04/02/2014 09:54 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa Inter và Juve là hai thế giới hoàn toàn trái ngược, và những ai đã xem trận Juve - Inter đêm Chủ nhật có thể cảm thấy điều ấy là hiển nhiên và không thể nào đảo ngược được. Cái cách mà Juve tăng tốc để hạ gục Inter không khác gì một đoàn tàu lao về đích, không ai có thể cản nổi. Và Inter nằm lại trên đường ray, không gượng dậy nổi.
Những hình ảnh của Mazzarri sau mỗi bàn thua mà Inter hứng chịu trong trận derby Italia nói lên tất cả: ông sững người một chút, như một chiến binh vừa trúng một phát đạn, rồi đầu cúi xuống, như thể chấp nhận tất cả. Mà những cảnh như thế không phải bây giờ người ta mới thấy. Từ cuối năm 2013, khi mọi chuyện bắt đầu trở nên tồi tệ và áp lực dồn lên vai ông ngày một lớn, cựu HLV của Napoli đã trở thành một kẻ thất bại trong mắt của không ít người.
Trận thắng Milan là bản anh hùng ca gần nhất của Inter trong thời gian kéo dài hơn hai tháng qua, và trong 6 trận đấu của năm 2014, Inter đã chìm trong thảm họa với 4 trận thua và 2 trận hòa. Để rồi, bây giờ, khi đã bị hiện tượng Verona vươn lên đẩy xuống vị trí thứ 6, giở cuốn sổ thống kê (nhìn chẳng khác bản thiệt hại chiến tranh), có thể nhận ra rằng, Inter Mazzarri thậm chí còn tệ hơn cả Inter Stramaccioni cùng kì mùa trước, khi kém thời đó 7 điểm. Một câu hỏi đặt ra: Đến bao giờ hành trình mệt mỏi này mới kết thúc, và liệu những tân binh như D'Ambrosio và đặc biệt Hernanes có thể giúp Inter đứng dậy?
Đêm 2/2/2014 là một Inter hoàn toàn khác, mất phương hướng, mất tinh thần, mất sự kết dính giữa các tuyến, mất những bàn thắng từ những cơ hội bị chân sút tốt nhất của họ, Palacio, nay đang sa sút, vứt đi một cách đáng trách. Tóm lại, một thảm họa cả trên khía cạnh kĩ thuật lẫn kết quả (mọi chuyện thậm chí còn có thể tệ hơn nữa, nếu như Vucinic không sút trúng cột dọc đội bóng mà suýt nữa anh đầu quân dưới trướng Mazzarri, người rất muốn có anh).
Sự khác biệt thể hiện trên sân được cụ thể hóa bằng những con số: Chưa bao giờ kể từ năm 1995, khi Serie A áp dụng 3 điểm cho một trận thắng, cách biệt giữa họ sau 22 vòng lớn đến như thế, 26 điểm. Mùa bóng 1994/95, khi cuộc chuyển giao giữa Pellegrini và Moratti diễn ra, Inter chỉ kém Juve ngày ấy 20 điểm. Moratti đã phải trải qua bao năm vất vả và cay đắng mới đưa được Inter lên đỉnh cao Serie A và Châu Âu. Thohir chắc chắn cũng không thể mơ ngày một ngày hai đưa Inter trở lại đỉnh cao mà đội bóng đã từng thuộc về, bởi tái thiết một đội như Inter không bao giờ là dễ dàng.
Mazzarri, sau những gì đã làm được cho Napoli trong những năm qua, không phải là một HLV tồi (điều kì quặc là ông rời Napoli để đến Inter, trong khi Benitez về Napoli, và cả Mazzarri lẫn Benitez cùng các đội bóng của họ gây thất vọng lớn). Điều mà ông cần là thời gian và sự kiên nhẫn ủng hộ của các tifosi, những người đã bắt đầu tỏ ra vô cùng sốt ruột. Đội bóng của họ giống hệt một đại công trường. Cần phải xây rất nhiều chỗ mới. Cần phải sửa chữa và nâng cấp các chỗ cũ. Nhưng tiền để mua sắm vật liệu thì không hề nhiều như ngày xưa.
Xem Inter đá đêm chủ nhật thấy thiếu rất nhiều điều, mà rõ nét nhất là những thủ lĩnh, những người làm neo đậu về tinh thần và chiến thuật cho đội, chẳng hạn Cambiasso và Zanetti. Thiếu những người như họ và với một hàng tiền vệ chắp vá, Inter như một con tàu mất phương hướng. Kovacic, mới 20 tuổi, và trong vai trò của một cầm chịch, đã luôn không có mặt ở vị trí của mình trong các tình huống quan trọng, không xuất hiện bên cạnh Pirlo để thu hẹp tầm ảnh hưởng của số 21 Juve, không hỗ trợ được phòng ngự... tóm lại phải giữ một vai trò quá lớn vượt tầm vóc của anh.
Nhưng hạn chế của Inter không phải Kovacic, mà là một hệ thống thi đấu với những con người được lắp ráp và sau đó vận hành không tốt, do dường như họ đã quen với việc thất bại. Trong những hoàn cảnh như thế này, vai trò và ảnh hưởng của người HLV rất quan trọng. Mazzarri đã được tiếp viện Hernanes, với một cái giá không thấp. Tiền vệ người Brazil sẽ là người nắm vai trò then chốt trong việc tạo lập cân bằng cũng như là người thể hiện quan điểm chiến thuật của Mazzarri. Nhưng không thể đòi hỏi những điều kì diệu ở anh một khi hệ thống thi đấu và những con người chơi quanh anh không kết dính để tạo thành một tập thể mạnh mẽ. Inter phải giải quyết sớm vấn đề Guarin, kí một hợp đồng mới với anh, nhằm tránh những chuyện cá nhân làm ảnh hưởng và đứt gãy tuyến quan trọng nhất đội bóng. Đợi chờ phản ứng của Inter vào cuối tuần này, khi họ gặp đội đang đứng gần cuối bảng Sassuolo.Thế giới còn lại mang tên Juve. Chỉ cần đưa ra những con số (mà không nhất thiết phải bình luận) để đến trẻ con cũng có thể hiểu, mùa này, Juve mạnh đến thế nào. Juve đánh bại ba đối thủ mạnh nhất của họ mùa này cùng với ba bàn trong các trận đấu chênh lệch (hạ Napoli và Roma 3-0, Inter 3-1). Juve đã ghi bàn trong 35 trận liên tiếp ở Serie A, bằng thành tích mà họ lập được trước đây, từ 28/4/1957 đến 20/4/1958 (lần gần nhất Juve không ghi bàn cách đây một năm, ngày 16/2/2013, 0-1 trên sân Roma).
Juve đã ghi 54 bàn sau 22 trận, đạt 2,54 bàn/trận, thành tích tốt nhất kể từ mùa bóng 1969/61, với 56 bàn Inter ghi được sau 22 trận). Juve đạt được 59 điểm, bằng kỉ lục mà Juve của Capello lập được sau 22 vòng đấu của mùa 2005/06. Cuối cùng, Juve đã thắng 11 trận liên tiếp trên sân nhà mùa này, và đang đuổi theo thành tích 12 trận liên tiếp họ làm được mùa 2005/06, 13 trận của Milan mùa 1946/47 và Torino mùa 1975/76.
Serie A 2013/14 có một nhà độc tài. Và bạn biết đội bóng đó là ai...
Trương Anh Ngọc
Phóng viên TTXVN tại Roma, Italy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất