Nhà vô địch không phải là Barca

16/05/2016 20:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Zubizarreta-Koeman-Ferrer-Nando-Scristan-Guardiola-Carlos-Bakero-Laudrup-Salinas-Stoichkov nhắc bạn điều gì? Sẽ có người nhớ rất rõ, và trả lời ngay lập tức: “Đội hình Barcelona giành cúp C1 năm 1992”. Nhưng cũng sẽ có người phải dò tìm vài phút trên internet để xác định đáp án. Đơn giản, lúc đó, họ chưa ra đời.

Zubizarreta-Sergi-Nadal-Koeman-Ferrer-Guardiola-Amor-Bakero-Begiristian-Romario-Stoichkov nhắc bạn điều gì? Vẫn sẽ có người nhớ rất rõ, và trả lời ngay lập tức: “Đội hình Barcelona thảm bại ở chung kết C1 1994, trước Milan”. Và vẫn có người phải dò tìm trên internet bởi họ cũng chưa ra đời ở thời điểm ấy.

1. Ở đội hình 1992, chỉ có Guardiola và Ferrer là trưởng thành từ lò đào tạo của Barca, tức La Masia. Ở đội hình 1994, số nhân tài trưởng thành từ La Masia được tăng cường thêm Begiristian và Amor. Và ở thời kỳ 1990-1994 ấy, người ta đặt cho Barca cái tên “dream team”, cái tên mà sau này không được dùng nữa, trừ những so sánh của chính báo chí thể thao Việt Nam, khi gắn cho đội hình Barca dưới thời Pep Guardiola cái “nghệ danh” “dream team 2.0”.

Chúng ta hãy thử đặt ra một câu hỏi rằng tại sao người ta lại ấn tượng với thành tích của Barcelona dưới thời Pep Guardiola đến thế?  

Phải chăng, lối chơi mà Pep tạo dựng hấp dẫn quá mức? Hay bởi vì Pep đoạt quá nhiều danh hiệu? Nguyên nhân nào nghe cũng hợp lý cả. Song, nguyên nhân chính khiến người ta say mê Barca phiên bản Pep hơn cả phiên bản Rijkaard là bởi phần lớn sự tôn vinh dành cho La Masia, lò đào tạo trẻ được coi là xuất sắc nhất thế giới.

Cách Pep đăng quang với những trụ cột từ La Masia như Valdes-Puyol-Pique-Xavi-Iniesta-Busquest-Messi thực sự ấn tượng, và mở ra viễn cảnh một CLB đi đầu trong việc xây dựng nền tảng. Nhiều người tin rằng chất lượng La Masia là hảo hạng, thậm chí tài năng sản sinh ra từ đó còn dư thừa tới mức phải bán cả lúa non (ở lứa tuổi 16-17). Có người còn đặc biệt tin chắc vào khả năng Barca có thể đi tới mọi đỉnh cao với La Masia, khi nó không chỉ là nơi tạo ra các hảo thủ, mà còn tạo ra cả những lứa cầu thủ cùng chung một triết lý tới mức thấm nhuần.

2. Vậy thì chức vô địch La Liga năm nay mà Barcelona mới giành được có vẻ “không phải của Barca”. Nghe rất phi lý, nhưng lại hợp lý. Từ La Masia xuất khẩu ra, trong đội hình nhà vô địch năm nay của họ, chỉ còn Messi-Busquest-Pique-Iniesta mà thôi. Dường như, Barca đã biến chất, khi họ quay trở lại con đường 1990-1994, con đường “dream team” được xây dựng nhờ mua sắm hơn là từ La Masia, lò đào tạo lừng danh, số một, hoàn thiện nhất làng túc cầu.

4 năm trước, khi nói chuyện với ông Manolo, CĐV nổi tiếng nhất bóng đá TBN, ở trong quán café của ông trước cửa sân Mestalla, tôi có khen ngợi Barcelona và La Masia hết lời. Trả lời tôi, ông chỉ lẳng lặng đưa tờ Mundo Deportivo, với đội hình ra sân của Barca trước trận hành quân đến sân Benfica và nói rằng “Chúng nó mà giỏi thế, chúng nó chẳng mua Jordi Alba của bọn tao làm gì”.

Câu trả lời ấy khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Đúng là chẳng có ai, tập thể nào là ưu việt nhất thiên hạ. Nhưng cũng chẳng có cái thứ La Masia nào mà cứ đào tạo ra tất nhiên sẽ là tài năng hết cả. Đào tạo cũng rủi ro như xuống giống mỗi vụ mùa. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa thì có hết. Mất một yếu tố thôi, trắng tay.

3. Vậy nên, có thể coi Barcelona mùa giải này còn thảm thương hơn Barcelona mùa 1993-94. Cầu thủ từ học viện nắm suất chính đội hình quá ít. Sức mạnh chủ yếu dựa vào các ngôi sao chuyển nhượng bom tấn. Và một “dream team” đúng nghĩa chỉ có thể vào tới bán kết Champions League và vô địch Liga với 1 điểm sít sao hơn đối thủ, một đối thủ thay ngựa giữa dòng, chắc chắn là một “dream team” thất bại.

Đội vô địch Primera Liga thực ra vẫn là Barca, nhưng đó không phải là Barca mà chúng ta từng biết tới…

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm