Bước ngoặt không mong đợi
Sau nhiều năm gắn bó, Nhung và những tên tuổi lớn của làng cầu lông TP.HCM và Việt Nam như Thanh Hải, Quang Minh, Thanh Thảo… nói câu đoạn tuyệt với nơi này. Năm ngoái, chuyện này đã gây sốc trong giới thể thao. Dễ hiểu bởi vì Nhung còn quá trẻ (mới 22 tuổi), còn dư sức cống hiến cho cầu lông đỉnh cao chừng… mươi năm nữa. “Vì sao tụi em bỏ cầu lông TP.HCM ư? Vì quá chán nản với cách làm thiếu chuyên nghiệp của bộ môn. Nói thẳng ra, tụi em bị o ép và thường bị dọa đuổi khỏi đội tuyển TP.HCM nếu không nghe lời của họ. Chuyện chia tay là chẳng đặng đừng với em hay những người khác. Nhưng thoát ra như thế lại thoải mái tư tưởng hẳn”, Lê Ngọc Nguyên Nhung bày tỏ.
Nhiều người tâm huyết lấy làm tiếc khi Nhung và một vài đồng nghiệp quyết định chia tay TP.HCM, bởi ban đầu ai cũng nghĩ những tay vợt hàng đầu này sẽ về đầu quân cho địa phương khác. Nhung nói liền: “Tụi em chưa hề có tư tưởng chia tay TP.HCM để chơi cho một địa phương nào đó. Cầu lông giờ đây là chuyên nghiệp, cũng có nghĩa các tay vợt tự thoát ly khỏi ràng buộc để vận động nhiều hơn nữa, tự sống, tự thi đấu và tự làm tất cả mọi chuyện để xây dựng hình ảnh của mình. Tất nhiên, đóng góp cho đội tuyển quốc gia vẫn là ưu tiên số 1 của em. Nếu đội tuyển cần, em luôn sẵn sàng phục vụ”.
Bỏ cầu lông TP.HCM, Nhung theo học ở Trường Đại học SPTDTT TP.HCM, đồng thời nuôi ước mơ được du học nước ngoài chuyên về thể thao. Với cô giờ đây, một cuộc sống mới lại bắt đầu…
Nguyên Nhung nhìn mảnh mai yếu ớt, nhưng thật cứng cáp, mạnh mẽ và ý chí
Rửa chén thuê để chơi cầu lông
Rời cây vợt về đến nhà, bố và mẹ người lo nước uống, hộp sữa và bữa cơm để cô con gái cưng có thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào buổi tập chiều. Nói chung, tất tần tật mọi chuyện ở hậu phương, Nhung chẳng phải bận tâm, cô chỉ dồn sức cho việc luyện nghề. Nhà cũng chẳng giàu có gì, nhưng khi con gái nằng nặc đòi theo đuổi cầu lông, bố mẹ Nhung đồng tình ngay. Vốn liếng dành dụm cả đời, ông Lê Hoàng Hiệp đều dốc hết vào cuộc đầu tư quyết liệt cho “cô con gái rượu”. Và nhờ cách làm tư nhân hóa của gia đình Nguyên Nhung, cầu lông Việt Nam mới có được tay vợt nữ tài năng như ngày nay.
Nhung thường bảo: “Nếu ba, mẹ em không đứng sau lưng chăm chút cho mọi chuyện, có lẽ em bỏ cầu lông lâu rồi. Gia đình là nguồn động viên và chính là động lực để em tiếp tục gắn bó với môn thể thao khắc nghiệt này”. Còn nhớ, khi IOC dành cho Việt Nam 1 suất học bổng tại Trung tâm huấn luyện Saarbrucken (Đức) để chuẩn bị Olympic Bắc Kinh 2008 và Nhung là người được chọn. Mọi sự sẽ rất bình lặng nếu chỉ có chuyện ra tập luyện. Nhưng rồi, vì học bổng quá ít ỏi, trong khi Nhung cần ít nhất 30 giải đấu để hoàn thành giáo án của Trung tâm, nguồn hỗ trợ từ gia đình đã đến hồi khó khăn, cô buộc phải… đi làm thêm kiếm tiền. Sau các buổi tập mệt mỏi chuẩn bị cho giải New Zealand mở rộng 2008, Nhung lăn xả vào phục vụ bàn, rửa chén có khi tới 1-2 giờ sáng chỉ để có thêm vài chục đô-la New Zealand trong túi chi cho những chuyến đi thi đấu và sinh hoạt thường nhật.
“Có lẽ nhờ vậy, em đã lớn thêm, đã cứng cáp hẳn lên và nhận ra rằng khó khăn cùng cực mới là cách tôi luyện cho con người ta bản lĩnh sống thực thụ”, Nguyên Nhung tâm sự.
Học cách tự sống
Đúng là sự khắc nghiệt của những chuyến tập huấn, thi đấu một mình nơi đất khách đã tôi luyện Nguyên Nhung từ cô tiểu thư nhút nhát thành một tay vợt bản lĩnh. Nhung cũng giống như đồng nghiệp nam Nguyễn Tiến Minh, thuộc diện tài năng hiếm hoi của thể thao Việt Nam nói chung và cầu lông nói riêng. Chỉ có điều, trong lúc Tiến Minh luôn nhận được sự hỗ trợ đặc biệt về kinh phí từ ngành thể thao, từ Liên đoàn cầu lông Việt Nam và TP.HCM, thì Nguyên Nhung gần như phải sống trong cảnh “tự thân vận động”, nhất là trong khoảng 2-3 năm trở lại đây.
Và Nhung cũng biết lo cho người khác, vẫn thường làm hướng dẫn viên, phiên dịch cho đồng đội Tiến Minh khi chỉ có hai tay vợt này dự các giải quốc tế. Và cũng nhờ những lần được “thả tự do” như vậy, “cô tiểu thư” Nhung đã học được cách tồn tại giữa cuộc sống đầy gian truân này…
NGUYỄN VÂN