Tết Chiêng Xam - nét đẹp của người Thái Lai Châu

05/04/2014 10:47 GMT+7 | Di sản



(Thethaovanhoa.vn) - Tết Chiêng Xam (Tết Thanh minh tháng 3 âm lịch) của dân tộc Thái trắng được tổ chức theo từng gia đình, tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Đây là dịp để anh em, con cháu, họ hàng và cả những khách lạ hiểu thêm về phong tục, văn hoá của dân tộc chúng tôi - bác Lò Văn Sum ở bản Mạ, xã Mường Cang, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết khi chúng tôi có dịp đến thăm bản đúng thời điểm tiết Thanh minh.

Ngày này, khách lạ cũng như khách quen, nếu đến nhà đều được đón tiếp chu đáo, được mời thưởng thức những món ăn lạ lẫm của núi rừng Tây bắc. Theo bà con dân tộc Thái nơi đây, trước ngày mùng 3/3 âm lịch, anh em họ hàng, con cháu đều lên mộ người thân để cải mộ, dọn dẹp, sửa sang lại cho gọn, cho đẹp để ông bà đón tết. Khi ấy, mọi người cầm "phận péo" - nghĩa là cờ bằng giấy để cắm trên mộ. "Phận péo" được mọi người tự làm, cắt dán cẩn thận, thể hiện sự tôn kính. Anh Tòng Văn Linh ở bản Mạ, xã Mường Cang cho biết: Hàng năm gia đình tôi đều tự làm "phận péo". Theo quan niệm từ xưa, đây không chỉ mang ý nghĩa là cờ mộ mà còn tượng trưng cho những cái mới, là quần áo mới cho tiên tổ ông bà.

Người dân thắp hương mời tổ tiên về ăn Tết.

Người Thái ở đây cho rằng, nếu ngôi mộ của gia đình nào có nhiều cây cỏ mọc lên thì gia đình và họ hàng nhà ấy sẽ làm ăn rất phát đạt. Ngôi mộ ấy sẽ không cần phải dọn dẹp, để nguyên cho đến khi thành ụ mối, như vậy càng thêm giàu có. Mộ của người Thái thường được đắp bằng đất, đá. Trước mộ có để một hòn đá tượng trưng cho con chó; phía sau cũng để một hòn đá tượng trưng cho con mèo. Bà con đến cúng sẽ cúng và thắp hương cho cả hai loại động vật này để chúng canh giữ sự bình yên cho mồ mả.

Sau khi cúng trên mộ về, người lớn tuổi trong nhà hoặc người đàn ông đứng đầu trong gia đình sẽ tổ chức cúng tổ tiên tại gia. Mỗi gia đình đều lập ba bàn lễ cúng, một cho tổ tiên, một cho thổ công và còn lại là cho khách qua đường. Đối với bàn cúng tổ tiên và thổ công, đồ cúng được sửa soạn tươm tất gồm gà vịt, xôi, thịt lợn và rượu.

Tùy theo khả năng nấu ăn và đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ trong gia đình mà có những món ngon và bắt mắt. Đồng bào dân tộc Thái nấu xôi cho ngày Chiêng Xam thường nhuộm màu vàng, tím, được gọi là "khẩu cắm" - tương tự như xôi lá cẩm của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Đối với nơi cúng khách qua đường, bàn cúng được để ở ngoài nhà. Trên bàn chỉ để chút cơm và ít rượu để thể hiện sự hiếu khách của gia chủ trong dịp Tết Thanh minh này.

Anh Mạ Văn Lợi ở bản Cang Cai, xã Mường Cang cho biết: Người cúng đại diện cho gia đình mời tiên tổ về cùng ăn tết. Mỗi lời khấn chúc thể hiện sự tôn kính. Họ mong được tiên tổ phù hộ bình an, sức khỏe, anh em hòa thuận. Họ cầu cho mùa màng tươi tốt, thuận lợi, trâu bò lợn gà đầy nhà, đầy sân.

Sau khi hoàn thành những thủ tục lễ nghi cần thiết, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ. Ông Lò Văn Sum ở bản Mạ, xã Mường Cang cho biết, anh em họ hàng cùng nhau tâm sự, cùng chia sẻ những chuyện vui buồn, những việc làm được trong cuộc sống. Tết Chiêng Xam cũng là dịp để con cháu thế hệ trẻ hiểu thêm về nét truyền thống từ xưa của dân tộc Thái mình.

Quang Duy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm