma Pai tâm sự: “Chúng tôi cảm thấy mình không được tự do. Chúng tôi không được phép ra khỏi làng, nếu ra chúng tôi sẽ bị ngồi tù 2 tuần. Chúng tôi không có giấy tờ tùy thân và năm thì mười họa mới nhận được một vài đồng bạc bố thí”.
Không cam chịu cái cảnh “cá chậu, chim lồng”, một số phụ nữ người Kayan đã phản đối bằng cách gỡ bỏ những chiếc vòng đeo trên cổ.
Sau đó những ý kiến chỉ trích bắt đầu xuất hiện. “Đó là một dạng sở thú... người” - ông Kitty McKinsey thuộc tổ chức cứu trợ tị nạn của Liên Hợp Quốc ở Thái Lan lên tiếng phê phán. Chính phủ New Zealand tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận những phụ nữ Kayan và gia đình họ nhưng nhà chức trách Thái Lan không chấp nhận.
|
Cũng vì thế cho đến nay, các “sở thú... người” như làng Huay Pu Keng vẫn tồn tại và là điểm đến ưa thích của các du khách phương Tây. Còn với những người như chị Ma Pai, cuộc sống vẫn là những tháng ngày loanh quanh trong Huay Pu Keng với một tương lai không lối thoát.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất