Tiến Minh và cơ hội của cầu lông VN tại Asian Games 16: Đường ở dưới chân

01/11/2010 12:24 GMT+7 | ASIAD 2010

(TT&VH) - Trong một lần trả lời TT&VH mới đây, tay vợt số một VN Nguyễn Tiến Minh đã bộc bạch: “Asian Games là một đấu trường quá lớn. Hy vọng trong một ngày đẹp trời, tôi có thể làm nên chuyện...”. Song, liệu “ngày đẹp trời” đó có giúp Tiến Minh giành chiến thắng nếu như bản thân tay vợt này không chiến thắng được chính bản thân mình?

Có thể “rụng” ngay từ... vòng một

Tại Asian Games 15, Tiến Minh đã có một kỳ Á vận hội bùng nổ, khi trong một ngày lần lượt đánh bại cả 2 tay vợt hàng đầu thế giới là Lee Hyun (Hàn Quốc, hạng 7 thế giới) và Boonsak (Thái Lan, hạng 11 thế giới) cùng với tỷ số 2-1. Dù không thể vào sâu trong giải, nhưng tay vợt VN đã khiến cả làng cầu lông châu lục phải nhắc đến mình như một “hiện tượng” của giải, lúc đó Tiến Minh mới đang đứng trong top 50 thế giới.


Nếu như sức trẻ cùng tâm lý thoải mái đã giúp Tiến Minh tạo nên dấu ấn đậm nét tại kỳ Asian Games 4 năm về trước thì tại Quảng Châu lần này, đây lại là những điều tạo nên sự lo lắng nhiều nhất từ giới chuyên môn và người hâm mộ dành cho tay vợt người TP.HCM. Chuẩn bị bước sang tuổi 30, cái tuổi ở bên kia sườn núi với đa số các VĐV thể thao, khả năng duy trì thể lực trong những trận đấu kéo dài hàng giờ đồng hồ của Tiến Minh đang là một dấu hỏi lớn. Đó không phải là một lo ngại không có cơ sở, bởi trong những trận thua gần đây, thể lực suy giảm cũng ảnh hưởng khá nhiều đến phong độ của tay vợt này.



 Tiến Minh phải chiến thắng được chính bản thân mình trước khi tìm cách đánh bại đối thủ

Theo kết quả bốc thăm, Tiến Minh rơi vào nhánh thi đấu được xem là rất “xương”, khi vòng nào cũng là chướng ngại vật thật sự. Ngay từ vòng đầu tiên, Tiến Minh đã chạm trán với tay vợt hạng 32 thế giới người Ấn Độ Kashyap Paprupalli. Trong lịch sử đối đầu của 2 tay vợt, cả 2 lần gặp nhau thì Tiến Minh đều thua cả 2. Đang là tay vợt hạng 9 thế giới nhưng thời gian gần đây, việc Tiến Minh thất bại trước các tay vợt yếu hơn và cả không tên tuổi không còn là chuyện quá hiếm. Và nếu không có nỗ lực thật sự, chưa biết chừng Tiến Minh sẽ phải về nước sớm ngay khi kết thúc vòng một. Tất nhiên không ai muốn điều đó nhưng ngay cả ở vòng 2, đối thủ Tanongsak Saensomboonsuk (Thái Lan) cũng là một thử thách không hề đơn giản với Tiến Minh. Thật trùng hợp tại SEA Games 25, Tiến Minh cũng gặp tay vợt người Thái Lan tại vòng 2 và... dừng bước. Lần đầu Tiến Minh gặp Tanongsak là ở bán kết Challenge Việt Nam 2008, lúc đó Tiến Minh hạng 27, Tanongsak hạng 57, và Tiến Minh phải chật vật mới thắng được đối thủ với tỷ số  2-1. Bức tường lớn nhất xuất hiện ở vòng tứ kết (đây cũng là mục tiêu phấn đấu của Tiến Minh tại Asian Games 16), khi đối thủ đang là tay vợt số 2 TG Lin Dan (Trung Quốc). Không phải nói nhiều về đối thủ này về thể lực, kỹ thuật và cả sự khôn khéo. Gặp Lin Dan luôn là một “tin xấu” với bất kỳ tay vợt nào trên thế giới chứ không riêng gì Tiến Minh. Trong 5 lần đối mặt gần đây giữa 2 bên, kết quả đều nghiêng về tay vợt người Trung Quốc.

Đối thủ lớn nhất là chính mình


Yếu tố may mắn trong bốc thăm đã không đến với tay vợt VN. Vì thế, nếu muốn đạt được thành tích cao tại Asian Games năm nay, Tiến Minh phải chứng minh được năng lực thực sự của một tay vợt trong top 10 thế giới. Để làm được điều này, Tiến Minh sẽ phải biết cách vượt qua những rào cản về tâm lý. Hay nói cách khác, Tiến Minh phải chiến thắng được chính bản thân mình trước khi tìm cách đánh bại đối thủ.


Vấn đề tâm lý với Tiến Minh ở thời điểm này nêu ra sẽ là tranh cãi với một số người, bởi đang là tay vợt trong top hàng đầu thế giới, lại chinh chiến hàng chục giải lớn nhỏ mỗi năm thì đáng lẽ vấn đề tâm lý thi đấu phải được gác qua một bên. Song, thực tế là cho tới nay Tiến Minh vẫn chưa thực sự được coi là một tay vợt lớn của làng cầu lông thế giới. Những tay vợt hàng đầu như Lee Chong Wei, Lin Dan, Bao Chunlai... luôn biết cách cân bằng trạng thái của mình ở những thời điểm khó khăn nhất, đặc biệt là ở các giải đấu lớn. Còn với Tiến Minh, sự thăng hoa thực sự chỉ đến khi tay vợt này không gặp áp lực. Còn ngược lại, bất cứ kết quả tệ hại nào cũng có thể xảy ra. Ngay như tại Olympic Bắc Kinh 2008, Tiến Minh dù thắng tưng bừng tay vợt HsiehYu Hsing (Đài Loan) trước đó không lâu tại giải toàn Anh, nhưng lại thua đối thủ này ngay tại vòng một khi chạm trán ở Thế vận hội. Hay như thất bại ê chề trên sân nhà mới đây trước Chen Yuekun, tay vợt không mấy tên tuổi hạng 274 thế giới người Trung Quốc, nếu không vì tâm lý thì còn lý do nào khác?


Thế nên, chuyện thành hay bại ở Asian Games 16 sắp tới hoàn toàn là do Tiến Minh, giống như con đường ở ngay dưới chân, nhưng làm sao để đến được đích lại là vấn đề không hề đơn giản.


VIỆT AN

Cùng với Tiến Minh ở nội dung đơn nam, cầu lông VN có thêm một VĐV nữa tham dự Asian Games 16 là Vũ Thị Trang ở nội dung đơn nữ. Từng giành HCĐ ở giải Olympic trẻ hồi tháng 8, nhưng tay vợt người Bắc Giang lại rất thiếu kinh nghiệm. Việc cử Vũ Thị Trang tham dự Asian Games không ngoài mục đích cọ xát để chuẩn bị cho SEA Games 26. Đối thủ của Trang ở vòng 1 là Lydia Cheah (Malaysia, hạng 102 thế giới) và nếu lọt vào tới vòng 2 cũng là một thành công ngoài mong đợi với Trang.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm