05/02/2023 20:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Tết Nguyên tiêu đã cho phụ nữ cơ hội để tự do theo đuổi tình yêu.
Mở màn bằng ngày cúng ông Táo về trời, Trừ tịch đêm 30 rồi sang Mùng 1 đầu năm, ngày nào cũng tưng bừng nhộn nhịp. Đến ngày 15 tháng Giêng - Tết Nguyên tiêu, chính thức kết thúc hơi thở lễ hội mùa xuân bằng ngày sôi động nhất trong năm. Người Trung Quốc xưa ăn Tết Nguyên Tiêu không còn ở mức nhộn nhịp, mà là “náo loạn”.
Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tiết Thượng nguyên, có nguồn gốc từ nhà Hán ở Trung Quốc.
Khi đó Đạo giáo bắt đầu thịnh hành, gọi ngày 15 tháng Giêng là Tiết Thượng nguyên, ngày 15 tháng 7 là Tiết Trung nguyên, ngày 15 tháng 10 là Tiết Hạ nguyên, gọi chung là "Tam nguyên".
Người Trung Quốc thời xưa gọi ban đêm (dạ) là “tiêu”, vì vậy Tiết Thượng nguyên còn được gọi là Tiết Nguyên tiêu, phái sinh thành Tết Nguyên tiêu trong tiếng Việt. Bắt đầu từ hoàng hôn, thâu đêm dùng đèn đuốc rực rỡ để cúng tế, hơn nữa ban đêm thường có sao băng xẹt qua trên bàn thờ tổ, từ đó hình thành tập tục “15 tháng Giêng giăng đèn kết hoa”.
Để duy trì an ninh, triều đình lúc bấy giờ thường áp dụng "lệnh giới nghiêm", tức là qua nửa đêm, người dân không được phép đi trên đường phố. Nhưng ngày Tết Nguyên tiêu là một ngoại lệ, mọi nguyên tắc đều được “nới lỏng”, cho phép dân chúng thưởng trăng ngắm đèn, do đó ngày này còn được gọi là "Lễ hội đèn lồng".
Vào thời nhà Tùy, Tùy Dạng Đế phô trương sự xa xỉ, vung tiền như chơi, để “trang trí sự thái bình”, khoe khoang công trạng của mình, từng hạ lệnh triệu tập nghệ nhân dân gian vào thành, ngày 15 tháng Giêng tổ chức “hội chợ hí kịch” long trọng tại phố Đoan Môn ngoài thành Lạc Dương. Nghe nói lúc đó có tới 30 nghìn nghệ nhân diễn kịch, chỉ riêng nhạc công đệm đàn đã có 18 nghìn người, sân khấu nối liền mấy km, âm thanh vang mấy chục dặm. Cứ như vậy nhộn nhịp suốt một tháng.
Vào thời Đường Huyền Tông, mỗi độ Tết Nguyên tiêu, trong cung đình dựng tòa lầu treo đèn lồng cao 150 trượng (hơn 700m), kim ngân châu báu được treo lủng lẳng rủ xuống, gió nhẹ đu đưa vang lên tiếng giàu sang xa hoa. Từ vương công quý tộc đến dân chúng đều ra ngoài thưởng ngoạn, ngắm các loại hoa đăng đặc sắc, đông đúc đến nỗi xe không thể quay đầu, người khó xoay mình.
Bắt đầu từ nhà Tống, chợ đèn lồng dần xuất hiện. Ở chợ đèn lồng, vũ nữ tập trung nhiều nhất, dùng vũ điệu và tiếng hát để kiếm tiền. Mỗi đêm từ khi đèn được thắp sáng, trống đồng loạt vang lên, ca nữ vũ nữ lần lượt biểu diễn.
Ngoài hoa đăng và pháo hoa, Tết Nguyên tiêu ở nhà Tống còn có các hoạt động như giải câu đố trên đèn lồng và biểu diễn nhào lộn, múa đèn rồng, đi cà kheo, hát đối, chơi thuyền hoa... Âm thanh chấn động đường phố, vô cùng náo nhiệt.
Trong thời kỳ Nam Bắt triều và Liêu Kim, Tết Nguyên tiêu còn có một cái gọi là "Tiết thả trộm". Trộm cắp trong ngày Tết Nguyên tiêu có thể trở thành chuyện danh chính ngôn thuận. Tập tục này có nguồn gốc từ Liêu Kim, Khiết Đan Nam Bắc triều lấy ngày 13, 14, 15 tháng Giêng để "thả trộm".
Vậy người ta ăn cắp thứ gì vào Tết Nguyên tiêu? Đó là ăn cắp đèn lồng.
Tập tục tặng đèn hoặc trộm đèn để chúc “sinh được quý tử” đã có từ rất sớm. Buổi tối Tết Nguyên tiêu, trước cửa nhà nào cũng đốt những cái đèn được làm bằng bột đậu hoặc khắc bằng củ cải. Phụ nữ kết hôn nhiều năm nhưng chưa thể sinh con ra đường trộm đèn rồi ăn. Mặc dù đây chỉ là cách nói mê tín dị đoan, nhưng cũng là một niềm vui.
Đương nhiên, trộm cắp trong ngày Tết Nguyên tiêu sẽ trở nên lộng hành hơn vì luật lệ được tạm thời nới lỏng. Nhà nào cũng phải nâng cao cảnh giác. Song nếu như bị trộm, mọi người cũng chỉ cười cho qua, không thật sự bắt trộm, chỉ cảnh cáo hoặc thả đi nếu bắt tận tay.
Thời đại Tùy - Đường tương đối cởi mở, nam nữ nhân dịp Tết Nguyên tiêu đưa cho nhau "tín vật" để bày tỏ tình cảm.
Trong xã hội phong kiến, phụ nữ không có địa vị xã hội, bình thường không thể ra khỏi cửa, không có trường hợp đặc biệt không được phép tùy tiện ra ngoài. Có những cô gái trước khi kết hôn chưa từng thấy chồng trông như thế nào, tất cả đều tuân theo quyết định của cha mẹ, lời bà mối và vận may.
Nhưng Tết Nguyên tiêu đã cho phụ nữ cơ hội để tự do theo đuổi tình yêu. Vào ngày này, nữ giới đi ngắm hoa đăng, các chàng trai và cô gái cũng có thể mượn danh nghĩa ngắm đèn, đi chợ hoa, xảy ra một số câu chuyện tình cờ gặp gỡ. Có lẽ là một chàng trai tuấn tú cơ duyên nhặt được đồ mất của mỹ nữ rồi trả lại, hai người vừa gặp đã yêu nhau. Hoặc là một vị tài nữ giải câu đố vừa hay gặp được “soái ca” đời mình.
Đó là lý do tại sao ngày lễ hội có ý nghĩa đặc biệt này đã vẽ nên rất nhiều câu chuyện tình yêu đẹp từ thời cổ đại ở Trung Quốc.
Nguồn: Sina
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất